Người đàn bà chấp nhận tán gia bại sản thậm chí chịu rút tủy sống để cứu vợ cũ của chồng

Câu chuyện cảm động dưới đây là một lời ca đẹp xen lẫn trong những bon chen của cuộc sống còn nhiều xô bồ trọng vật chất.

Khoảng 10h sáng 16/3/2008, tại Bệnh viện nhân dân TP Chuẩn Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc một ca phẫu thuật đặc biệt được diễn ra.

Đằng sau ca phẫu thuật này là câu chuyện cảm động về một người phụ nữ, vì cứu vợ cũ của chồng cô đã hiến tủy sống của mình. Câu chuyện cảm động dưới đây là một lời ca đẹp xen lẫn trong những bon chen của cuộc sống còn nhiều xô bồ trọng vật chất.

Câu chuyện cảm động giữa thời hiện đại. (Hình minh họa)

Khổ tận cam lai

Vương Lâm (SN 1966, ngụ thành phố Chuẩn Nam, tỉnh An Huy) sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là công nhân, kinh tế eo hẹp. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Lâm không tiếp tục con đường đèn sách mà xin vào làm trong xưởng cơ khí học nghề sửa chữa máy móc, rồi sau đó chuyển sang làm công nhân khai thác, bốc vác trong một mỏ than.

Lâm lại là con cả, dưới anh còn 3 người em 2 gái một trai nên gánh nặng cơm áo, nuôi các em ăn học dường như dồn hết lên vai anh.

Vì vậy, dù đã hơn 30 tuổi nhưng Lâm vẫn chưa thể yên bề gia thất, cha mẹ lo lắng thúc giục con trai sớm kiếm lấy một mối để lập gia đình, mỗi lần như vậy anh chỉ cười. Một ngày tháng 4/1989, người mẹ ra thị trấn cắt quần áo thì gặp cô nhân viên học việc tên Dương Xương Nga.

Cô gái này nhanh chóng gây được sự chú ý của bà vì thái độ lễ phép, cử chỉ nhanh nhẹn, nhiệt tình. Hỏi ra thì được biết gia cảnh Nga cũng rất khó khăn, dưới cô còn một em gái bị thiểu năng không thể tự chăm sóc bản thân.

Năm 12 tuổi cha cô mất vì bạo bệnh, phải chăm lo mẹ già và em gái nên dù đã 34 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Từ đó bà thường xuyên tiếp xúc với Nga rồi giới thiệu cho con trai, tuy trong lòng không cảm thấy hài lòng nhưng vì lòng hiếu thảo nên Lâm đành phải nghe theo ý mẹ, lấy Nga làm vợ.

Tháng 5/1990, hôn lễ của họ được tổ chức một cách đơn giản trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Thế nhưng, sau khi cưới xong Lâm dường như không tìm thấy chút tình yêu nào đối với vợ, cuộc sống hết sức ngột ngạt dù cả hai không có mâu thuẫn lớn gì trong cuộc sống.

Tháng 7/1995, sau 5 năm làm vợ chồng, Lâm quyết định xin nghỉ công việc ở mỏ than, dự định đi xuống các thành phố phía nam để tìm việc, đồng thời đề nghị ly hôn với vợ. Về phía Nga, trong cuộc sống hôn nhân, suốt năm năm nay cô luôn chăm sóc và hết lòng với chồng nhưng trong lòng cũng tiên đoán cuộc hôn nhân này không thể kéo dài.

Bởi thực tế hai người là vợ chồng nhưng lại giống như hai chị em, vì vậy Nga bình tĩnh và chấp nhận ly hôn với Lâm một cách nhẹ nhàng. Thời gian này họ cũng đã kịp có với nhau một cậu con trai đặt tên là Vương Tiểu Minh.

Ly hôn xong, khoảng một tháng sau, Lâm đi tàu xuống thành phố Hạ Môn để tìm việc, tại đây anh đã phải kinh qua các công việc nặng nhọc nhất từ nhân viên bốc vác ở bến tàu, đến làm thuê trong nhà máy, trông coi cửa hàng.

Do tính cách thật thà chăm chỉ nên cuối cùng Lâm may mắn được một ông chủ cửa hàng bán vé số nhận vào làm rồi giao cho quản lý một điểm bán. Thời gian này Lâm quen một cô gái tên Trần Lan cũng là người ở Chuẩn Nam, do cả hai cùng chung cảnh tha hương vất vả nên nhanh chóng trở thành tri kỷ, ít lâu sau thì xác định quan hệ yêu đương.

