Người con nuôi của Phan Châu Trinh

Có lần nhà cách mạng Nguyễn An Ninh xin cụ Phan Châu Trinh cho mình được làm con nuôi để chăm sóc cụ thay cho người con trai duy nhất của cụ là Phan Châu Dật đã mất vì bạo bệnh vào năm 1921.

Phan Châu Trinh (ảnh trái) và người xin làm con nuôi Nguyễn An Ninh. (Ảnh tư liệu)

Phan Châu Trinh (ảnh trái) và người xin làm con nuôi Nguyễn An Ninh. (Ảnh tư liệu)

Người lập 2 tờ báo bằng tiếng Pháp...

Nguyễn An Ninh (1900-1943) sinh tại Hóc Môn - Gia Định, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha ông (Nguyễn An Khương) và chú ông (Nguyễn An Cư) là những lương y nổi tiếng, từng hết mình chữa bệnh và chăm sóc cụ Phan Châu Trinh cũng như giúp đỡ cho các nhà yêu nước trong các phong trào Đông du, Duy Tân.

Lúc nhỏ ông học ở trường Lasan Taberd rồi trường Chasseloup-Laubat. Năm 1916 ông tốt nghiệp hạng ưu chương trình trung học, sau đó ra Hà Nội học Cao đẳng Y - Dược, rồi Cao đẳng Pháp chính.

Năm 1918, ông bỏ học, sang Paris (Pháp), thi vào ngành Luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông hoàn thành chương trình của 4 năm và nhận bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc.

Năm 1923, Nguyễn An Ninh về nước, ông tham gia các hoạt động yêu nước. Ngày 25-1-1923, ông diễn thuyết đề tài “Nền Văn hóa Việt Nam” được đông đảo giới nghiên cứu hoan nghênh. Ngày 15-10-1923, ông tiếp tục diễn thuyết đề tài “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam”. Hai bài diễn thuyết này có tiếng vang lớn trong dư luận thanh niên và trí thức Sài Gòn bấy giờ, người Pháp phải “đau đầu” nên ra lệnh “cấm Nguyễn An Ninh diễn thuyết và tụ tập đông người ở bất cứ nơi đâu”.

Ngày 10-12-1923, ông lập ra tờ báo La Cloche Fêleé (Tiếng chuông rè) bằng tiếng Pháp, phát hành công khai ở Sài Gòn. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai, trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính quyền thực dân Pháp.

Năm 1925, ông sang Pháp đón cụ Phan Châu Trinh về nước và cho xuất bản sách “Nước Pháp ở Đông Dương”, tố cáo chính sách cai trị của người Pháp.

Năm 1926, ông bị bắt giam 2 năm. Sau khi ra tù, Nguyễn An Ninh sáng lập Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín. Cuối năm 1928 ông lại bị bắt giam. Sau khi ra tù vào năm 1931, Nguyễn An Ninh tiếp tục các hoạt động yêu nước. Tháng 4-1932, ông lập ra tờ La Lutte (Tranh đấu) bằng tiếng Pháp. Đây là tờ báo rất có uy tín ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Nguyễn An Ninh phát động phong trào “Đông Dương đại hội”, một phong trào đấu tranh mang tính chất quần chúng rộng rãi. Ngày 4-10-1939, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo. Ông mất tại Côn Đảo ngày 14-8-1943.

... và xem cụ Phan như cha

Trong bài “Sang Pháp đón cụ Phan Châu Trinh về nước” (Báo Pháp luật ngày 15-8-2018), bà Nguyễn Thị Minh, con gái Nguyễn An Ninh, cho biết: “Cuối năm 1924, bác Nguyễn Thế Truyền gửi thư cho cha tôi báo tin đang lo thủ tục xin cho cụ Phan Châu Trinh về nước vì bệnh của cụ trở nặng... Cụ muốn được nhắm mắt tại quê nhà. Cụ Phan cũng viết thư cho ông nội tôi nhờ cho cha tôi sang đón cụ về”.

