Người chuyển giới sắp được kết hôn hợp pháp

Dự kiến dự Luật Chuyển đổi giới tính sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2020.

Chị Minh Châu, Trưởng đại diện cộng đồng chuyển giới Hà Nội chia sẻ về câu chuyện tìm lại chính mình

Chị Minh Châu, Trưởng đại diện cộng đồng chuyển giới Hà Nội chia sẻ về câu chuyện tìm lại chính mình

Giá nào cho chuyển đổi giới tính?

Trong cuộc trò chuyện cởi mở với báo giới sáng 26/9, chị Minh Châu (trưởng đại diện cộng đồng chuyển giới Hà Nội) cho biết: Thái Lan vốn được coi là thiên đường của người chuyển giới, khi các dịch vụ phẫu thuật chuyển giới khá công khai và được nhiều người có mong muốn chuyển giới tìm đến. Thế nhưng, hiểm họa sau những cuộc phẫu thuật chuyển giới thì ít ai lường trước được. “Không ít người ngất xỉu trên đường về khách sạn sau khi phẫu thuật. Đó là còn chưa kể rất nhiều biến chứng có thể xảy đến...”, chị Châu chia sẻ.

"Bên cạnh việc ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để bảo vệ quyền lợi người chuyển giới, cũng cần thay đổi quan điểm của xã hội với cộng đồng người chuyển giới và cần có cái nhìn công bằng với họ. Có như vậy, Luật thông qua mới thực sự đi vào cuộc sống”.

Bà Đinh Thu Thủy
Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Theo chị Châu, giá phải trả cho một cuộc phẫu thuật chuyển giới nam sang nữ ở Thái Lan từ 150 triệu đồng- 400 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí ăn ở, đi lại, thuốc men). Tuy nhiên, phần lớn người chuyển giới Việt sang đó lựa chọn dịch vụ với chi phí tối thiểu nhất, ước khoảng 150 triệu đồng. Với dịch vụ này, người chuyển giới chấp nhận các ca phẫu thuật như làm ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục trong điều kiện thô sơ và người bệnh buộc phải tự mình di chuyển từ phòng khám về nơi ăn nghỉ sau khi thực hiện phẫu thuật chỉ vài giờ. “Mới đây, một người bạn chuyển giới vừa trở về sau cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục ở Thái Lan tâm sự rằng, nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai khi nhớ đến việc bị trói chân, tay trước khi phẫu thuật và nỗi đau đớn khủng khiếp nhất là chịu nhát dao phẫu thuật đầu tiên khi thuốc mê còn chưa kịp ngấm. Hay cách chừng 1 tháng, một bạn trong nhóm chuyển giới đã tử vong vì sốc khi tiêm hormone giới tính. Dù cái giá phải trả quá đắt nhưng những người chuyển giới vẫn khao khát được là “chính mình”, chị Châu cho hay.

Đưa tấm hình một căn phòng thô sơ, bừa bộn và không đảm bảo tiệt trùng với tên gọi “phòng phẫu thuật thẩm mỹ chuyển giới” được cung cấp từ một người chuyên môi giới “du lịch thẩm mỹ Thái Lan”, bà Nguyễn Kim Dung (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng) chia sẻ cảm giác “rùng mình”: “Với điều kiện y tế như thế này, người chuyển đổi giới tính không chỉ đánh đổi sức khỏe, tiền của mà còn cả tính mạng của chính mình để thực hiện giấc mơ”.

Anh Chu Thanh Hà (đại diện công đồng chuyển giới nữ) cũng thẳng thắn chia sẻ về những gian nan trong “hành trình 21 ngày” của mình. Theo anh Hà, “hành trình 21 ngày” chính là chu kỳ 21 ngày 1 lần tiêm hormone nam. Ấp ủ giấc mơ “trở thành người đàn ông trong hình hài người phụ nữ”, anh Hà bắt đầu sử dụng hormone nam từ đầu năm 2016, đều chằn chặn “đến cữ” anh Hà tự mình tiêm hormone. Dù tự tiêm suốt hơn 2 năm, nhưng anh Hà cho hay, “cứ mỗi lần tự tiêm cho mình là 1 lần run tay. “Tiêm vùng nào là an toàn, tiêm sao không vào mạch máu, không apxe hay không sốc. Tất cả những điều đó đều do những người chuyển giới chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Vì thực tế, không có y bác sĩ nào nhận tiêm cho chúng tôi. Thậm chí, đến thuốc hormone cũng do chúng tôi tự lần mò mua, dù không rõ nguồn gốc”, anh Hà giãi bày.

Năm 2020 sẽ trình dự thảo Luật chuyển đổi giới tính

Theo bà Nguyễn Kim Dung, việc ra đời Luật Chuyển đổi giới tính là điều cần thiết. Bởi trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân đang ngày càng được cải thiện thì dịch vụ cho người chuyển giới gần như không có. Điều này gây trở ngại cho cộng đồng người chuyển giới trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống khỏe mạnh. Trên thực tế, cũng không ít trường hợp đã gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị hormone hay tự tiêm silicone do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. “Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ Luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng. Chỉ khi có hành lang pháp lý những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận”, bà Dung nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Đinh Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Đến thời này, dự thảo đang tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp Quốc hội năm 2020. Theo dự thảo, người chuyển giới được công nhận là chuyển đổi giới với 3 phương án. Phương án thứ nhất là sau khi kiểm tra tâm lý, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên). Phương án hai là họ cần được kiểm tra tâm lý, sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 1 năm) hoặc đã phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục). Phương án còn lại chỉ cần được kiểm tra tâm lý, không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hay phẫu thuật). “Dự án luật cũng quy định điều kiện để người chuyển giới được can thiệp y học là trên 18 tuổi, độc thân, có đủ sức khỏe và không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục. Hiện đang thiên về phương án 2”, bà Thủy cho biết.

Trả lời về việc có mâu thuẫn hay không giữa Luật Chuyển đổi giới tính với Luật Hôn nhân gia đình ở quy định “không thừa nhận người đồng giới kết hôn”, bà Thủy cho rằng việc ra đời Luật Chuyển đổi giới tính sẽ tạo điều kiện pháp lý tốt hơn để người chuyển giới được kết hôn hợp pháp.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-chuyen-gioi-sap-duoc-ket-hon-hop-phap-d273351.html