Năm 1997, cả hai chính thức làm lễ thành hôn. Khoảng hơn 2 năm sau, Lâm quyết định đưa vợ về lại thành phố Chuẩn Nam, họ dự định mở một tiệm bán vé số để mưu sinh.

Tuy nhiên công việc không thuận lợi, thu nhập chỉ đủ duy trì cuộc sống nên dự định đó không thành hiện thực. Ít lâu sau, Lâm được người quen cho mượn một sạp hàng ở khu chợ rau nên Lâm chuyển sang buôn bán trong lĩnh vực này.

Sau một thời gian tích cóp, cuối cùng vào tháng 7/2002, anh và vợ đã thực hiện được ước mơ khai trương của hàng bán vé số. Do có kinh nghiệm lại biết chắt bóp chi tiêu nên hai năm tập trung kinh doanh, vợ chồng Lâm đã trở thành hộ kinh doanh vé số lớn nhất thành phố Chuẩn Nam với 4 đại lý lớn và càng làm càng phát triển.

Không quên vợ cũ của chồng

Sau khi về lại quê nhà, Lâm đã đón con trai lên ở cùng mình, ngày 27/11/2004 là sinh nhật của Tiểu Minh nên Trần Lan tỏ ý muốn mời mẹ ruột của Minh đến để cùng chung vui. Tiệc tan, mọi người đều ra về hết, Lâm mới tỏ ý khen vợ suy nghĩ thấu đáo.

Lan nói bình thường con trai không được sống cùng mẹ nên thiếu thốn tình cảm, những ngày đặc biệt như thế này để cậu bé được vui vẻ viên mãn bên người thân cũng là việc nên làm.

Lan cho biết thêm, thực ra lúc này điều mình lo lắng không phải là Tiểu Minh mà là Dương Xương Nga. Bởi Xương Nga mới mất việc làm, mấy năm nay chỉ sống qua ngày nhờ vào công việc tạm thời, ai thuê gì làm lấy.

Nghe vậy Lâm đăm chiêu suy nghĩ. Lan tiếp lời tỏ ý muốn cho Nga quản lý một điểm kinh doanh vé số trong thành phố. Thì ra, người phụ nữ nhân hậu này ngay từ khi mở cửa hàng thứ hai đã có ý này trong đầu.

Tuy nhiên, Lâm lại e ngại và do dự vì nếu làm vậy thì từ nay về sau vợ cũ lại xen vào cuộc sống của hai người, rất có thể xảy ra một số sự hiểu lầm không đáng có, sẽ rất bất tiện.

Lan nghe xong cười bảo mình cũng đã tính đến điều này, nếu để Nga quản lý thì hàng ngày cô sẽ là người đến quyết toán công việc kinh doanh và thu tiền, cửa hàng đó Lâm hoàn toàn không phải để mắt đến. Lâm đồng ý với kế hoạch này của vợ.

Từ đó trở đi Nga đến quản lý điểm bán vé số của vợ chồng Lâm, cuộc sống đã bớt cơ cực hơn nên vô cùng cảm động. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi tai ương lại tiếp tục ập xuống đầu người phụ nữ này.

Đó là ngày 4/12/2007, Lan đến cửa hàng vé số của Nga để quyết toán như mọi hôm, vừa bước vào cửa thì phát hiện vẻ mặt Nga có vẻ mệt mỏi, trắng bệch như không còn giọt máu nào. Cô vội chạy đến cầm tay Nga thì thấy lạnh ngắt, biết sức khỏe của Nga có vấn đề nên Lan nhất quyết đưa Nga đến bệnh viện thăm khám, vừa nói kéo Nga ra ngoài bắt taxi.

Lúc này trong lòng Nga cảm thấy vô cùng cảm kích, tủi thân muốn bật khóc. Bởi kể từ sau khi ly hôn, bao năm nay cô phải chăm sóc mẹ già và người em gái yếu ớt chứ chưa một lần được người khác quan tâm như vậy, cũng không có ai để thổ lộ nỗi vất vả trong lòng. Hôm nay cô thực sự cảm nhận được tấm chân tình của người phụ nữ mà lẽ ra phải coi mình là “tình địch”.

Tới bệnh viện thành phố Chuẩn Nam, Lan liền đóng tiền kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng thể cho vợ cũ của chồng, hai hôm sau cầm kết quả xét nghiệm trên tay mà Lan không tin vào mắt mình, bởi kết quả cho thấy Nga đã mắc căn bệnh máu trắng cấp tính hạch limpha.

Lan vội vã tìm gặp bác sĩ nhờ tư vấn thì được biết, căn bệnh này của Nga cần phải tiến hành thay tủy sống thì mới hoàn toàn chữa khỏi được.

