Người của mây trời

Chiều nay nhìn về núi Tượng, thấy mây trôi chậm hơn, ngôi chùa ở lưng chừng dốc mờ mờ khói tỏa, không rõ khói hương hay gió sương, lòng chợt dâng một nỗi niềm nhớ thương.

Dẫu biết con đường đang đi rồi cũng sẽ đến một nơi, hoặc gặp lại những người xưa đi vội trước, hoặc chờ đợi một điều gì đó như cuộc tạm nghỉ chân, mình vẫn thấy sự thiếu vắng nào cũng là đột ngột.

Mười sáu tuổi, mình đến Ba Chúc(*) lần đầu, cô Tư vẫn còn mạnh khỏe ngồi bên ngôi nhà chung của những người “đi trước”. Nhìn người đàn bà tốt tướng, gương mặt phúc hậu, ít ai nghĩ rằng đó là một trong số rất ít người rơi lại từ nắm tay đầy của hung thần mang tên Chết. Người xóm nói, bữa gặp lại cô đi liêu xiêu từ cánh đồng xác người trở về, người ta hoảng loạn chạy như gặp ma. Bởi không ai nghĩ rằng trong đợt thảm sát ấy chúng sẽ để sống một ai. Cũng không ai hình dung ra được rằng người đàn bà này có thể sống sót trở về sau hàng tá đạn bắn nát cả mặt núi.

Cô Tư về, tá túc vào những người sống sót để nuôi hy vọng tìm cho được xác chồng con. Suốt nhiều năm đi lật xác người trên đồng vắng hay ngách đá, cô vẫn không thôi nuôi hy vọng tìm được những người thân đã chết trước mặt mình. Những mẩu xương, những hình hài không nguyên vẹn được cô Tư cùng người xóm đem về chất chung trong ngôi chùa bị đạn phá gần như tan nát. Lúc ấy cô vẫn tin rằng chồng con mình còn ở đâu đó với đất núi này, với làng quê Bảy Núi. Dù ở trong đống xương chung hay ở bờ tre ngọn suối thì họ vẫn mãi ở lại đây. Có người kêu, cô bỏ xứ này đi nơi khác đi, ở đây nhìn cảnh này chịu sao cho thấu. Nhưng cô biết đi đâu, người thân mình còn ở đây, thì mình ở lại đây, đến chết cũng ở lại đây, với cô bác, chồng con...

Hai mươi tuổi, mình trở lại Ba Chúc lần nữa. Lúc này mình đã biết đằng sau những bức ảnh đen trắng còn có một màu đỏ của lửa và máu. Đằng sau nụ cười đôn hậu của bà chủ quán nước bên nhà mồ, còn có một hố sâu thăm thẳm. Mình nhìn vào những hố mắt sâu của lớp sọ người, cảm giác như có ai đó ẩn nấp trong đó, nhìn mình với ánh nhìn tủi thân, rụt rè và ngần ngại. Chỉ ngồi nhìn, không dám hỏi cô Tư câu nào.

Những năm sau, nhiều người muốn ghi lại câu chuyện do cô kể để làm tài liệu quý giá, nhỡ sau này không còn kịp nữa. Mình cũng từng nghĩ điều nhỡ ấy, nhưng là nghĩ về hơi thở của cô. Lần cuối cùng đến thăm, cô Tư không còn nhận ra người thân nữa. Những cơn ác mộng không còn cơ hội cấu xé người đàn bà mỗi khi mưa đêm rả rích. Chỉ duy nhất cảm giác lặng lẽ, cúi nhìn khi máy quay lia vào khóe mắt đã cạn khô từ hồi trí nhớ của cô hóa khói bay bay, làm mình không cầm chắc tay được máy. Mình hình dung một ngày cô Tư đi xa, những thước phim trong máy sẽ không là gì cả. Hơi thở của người, mình còn không giữ được thì mấy thước phim ghi lại cảnh cô ngồi trầm tư, lạnh lẽo và không khóc trước hai mươi sáu bát nhang, có đem lại niềm an ủi cho những người quá vãng?

Sau lần đó, mình nghĩ nhiều về cuộc ra đi của cô Tư, khi biết mỗi lúc đã mỗi gần hơn. Thấy lòng mình sao mà ích kỷ, níu kéo hơi sống của một người để minh chứng cho điều gì đó làm chi. Không biết những năm tháng cuối đời, những ngày trí nhớ hóa mây trắng bay thong dong, cô có thấy mình đang sống cho mình hay không.

Chiều nay như bao buổi chiều khác, một người lớn tuổi lặng lẽ ra đi như bao cuộc “đoàn tụ” diễn ra trong ngôi làng sơn cước này. Tôi mở lại thước phim quay cô cách đây một năm. Cô Tư ngồi trên tấm phản, tay cố gượng không để té, hình như tay cô đang có một vết bỏng nho nhỏ. Hình như trong cơn tỉnh táo hiếm hoi, cô kéo bát nhang của con, lửa nhang rơi trên tay mà cô vẫn không hay biết. Lúc ấy người đàn bà nghĩ gì, và chúng tôi nghĩ gì khi chăm chú quay đoạn phim sắp trở thành tài liệu hiếm hoi, mà quên rằng trên tay cô mới in một vết bỏng, dẫu nhỏ...

(*) Thị trấn thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Lê Quang Trạng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290573/nguoi-cua-may-troi-.html