Người con của bản Đoàn Kết

Từ một bản đặc biệt khó khăn, sau gần 6 năm xây dựng đời sống mới, đến nay, diện mạo bản Đoàn Kết, xã biên giới Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một bản điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Thành quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của Trung úy Đào Nguyên Túc, người lính năng động, sáng tạo trong công tác, sống tình cảm và trách nhiệm với đồng bào nơi đóng quân.

Trung úy Đào Nguyên Túc trao tặng áo ấm cho đồng bào trên địa bàn. Ảnh: Quang Huy

Một ngày đầu tháng 10-2019, tôi cùng Trung úy Đào Nguyên Túc, nhân viên trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu (CK) Tén Tằn, BĐBP Thanh Hóa, tìm đến nhà ông Mong Văn Dôm, Trưởng bản Đoàn Kết. Đang mải mê trò chuyện, bất ngờ có gần chục đứa trẻ bỗng chạy ùa lại gần chúng tôi sắp hàng ngay ngắn, vòng tay đồng thanh lễ phép: “Cháu chào hai bác! Cháu chào bác Túc”, rồi cứ thế vây quanh ôm vai Trung úy Túc vui mừng như đón người thân của mình ở xa về.

Mang lại ấm no cho dân bản

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, Trưởng bản Dôm vui vẻ cho biết: “Bản Đoàn Kết hiện có 170 hộ, 722 khẩu người dân tộc Khơ Mú sinh sống. Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng CK Tén Tằn, đời sống của người dân đã được nâng lên rất nhiều”.

Tôi kể lại câu chuyện lúc nãy, ông Dôm thổ lộ: “Chú Túc là người gắn bó với bản lâu nhất và giúp dân bản được nhiều nhất đấy! Ở đây, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng quý, cũng thương chú Túc như người nhà của mình. Các cháu giờ lễ phép vậy cũng là nhờ chú Túc cả đấy!”.

Tôi thắc mắc: “Tại sao lũ trẻ đều gọi đồng chí là bác?”. Túc tươi cười kể: “Ngày mới vào bản, thấy lũ trẻ không chào hỏi ai cả, tôi liền đứng nghiêm dõng dạc: “Tôi! Trung úy Đào Nguyên Túc xin chào các cháu!”. Thấy vậy, lũ trẻ hứng khởi lăn ra cười. Kể từ hôm đó, cứ hễ gặp các chú Biên phòng hay người lớn tuổi, các cháu đều lễ phép chào hỏi. Tôi nhắc một số cháu lớn tuổi thay đổi cách xưng hô cho đúng, nhưng chẳng cháu nào chịu nhớ cả. Chúng bảo chỉ thích gọi là bác Túc thôi”.

Sau gần 6 năm xây dựng đời sống mới, nhiều hộ dân của bản Đoàn Kết từ chỗ đói nghèo, nay không những đủ ăn, mà còn mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống. Bản Đoàn Kết cũng được đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, nhà văn hóa, đường bê tông vào bản. Đặc biệt, đầu năm 2018, bản đã có điện lưới và được phủ sóng mạng điện thoại di động Viettel.

Cuối năm 2013, trước tình hình đời sống của dân bản Đoàn Kết gặp muôn vàn khó khăn, Đồn Biên phòng CK Tén Tằn đã quyết định cử Trung úy Túc tăng cường vào “cắm bản”. Là người năng nổ, chỉ sau một thời gian ngắn, anh nắm bắt được nguyên nhân căn bản khiến người dân còn đói nghèo. Đó là phương thức canh tác lạc hậu, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại. Trước tình hình đó, Trung úy Túc đã tham mưu cho đơn vị thành lập một tổ công tác gồm 4 đồng chí vào cùng ăn, cùng ở với đồng bào.

Trung úy Túc cùng đồng đội vận động thanh niên trong bản đi tìm nguồn nước và triển khai làm hệ thống thủy lợi. Tiếp đó, anh cùng đồng đội trực tiếp cải tạo đất, triển khai gieo trồng lúa nước trên một thửa ruộng mà dân bản chỉ làm một vụ rồi bỏ hoang. Đất đã không phụ công người, thửa ruộng của tổ công tác Biên phòng năm ấy cho năng suất ngang bằng với năng suất chính vụ của đồng bào. Niềm tin của dân bản Đoàn Kết đối với cán bộ Biên phòng được khơi dậy từ đó. Bà con phấn khởi tự nguyện làm theo BĐBP, trồng lúa nước hai vụ, góp phần giải quyết cơ bản lương thực tại chỗ, xóa bỏ cảnh “no 3 tháng, đói 9 tháng” đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.

