Người Cor mang họ Bác Hồ

Mảnh đất miền Tây Quảng Ngãi là nơi có đông đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Người Cor đều lấy họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của mình với lời thề 'Suốt đời theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng'.

Trở về huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) vào dịp cận kề kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), những câu chuyện lịch sử ở vùng căn cứ địa cách mạng trong 2 kháng chiến chống Pháp và Mỹ được nhắc lại, rưng rưng.

Đặc biệt, ở nơi này, dù Bác đã đi xa, nhưng câu chuyện, hình ảnh về Người vẫn nguyên vẹn trong trái tim đồng bào dân tộc Cor huyện vùng cao Trà Bồng, nơi vinh dự mang họ Hồ - họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Văn Biên bên di ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Văn Biên bên di ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cẩn thận lau chùi tấm ảnh Bác đặt trang trọng trên bàn thờ, ông Hồ Văn Biên (sinh năm 1964, thôn 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, người Cor chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phần họ trước kia được đặt theo tiếng Cor, số ít mang họ Đinh hoặc không có họ. Sau này, theo Bác, theo Đảng nên đồng lòng xin đổi để mang họ Hồ.

Ngược về lịch sử, năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ từ trần, sáng ngày 9/9/1969, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cor vượt núi, băng rừng về chiến khu Trà Lãnh dự lễ truy điệu Bác do Huyện ủy Trà Bồng tổ chức.

Mọi người lắng nghe Di chúc của Người và điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bức tượng Hồ chủ tịch tạc từ thân cây quế, được đồng bào trang trọng đặt lên bàn thờ để mọi tấm lòng hướng về Người.

Tại buổi lễ này, các già làng người Cor đề đạt nguyện vọng của đồng bào “muốn theo họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thể hiện tấm lòng trung kiên với Đảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy Cụ Hồ. Thế là dân làng đi xin ý kiến cấp trên.

Hiểu lòng bà con, nhưng chuyện theo họ của Bác không phải muốn là được, nên Huyện ủy Trà Bồng trình Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tỉnh ủy xin ý kiến của Trung ương. Lúc ấy, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có ý kiến chỉ đạo: Trung ương không chủ trương nhưng thể theo nguyện vọng của đồng bào thì chấp thuận. Thông tin nhanh chóng bay về Trà Bồng, ai nấy vừa phấn khởi vừa xúc động.

Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ người Cor được mang họ Hồ, đoàn kết cùng với các dân tộc khác thực hiện Di chúc của Bác trước lúc Người ra đi là thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tại xã Trà Sơn, cộng đồng người Cor phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, từ việc giúp đỡ gia đình khó khăn đến bê tông đường nông thôn, hiến đất làm trường học, xây dựng nông thôn mới... chỉ cần đưa ra bàn bạc, bà con đều đồng lòng thực hiện.

Từ vùng không điện, không đường, Trà Sơn đã có những sự đổi thay mà ngay cả người dân nơi đây cũng ngỡ ngàng. Đường sá đi lại ngày càng thuận lợi, điện lưới quốc gia kéo về tận thôn, xóm, trường học được xây dựng khang trang. Bà con được vay vốn, hỗ trợ cây, con, giống để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

“Đồng bào Cor rất vinh dự và tự hào được mang họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lòng theo Đảng, theo Bác, không bao giờ quên công ơn. Nhờ Bác, nhờ Đảng mà đời sống người dân ngày càng tốt hơn”- ông Biên nói.

Mùa thu năm 1959, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Từ khi mang họ Hồ, niềm tin vào Đảng và Bác càng được nâng lên, người Cor phấn đấu thực hiện làm theo lời dạy của Người để xây dựng quê hương, đất nước.

Một góc trung tâm huyện Trà Bồng.

Một góc trung tâm huyện Trà Bồng.

Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, diện mạo kinh tế-xã hội của huyện Trà Bồng có nhiều đổi thay tích cực. Điều đáng mừng là người dân đã dần bỏ cách làm ăn lạc hậu, thay vào đó từng bước biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Nếu như trước kia, đồng bào dân tộc Cor chỉ biết trồng quế thì giờ đây, người dân còn trồng thêm rừng nguyên liệu, phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo.

Đồng bào Cor tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi để cải thiện kinh tế.

Đồng bào Cor tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi để cải thiện kinh tế.

Theo Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 42%, đến cuối năm 2023 còn hơn 29%. Đây là nỗ lực rất lớn, vì đặc thù miền núi rất khác biệt so với các huyện đồng bằng, chỉ cần có thiên tai, dịch bệnh lướt qua là nguy cơ tái nghèo rất cao.

Đáng nói, tư duy tập quán canh tác đã thay đổi hoàn toàn sau hàng loạt các chương trình giảm nghèo ở khu vực miền núi được triển khai như 134, 135, 30a, đến bây giờ là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện Trà Bồng đã chấm dứt tình trạng du canh du cư, bà con được giao đất, giao rừng sản xuất, đời sống có nhiều khởi sắc so với thời gian trước.

“Chuyện mang họ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nét văn hóa của đồng bào Cor. Trong quá trình triển khai những chủ trương về kinh tế, văn hóa, xã hội… các cấp ủy đảng trên địa bàn đều phát huy giá trị tinh thần, tâm thế này của người Cor và được đồng bào ủng hộ. Chính điều này làm thay đổi nhận thức và tư duy của họ trên tất cả các lĩnh vực ”- ông Dũng chia sẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-cor-mang-ho-bac-ho.html