Người con dâu giữ nghề làm tranh Đông Hồ

Chúng tôi tìm về nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (59 tuổi) vào một ngày đầu đông. Người phụ nữ duy nhất được phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân làng nghề Việt Nam', đồng thời cũng là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) và là con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Giữ nghề truyền thống

Đang làm dở công việc trên khuôn in, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh tâm sự: "Gia đình tôi vừa mới nhận hợp đồng bán tranh cho một nhà chùa trong tỉnh nên tranh thủ thời gian để còn kịp giao hàng sớm cho khách".

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh thao tác trên bản in tranh

Bà Oanh sinh ra trong gia đình có 4 chị em, lớn lên trong nhịp sống của một làng tranh dân gian nổi tiếng. Lên 10 tuổi đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại tranh để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau...

Hiện tại, bà Oanh cùng gia đình đã lưu giữ hàng nghìn bản khắc gỗ cổ với hàng trăm thể loại khác nhau như Hứng dừa, Đám cưới chuột, Lợn âm dương, Gà mẹ gà con, Gà đàn… Không những thế, qua từng nét bút, tờ tranh rồi nhờ sự dẫn dắt truyền dạy của bố chồng, bà Oanh đã tự sáng tác được 40 tác phẩm tranh phản ánh cuộc sống nông thôn của làng Đông Hồ như: “Chợ tranh ngày tết”, “Chợ quê” “Hát thuyền”… góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Bản khắc gỗ tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh hào hứng kể cho chúng tôi về dòng tranh dân gian đặc sắc còn tồn tại đến ngày nay nhưng khi trả lời câu hỏi hướng phát triển cũng như đầu ra sản phẩm của làng tranh trong mắt người nghệ nhân tâm huyết với tranh Đông Hồ vẫn thấm nỗi buồn khó bày tỏ. Mặc dù tranh Đông Hồ đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, nhưng nó lại nằm ở vị trí “cần được bảo vệ khẩn cấp” có lẽ cũng bởi tranh Đông Hồ chỉ được bán èo uột trong các cửa hàng lưu niệm. Người nghệ nhân cả đời đeo đẳng với nghệ thuật dân tộc xót xa khi người mua tranh chủ yếu của làng Đông Hồ hiện nay vẫn chỉ là khách nước ngoài và một số người thích sự hoài cổ của nghệ thuật dân gian.

“Xưa kia chợ tranh ở đình làng Đông Hồ những ngày tháng ngày giáp Tết đông vui rực rỡ, chợ chỉ bán duy nhất một loại hàng là tranh Đông Hồ, người mua đến từ khắp các tỉnh có thể đi bằng đường bộ hoặc theo đường sông Đuống về. Thời đó, tranh Đông Hồ xuất sang thị trường Đông Âu là chính. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, thị trường Đông Âu đóng băng, nghề tranh điêu đứng, tổ sản xuất tranh không trụ nổi phải giải tán và làm nghề khác", nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh kể lại thời hoàng kim của làng tranh Đông Hồ.

Tranh Lợn âm dương

Bà Oanh cho biết: “Mặc dù làm tranh thời buổi này không thu lợi nhuận như làm vàng mã nhưng tôi vẫn quyết tâm theo nghiệp tranh và cũng hướng cho các con phải giữ nghề vì cảm thấy vinh dự lắm mỗi khi tranh Đông Hồ được tôn vinh”.

Sáng tạo với bản khắc mới

Bên cạnh những đề tài truyền thống như Gà lợn, Cá chép trông trăng, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa… thì nhiều đề tài hiện đại cũng được bà Oanh sáng tạo thêm trên chất liệu là tranh truyền thống.

Nghệ nhân Oanh truyền nghề cho thế hệ sau. Ảnh Thuận Thành

Đó là bức chùa Bút Tháp, chùa Dâu được bà Oanh đưa đi triển lãm tại Festival Bắc Ninh lần thứ 2 năm 2014. Hai tác phẩm này được hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh trao tặng Huy chương Vàng cho sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu.

Nói về sự khác biệt, cũng như sự cầu kỳ của tranh dân gian Đông Hồ, bà Oanh cho biết: “Để tạo nên bức tranh Đông Hồ, người nghệ nhân xưa đã kết hợp nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên như hoa lá, cỏ cây trên rừng, con điệp dưới biển... để tạo màu đen thì họ lấy từ than cây xoan hay than lá tre; màu vàng lấy từ hoa hòe; màu xanh từ lá chàm, gỉ đồng...”

Mỗi nghệ nhân đều có kinh nghiệm và sự sáng tạo của mình trong cách pha màu, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Có lẽ chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ của gia đình bà Oanh luôn tươi sáng, rực rỡ và không bị bay màu.

Để theo kịp dòng chảy thời đại, bà không ngừng nâng cấp hình thức cũng như làm cho mẫu mã đẹp hơn để thu hút được khách hàng ...

Cũng chính nhờ sự tâm huyết và sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ trong đó có gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh nên vài năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu quan tâm, nhận ra vẻ đẹp trong sự mộc mạc, giản dị của tranh Ðông Hồ. Làng tranh giờ đây cũng đã trở thành một điểm tham quan du lịch văn hóa có sức hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.

Chia tay nữ nghệ nhân tranh Đông Hồ khi trời đã về chiều, mang theo mong ước phục dựng lại sức sống của làng tranh xưa kia bên dòng sông Đuống thơ mộng đã vang tiếng một thời.

Trường Lê - Mai Tường

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nguoi-con-dau-giu-nghe-lam-tranh-dong-ho-post52858.html