Người dám trái lệnh ông Trần Bắc Hà

Trong khi các bị cáo khai, họ thực hiện hành vi phạm tội vì không dám trái lời ông Trần Bắc Hà, riêng cán bộ ngân hàng này đã dám trái lệnh cựu Chủ tịch HĐQT BIDV.

Từ ngày 12/10 - 2/11, TAND TP Hà Nội đưa vụ án Trần Bắc Hà ra xét xử sơ thẩm.

Theo nhận định của HĐXX, trong việc cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, ông Trần Bắc Hà chịu trách nhiệm cao nhất. Công ty này được BIDV cấp tín dụng khi chưa đáp ứng các điều kiện cho vay.

Ông Hà đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để đề nghị cấp phép cho dự án; chỉ đạo BIDV Hà Tĩnh, Tổ thẩm định chung và các bộ phận khác của BIDV Hội sở phải đề xuất cho Công ty Bình Hà vay.

Phiên tòa xét xử vụ Trần Bắc Hà

Phiên tòa xét xử vụ Trần Bắc Hà

Ông Trần Bắc Hà dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt các thành viên khác trong Hội đồng thành viên của BIDV phải duyệt, cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà, để BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh phải ký hợp đồng cho Công ty Bình Hà vay vốn.

Thậm chí, nhiều lần ông Hà chỉ đạo nới lỏng các điều kiện cho vay đối với Công ty Bình Hà; ký thông báo cấp tín dụng cho công ty này. Trong quá trình giải ngân, ông Hà nhiều lần gây sức ép buộc BIDV Hà Tĩnh phải tiếp tục giải ngân ngay cả khi Công ty Bình Hà vi phạm các chính sách cho vay.

Do có các sai phạm nêu trên, ông Hà đã bị CQĐT khởi tố. Hành vi của ông Hà vi phạm pháp luật, nhưng quá trình điều tra, ông tử vong vì lý do bệnh lý nên CQĐT đã đình chỉ điều tra đối với ông Hà.

Đối với việc cấp hạn mức tín dụng năm 2011 và phát hành L/C (thư tín dụng) theo món cho Công ty Trung Dũng, HĐXX cho rằng, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV, dùng ảnh hưởng của mình buộc BIDV Chi nhánh Hà Thành phải đề xuất cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Trung Dũng khi công ty không đủ điều kiện.

Buộc cấp dưới ký các thông báo chấp thuận phê duyệt cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ năm 2011 cho Công ty Trung Dũng; gây sức ép để buộc BIDV Chi nhánh Hà Thành phải giải ngân cho Công ty Trung Dũng khi không đáp ứng điều kiện cho vay.

Thời điểm đó, ông Đào Trung Kiên là Phó giám đốc Chi nhánh đã đề xuất dừng giải ngân và bị ông Trần Bắc Hà quyết liệt chỉ đạo bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) luân chuyển công tác, không cho ông Kiên tiếp tục phụ trách mảng quan hệ khách hàng.

Việc làm này của ông Hà nhằm yêu cầu BIDV, Chi nhánh Hà Thành tiếp tục giải ngân cho Công ty Trung Dũng.

Sau đó, BIDV, Chi nhánh Hà Thành liên tục giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay gần hết hạn mức khi không đáp ứng tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ, dẫn đến hậu quả mất vốn.

Theo HĐXX, ông Trần Bắc Hà còn có bút phê chỉ đạo BIDV, Chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng trước khi Chi nhánh và các Ban của Hội sở báo cáo, đề xuất là ngược với quy trình cấp tín dụng.

Từ các phân tích trên, HĐXX xác định, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV.

Phong tỏa tài sản của ông Trần Bắc Hà

Dù ông Hà đã chết, không bị xem xét trách nhiệm hình sự nữa, nhưng theo HĐXX, trong vụ án này ông Hà bị xác định là người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho BIDV.

Vì vậy, các tài sản đã kê biên, phong tỏa ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Bình Hà với BIDV.

Nếu sau khi thanh toán xong cho Công ty Bình Hà còn tài sản thì được trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Trung Dũng với BIDV.

Các nghĩa vụ về tài sản của ông Hà được thực hiện theo quy định cùa Điều 615 Bộ luật dân sự.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/nguoi-dam-trai-lenh-ong-tran-bac-ha-685664.html