Người cựu binh 40 năm sưu tầm hiện vật để xây 'bảo tàng' Bác Hồ

40 năm đi khắp mọi miền đất nước, phát hiện nơi nào có di vật, tư liệu về Bác Hồ, cựu chiến binh Bùi Xuân Phước đều sưu tầm để đưa về khu tưởng niệm tại gia đình.

Cụ Bùi Xuân Phước nói về ý nghĩa của khu tưởng niệm Bác Hồ "Mong ước lớn nhất của tôi tạo ra một điểm đến hấp dẫn, giàu tính truyền thống. Bất cứ ai đến đây đều có thể nhìn thấy và hiểu về còn người, cuộc đời của Bác Hồ", cụ Phước nói.

Ông Bùi Xuân Phước (84 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) quê quán Đà Nẵng nhưng lớn lên ở Phú Yên. Thời thiếu niên, cụ hoạt động thiếu sinh quân tại thị xã Tuy Hòa, sau đó nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Bùi Xuân Phước (84 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) quê quán Đà Nẵng nhưng lớn lên ở Phú Yên. Thời thiếu niên, cụ hoạt động thiếu sinh quân tại thị xã Tuy Hòa, sau đó nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau khi xuất ngũ, cụ về công tác tại Bảo tàng Phú Khánh (Khánh Hòa và Phú Yên ngày nay). Khi chia tỉnh, cụ Phước làm Giám đốc Bảo tàng Phú Yên. Lúc còn tại ngũ, ý tưởng về việc sẽ lập một nơi để trưng bày các hiện vật về Bác Hồ do chính mình sưu tầm luôn được ông nung nấu. Tháng 10/1997, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức hình thành tại nhà riêng ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang sau nhiều năm miệt mài sưu tầm tư liệu về Bác.

"Khi còn nhỏ, tôi được học và rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Đến những năm 1976, tôi quyết định sẽ sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Hồi đó, nghe ở đâu có hiện vật hay các tư liệu liên quan đến Bác Hồ là tôi đến để xin được in sao thành nhiều bản, đưa về trưng bày ở bảo tàng nơi mình làm việc, số còn lại mang về tích lũy ở nhà", cụ Phước tâm sự.

Ngoài lòng kính trọng, tình yêu dành cho vị cha già dân tộc, người cựu binh luôn trăn trở muốn làm được thứ gì đó đặc biệt hơn về Người. Và rồi ông quyết định dùng những hiện vật trực quan sinh động về Bác Hồ để giáo dục tình cảm, ý chí cách mạng cho con cháu và các thế hệ trẻ sau này.

"Bảo tàng" của cụ Phước có hơn 100 hiện vật, tư liệu về Bác Hồ. "Ngoài tiền bạc, tôi không ngại khó khăn nếu ai đó nói có tư liệu về Bác muốn biếu hoặc bán. Hồi trẻ, tôi đi xe máy gần như khắp đất nước, nay chỉ đi được những nơi gần. Giờ nơi nào xa quá phải đi xe khách và gửi xe máy theo", người cựu binh 84 tuổi tâm sự.

Khu tưởng niệm của cụ Phước như "cuộc đời Bác Hồ" được thu nhỏ.

Với hiện vật phục chế chiếc áo kaki của Bác, cụ Phước tường tận đến từng sợi chỉ, mép vải bị sờn trên đó. Theo người sưu tầm di vật Bác Hồ, đây là chiếc áo phục chế theo nguyên bản, nhưng từng chi tiết nhỏ nhất đều được làm như thật.

Chiếc mũ và đôi dép cao su gắn liền với hình ảnh Bác Hồ được cụ Phước trưng bày trang trọng trong tủ kính, cũng như hơn 100 di vật, tài liệu khác.

Tư liệu cụ Phước tâm đắc nhất ở "bảo tàng" của mình là tấm ảnh thi hài Bác Hồ khi được đưa vào nơi bảo quản sau ngày Người mất. "Đây là tấm ảnh do một cán bộ cao cấp gần gũi với Bác khi Người còn sống đã chụp lại lúc thi hài được đưa vào bảo quản. Khi người này mất, chị vợ biết được nguyện vọng sưu tầm kỷ vật về Bác nên đã tặng lại tôi", cụ Phước kể lại.

Mẫu vật viên gạch Bác Hồ dùng sưởi ấm trong thời gian học tập, làm việc ở nước Pháp (1919-1923) được cụ Phước phục chế lại để trưng bày.

Mô hình nhà sàn nơi Bác từng sống, làm việc được trưng bày trang trọng.

Những tư liệu sưu tầm được, cụ Phước sắp xếp theo mốc thời gian của cuộc đời Bác Hồ.

Cụ Phước nói gia tài lớn nhất của đời mình chính là thực hiện được ước mơ mở một nơi trưng bày về Bác Hồ.

Trong khuôn viên gần 2.000 m2 của mình, cụ Phước dành phần lớn xây khu trưng bày về Bác, một góc nhỏ được dùng xây đài tưởng niệm các đồng đội của cụ Phước đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Góc nhỏ khác cụ Phước dành xây bàn thờ cho ông bà tổ tiên.

Hội Nông dân TP Nha Trang chọn sân khấu nằm trong khuôn viên nhà tưởng niệm của cụ Phước để tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hàng năm, vào dịp Quốc khánh 2/9 và cũng là ngày giỗ của Bác, rất đông đồng đội, cựu chiến binh và du khách đến dâng hương trước bàn thờ Bác.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: Google Maps.

Căn cứ địa bí mật K9 K9 được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi Bác đi xa, đây là nơi từng giữ gìn thi hài Người.

An Bình

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-cuu-binh-40-nam-suu-tam-hien-vat-de-xay-bao-tang-bac-ho-post983346.html