Nhưng chi phí thay tủy và điều trị sau đó cần ít nhất 400 ngàn nhân dân tệ. Để Nga khỏi lo lắng, cô tạm thời không cho biết kết quả xét nghiệm, sau khi sắp xếp cho Nga nhập viện cô liền chạy về nhà gặp chồng.

Lúc này Vương Lâm và một người bạn đang hợp tác để mở một nhà hàng cao cấp với diện tích hơn 400 m2 , chỉ còn các hạng mục trang trí nữa là hoàn thành để đưa vào kinh doanh. Đến nơi cô vừa thở gấp vừa bảo chồng dừng tay rồi thông báo tình hình bệnh tật của Nga cho chồng biết.

Nghe xong Lâm sửng sốt lo lắng nhưng cũng bối rối không biết phải xử lí ra sao, bởi lúc này Nga đã không còn là vợ mình. Như hiểu được ý chồng, Lan nói: “Anh Lâm, căn bệnh của Nga bây giờ chỉ có tiền mới có thể chữa được.

Cô ấy chỉ có một mình lại phải chăm sóc mẹ và em gái, nếu lúc này chúng ta bỏ mặc thì cô ấy chỉ có nước chết, không những vậy mẹ và em gái Nga cũng không biết nương tựa vào đâu”.

Theo ý vợ, Lâm lập tức bảo thợ dừng thi công rồi cùng vợ đem theo 20 ngàn nhân dân tệ vào bệnh viện đóng viện phí để chữa trị cho Nga giai đoạn đầu. Mùa đông năm ấy cha của Lâm cũng bị viêm phổi phải nhập viện nên một mình Lâm phải chăm sóc 2 người, còn Lan tất bật lo công việc kinh doanh đến tối mắt tối mũi.

Sau khi Nga được điều trị bằng hóa chất khoảng hơn một tháng thì bệnh tình có chuyển biến tốt lên. Tính đến lúc này tiền viện phí đã lên đến hơn 80 ngàn nhân dân tệ.

Để có tiền tiếp tục cho Nga trị liệu, Lan bàn với chồng bán đi 3 cửa hàng kinh doanh vé số đang làm ăn phát đạt lấy 140 ngàn nhân dân tệ, sau khi trả nợ 50 ngàn tệ, số tiền còn lại cũng chỉ đủ để duy trì điều trị cho Nga thêm một thời gian.

Để tiết kiệm chi phí, sau mỗi đợt hóa trị, Lan liền đưa Nga về nhà chăm sóc, hàng ngày khi không ở nhà thì cô nhờ mẹ lo liệu cho Nga, khi về nhà cô lại mua những đồ bổ dưỡng nấu canh cho vợ cũ của chồng. Mỗi khi Nga thấy khó chịu trong người thì Lan là người đầu tiên đến động viên.

Thời gian này cũng là mùa đông lạnh nhất ở Chuẩn Nam, thế nhưng dù mang bệnh tật Nga vẫn cảm thấy đây là mùa đông ấm áp nhất của cuộc đời mình. Tâm trạng của Nga cũng ổn định hơn để chiến đấu với bệnh tật.

Tấm lòng nhân hậu cảm động trời xanh

Kết quả hóa trị tương đối khả quan nhưng tiếp đó còn là vấn đề khó khăn hơn khi Nga cần được ghép tủy sống, đây cũng là con đường duy nhất để cứu mạng sống của Nga một cách triệt để. Tuy nhiên, lúc này vẫn chưa có kết quả xét nghiệm tủy nào của người hiến tặng phù hợp để cấy ghép cho Nga.

Em gái của cô cũng đã tới bệnh viện để làm xét nghiệm nhưng kết quả vẫn không phù hợp. Thấy vậy vợ chồng Lan vô cùng lo lắng, cô liền chủ động nói với bác sĩ cho mình thử xem sao? Ngày 21/2/2008, kết quả xét nghiệm được đưa ra khiến các bác sĩ đều phải tròn mắt kinh ngạc.

Có thể câu chuyện đầy nhân văn giữa một người đàn ông và hai người phụ nữ này đã cảm động đến trời xanh nên giữa hàng trăm ngàn người, cuối cùng tủy sống của Lan lại hoàn toàn phù hợp với Nga. Nhiều người khi chứng kiến điều kỳ diệu này đã phải thốt lên và không tin đó là sự thực, họ cho rằng đó chỉ có thể là một phép màu nhiệm.