Sau thành công của cây lúa nước hai vụ, Trung úy Túc tiếp tục tham mưu cho chỉ huy đơn vị kêu gọi các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho dân bản Đoàn Kết.

Và mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) đầu tiên của bản Đoàn Kết được Trung úy Túc và tổ công tác phối hợp triển khai chính là mô hình của gia đình trưởng bản.

Trung úy Túc nhớ lại: “Lúc triển khai mô hình, tôi và anh em lo lắm! Lo bởi nếu thất bại thì sẽ mất niềm tin với cấp trên và sợ nhất là mất niềm tin với bà con dân bản. Lúc đó, chúng tôi xác định, mô hình phát triển kinh tế này được ví như một “đòn đánh” quyết định thành bại trong “cuộc chiến” với “giặc đói, giặc nghèo” của bản Đoàn Kết”. Rất may, chỉ sau 2 năm, mô hình bước đầu đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng ra 25 gia đình trong bản, cho thu nhập bình quân mỗi mô hình một năm từ 50 đến 80 triệu đồng.

Thầy giáo Biên phòng

Xác định nâng cao dân trí là yếu tố then chốt để đưa mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống đồng bào, tháng 5-2018, Trung úy Túc đã tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức mở lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào ở bản Đoàn Kết. Lớp học có 38 học viên đều là phụ nữ. Mọi việc tưởng chừng như rất suôn sẻ, thì chỉ sau 2 tuần, số học viên cứ thế giảm dần cho đến lúc chỉ còn vỏn vẹn 12 người, nguy cơ lớp học tan rã gần như khó tránh khỏi.

Trung úy Túc nhớ lại: “Thú thực, lúc nhìn thấy lớp học trống vắng, tôi cảm thấy hụt hẫng và bế tắc vô cùng. Tôi đã buộc phải báo cáo chỉ huy đơn vị xin tạm dừng lớp học một thời gian để củng cố”.

Chỉ sau 3 ngày tìm hiểu, Trung úy Túc tìm ra nguyên nhân cốt lõi nhất của việc chị em bỏ học là tâm lý e ngại, xấu hổ bởi đã lớn tuổi. Anh Túc dành 10 ngày tới từng nhà chị em vận động, thuyết phục. Sự gần gũi, chân tình của anh đã chạm tới trái tim chị em. Tất cả các học viên bỏ học đều vui vẻ trở lại lớp. Chị Lò Thị Thu, trước đây là học viên lớp xóa mù chữ vui vẻ tâm sự: “Tôi tham gia học được 4 buổi rồi bỏ. Thầy Túc đã đến tận nhà bảo tôi: Không biết chữ mới xấu hổ, chứ đi học cái chữ thì không có gì phải xấu hổ cả! Biết cái chữ mới mở rộng hiểu biết để làm kinh tế giỏi được. Nghe chú nói vậy, tôi quyết tâm đi học lại”.

Trung úy Đào Nguyên Túc đưa đón học sinh đến lớp trong chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Quang Huy

Sau gần 4 tháng học tập, 100% học viên của lớp xóa mù chữ ở bản Đoàn Kết đã biết chữ và làm được các phép tính đơn giản. Cũng từ đây, Trung úy Túc được chị em trong bản gọi với cái tên trìu mến là thầy Túc Biên phòng.

Chia tay người lính mang quân hàm xanh có dáng người to cao, nước da bánh mật, nụ cười đầy sảng khoái, tôi lại nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân vận khéo, thì việc gì cũng thành công”.

Quả đúng vậy! Bản Đoàn Kết có được như ngày hôm nay chắc hẳn phải nhờ cả một tập thể dày công vun đắp. Nhưng nếu không có những người gần dân, sát dân, miệng nói, tay làm và “dân vận khéo” như Trung úy Túc thì bản Đoàn Kết khó có thể đạt được thành công lớn như vậy.

Quang Huy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-con-cua-ban-doan-ket/