Người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô

Sâu sát với cơ sở, gần gũi với nhân dân, nhưng rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đó là dấu ấn đậm nét trong 41 năm công tác của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, từ khi là Bí thư Đoàn phường đến khi giữ những cương vị quan trọng như: Phó Chủ tịch UBND thành phố, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội hai khóa 15 và 16.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (thứ tư từ phải sang) cùng các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: ĐẶNG SÁNG

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng (thứ tư từ phải sang) cùng các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi thỏ tại xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: ĐẶNG SÁNG

Còn nhớ, khi Hà Nội triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với mốc thời gian khá “căng”, không ít nơi, trong đó có cả người đứng đầu cho rằng sẽ khó khả thi. Chính vì sự “đủng đỉnh” đấy cho nên đến giữa năm 2016, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của các địa phương còn khá thấp. Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành ủy do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng ban đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Có những cuộc họp kéo dài từ chiều đến tối muộn, thậm chí lãnh đạo phải tỏ thái độ gay gắt. “Cấp ủy, chính quyền phải cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn, nếu không hoàn thành, cán bộ lãnh đạo đều phải kiểm điểm”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu.

Cùng với đó, thành phố thành lập các đoàn công tác, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở về cơ chế, chính sách. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng được “cột” trách nhiệm với mốc tiến độ cụ thể. Nhờ đó, đến giữa năm 2017, thành phố đã hoàn thành 98% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với hơn 611.000 giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 nhiệm kỳ 2015 - 2020, nâng tổng số huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới của thành phố là 12 trong số 18 huyện và 368 trong số 382 xã, trong đó có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm nhấn của TP Hà Nội thời gian qua, với sự đóng góp quan trọng của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khi là người “cầm trịch” chỉ đạo triển khai. Khi giữ cương vị là Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng chí đã cùng thành phố triển khai và hoàn thành nhiều công trình, dự án của Thủ đô và đất nước ghi dấu ấn về sự kiện lịch sử này. Tiêu biểu là: tu sửa các di tích Thăng Long tứ trấn (gồm: Đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đền Kim Liên), di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đình Nam Hương, đền Ngọc Sơn, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân…; xây dựng nhiều tượng đài có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật: tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Thánh Gióng, tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh…; xây dựng công viên Hòa Bình, Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội tại Mỹ Đình… đều là những công trình có giá trị trường tồn, góp phần tạo nên diện mạo mới của Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng...

Khi là Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, rồi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, đồng chí thể hiện dấu ấn quan trọng khi ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Thành ủy về “Đào tạo cán bộ nguồn TP Hà Nội từ nay đến năm 2020” tạo đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với tầm nhìn dài hạn, cách làm chủ động, bài bản, đúng quy định; đã đào tạo được 1.250 cán bộ nguồn công tác đảng, đoàn thể, công chức cấp xã bảo đảm chất lượng. Tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ năng hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý của thành phố. Đồng thời, tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”, đưa Hà Nội thành điểm sáng trong cả nước trong lĩnh vực này.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng tiếp tục làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. Đồng chí đã chỉ đạo, giải quyết nhiều việc khó, việc mới. Điển hình như công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện bài bản, nên dù giảm hàng nghìn biên chế, nhưng hầu hết đều rất “êm” và đồng thuận. Công tác đánh giá cán bộ của Hà Nội trong những năm gần đây đổi mới theo hướng thực chất, chuyển từ đánh giá theo tiêu chí định tính sang đánh giá theo tiêu chí định lượng, đánh giá đa chiều và thường xuyên, khắc phục tình trạng đánh giá chung chung, giúp nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cán bộ.

Với những đóng góp quan trọng ấy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/nguoi-co-nhieu-dong-gop-cho-su-phat-trien-cua-thu-do-667407/