Khi biết tin này Lan cũng bật khóc nức nở, cuối cùng thì Nga cũng được cứu, cô không nói thêm lời nào lập tức bảo chồng bắt tay vào làm thủ tục bán căn nhà của hai vợ chồng để lấy tiền làm phẫu thuật cho Nga.

Một người bạn của Lâm đồng cảm với câu chuyện của họ cũng như nể phục tấm lòng nhân hậu của Lan nên đã mua lại căn nhà với giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, dù bán nhà nhưng chi phí phẫu thuật vẫn còn thiếu 200 ngàn nhân dân tệ.

Vì vậy vợ chồng Lan phải chuyển nhượng tiếp cửa hàng bán vé số và nhà hàng mới khai trương chưa được bao lâu ở khu bắc thành phố. Thấy vợ chồng Lan phải bán đi căn nhà cùng cái cần câu cơm cuối cùng để trị bệnh cho mình, Nga một mực từ chối đồng thời không phối hợp điều trị như trước đây.

Mấy lần Nga đã tìm cách tự vẫn để bớt đi gánh nặng cho vợ chồng Lan nhưng may mắn có người phát hiện kịp thời. Khi không thể thuyết phục được Nga, Lan đành phải xuống nước hứa sẽ chỉ nhượng lại nhà hàng, số tiền còn lại sẽ vay mượn rồi lấy lợi nhuận kinh doanh vé số để trả dần.

Điều này Lan cũng phải nhờ người mẹ già của Nga tới làm công tác tư tưởng, nói nếu Nga chết đi thì mẹ và em gái biết nương tựa vào đâu? Nghĩ đến hai người thân còn lại khiến Nga vô cùng đau khổ trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Bởi nếu chấp nhận chữa trị thì liên lụy đến vợ chồng Lan, nếu chết đi thì mang trọng tội bất hiếu với mẹ già. Để Nga yên lòng chữa bệnh, Lan hết lời khuyên nhủ nói tiền mất đi còn có thể kiếm lại, chứ người mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được.

Hi vọng Nga nghĩ đến mẹ già em dại mà trị bệnh, sau này cô khỏe lại sẽ còn nhiều cơ hội để kiếm ra tiền. Lúc này, chủ nhiệm trung tâm vé số thành phố Chuẩn Nam tên Trần Đức biết câu chuyện vợ chồng Lan-Lâm trợ giúp người vợ cũ nên vô cùng cảm động, ông liền đăng tải câu chuyện này lên trang thông tin xổ số của tỉnh An Huy.

Ngay lập tức các đại lý vé số của tỉnh đã quyên góp số tiền 20 ngàn tệ chuyển vào tài khoản của bệnh viện. May mắn hơn, một người trúng số cũng quyên góp thêm số tiền 50 ngàn nhân dân tệ cho Nga phẫu thuật. Bệnh viện Chuẩn Nam khi biết tình hình cũng đồng ý giảm chi phí chữa trị cho bệnh nhân đặc biệt này.

Ngày 16/3/2008, Dương Xương Nga chính thức được làm phẫu thuật ghép tủy sống lấy từ cơ thể của Trần Lan tại Bệnh viện Nhân dân thành phố Chuẩn Nam, tỉnh An Huy.

Ca phẫu thuật hết sức thành công, Nga cảm động nói Trần Lan chính là người cho mình cuộc sống lần thứ hai, công ơn này dù có phải nhảy vào dầu sôi lửa bỏng cũng không thể quên. Cô nguyện sẽ sống thật tốt để xứng đáng với những gì vợ chồng Lan và xã hội đã dành cho mình.

Ngay hôm đó phóng viên đã phỏng vấn Trần Lan, khi được hỏi cô nghĩ thế nào mà chấp nhận tán gia bại sản, còn hiến tủy sống của mình cho vợ cũ của chồng?

Trần Lan nói giọng yếu ớt: “Xương Nga là mẹ của con trai Lâm, chồng con là những người thân nhất của tôi nên cô ấy cũng là người thân, cô ấy gặp khó khăn chẳng lẽ tôi lại khoanh tay đứng nhìn? Con người với con người rất cần tình cảm, cần vượt qua sự hẹp hòi của bản thân”.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, nếu mỗi người biết bớt đi sự ích kỷ để hi sinh cho những người xung quanh thì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn biết bao. Và chúng ta sẽ không phải chứng kiến những bi kịch đau lòng trong cuộc sống còn nhiều xô bồ này.

Duy Cường

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nguoi-dan-ba-chap-nhan-tan-gia-bai-san-tham-chi-chiu-rut-tuy-song-de-cuu-vo-cu-cua-chong-d78293.html