Cũng theo bà Minh, sau đó Nguyễn An Ninh cho mời hai vị mạnh thường quân là ông Khánh Ký (bạn cụ Phan từ bên Pháp) và Huỳnh Đình Điển (một nhà tư sản yêu nước) lên Hóc Môn để cùng cụ Nguyễn An Khương bàn bạc. Các vị đã thống nhất là Nguyễn An Ninh sẽ sang Pháp đón cụ Phan, chăm sóc cụ trước và trên đường về. Gia đình cụ Nguyễn An Khương lo chi phí thuốc men, ăn uống, chăm sóc cho cụ trong chuyến sang đón và sau khi về Sài Gòn. Còn hai ông Khánh Ký và Huỳnh Đình Điển lo mọi chi phí đưa cụ Phan về nước và chi phí đi lại của cụ sau khi về Sài Gòn. Lương y Nguyễn An Cư lo chuẩn bị một số thuốc bổ dưới dạng thuốc tể cho Nguyễn An Ninh mang sang Pháp để cụ Phan Châu Trinh nâng cao thể trạng đủ sức lênh đênh cả tháng trên biển.

Bà Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan, cho biết thêm: Tháng 1-1925, Nguyễn An Ninh xuống tàu sang Pháp. Sau khi sức khỏe cụ Phan đã khá lên, cụ cùng Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh cùng xuống tàu về nước ngày 29-5-1925. Ngày 28-6 tàu cập cảng Sài Gòn. Một cuộc đón tiếp cảm động diễn ra tại bến cảng: “Tàu cập bến vào 8 giờ 15 phút tối, trời bắt đầu tối và mưa lâm thâm nhưng nhiều người, nhiều ô-tô đợi trên bến tàu, vẫy khăn gọi tên… Một số được lên tàu đón, vây quanh Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh. Ai cũng muốn gặp Phan Châu Trinh; ông có vẻ gầy gò, má hóp, da đã nhăn nheo nhưng mắt rất sáng, nét mặt và cử chỉ rất kiên quyết dứt khoát…” (Phan Thị Minh, Tạp chí Xưa & Nay số 461, tháng 7-2015).

Trong bài “Chân dung Phan Châu Trinh dưới mắt người con” trên Tạp chí Bách khoa số 406 tháng 3-1974, Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của Phan Châu Trinh cho biết: “Sau này, năm 1925 cậu tôi ở Pháp về với ông Phan Văn Trường do Nguyễn An Ninh sang đón”.

Trong một đoạn khác bà Châu Liên nói về mối quan hệ thân thiết của hai người trong những ngày cuối đời của Phan Châu Trinh: “Nguyễn An Ninh quấn quýt bên cậu tôi. Hai người đánh bài Tây làm trò vui. Có lúc ông Ninh đòi làm con trai cậu tôi thay cho anh Phan Văn Dật. Cậu tôi cười và nói: Làm con trai cũng vậy thôi, cốt yếu làm sao cho ích quốc lợi dân là quý hơn hết... Ninh xem cậu tôi như cha mà cậu tôi cũng thương yêu Ninh hơn hết… Bà vợ của ông Ninh rất dễ thương. Khi cậu tôi mất bà vợ Nguyễn An Ninh có xuống để tang như con trong gia đình”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trên Tạp chí Bách khoa số 406 tháng 3-1974 cho biết một thông tin “mới mẻ”: “Với tinh thần trách nhiệm cao độ, với cái nhìn sắc bén, với niềm tin vững như đá, năm 1925 Phan Châu Trinh (Trung) cùng Phan Văn Trường (Bắc) theo tướng tiên phong Nguyễn An Ninh (Nam) trở về nước để chuyển hoạt động dân quyền sang hoạt động dân trị”.

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê thì cho rằng, trước khi mất Phan Châu Trinh đã trao “đại sự” lại cho Phan Khôi vì cụ tìm thấy nơi Phan Khôi một nhà Nho điềm tĩnh gần gũi với tư tưởng của cụ hơn, còn Nguyễn An Ninh “Tây quá, sôi động quá”!

LÊ THÍ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202304/nguoi-con-nuoi-cua-phan-chau-trinh-3943848/