'Người đàn bà đẹp' tiếp tục đẹp trên sân khấu Broadway

Giữa mùa hè 2022, tôi có dịp xem vở broadway (nhạc kịch) Pretty Woman: The Musical (Người đàn bà đẹp) ở Segerstrom Hall, Costa Mesa, California. Pretty Woman: The Musical là sự kết hợp đầy ăn ý của hai nhà soạn nhạc Bryan Adams và Jim Vallance, biên đạo múa và đạo diễn Jerry Mitchell (đoạt 2 giải Tony Kinky Boots). Hai diễn viên chính là Samantha Barks (vai Vivian) và Steve Kazee (vai Edward). Vở được công diễn lần đầu vào năm 2018. Sau hơn hai năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, vở tiếp tục có lịch trình lưu diễn dày đặc tại các tiểu bang của Mỹ.

Một cảnh trong vở nhạc kịch Pretty Women.

Một cảnh trong vở nhạc kịch Pretty Women.

Sau khi trải qua khâu kiểm tra an ninh khá kỹ, tôi háo hức tiến vào bên trong sân khấu và khá choáng khi nhìn thấy cỡ… 2.000 khán giả. Trật tự, say mê, hòa hợp. Đó là ba điều mà tôi cảm nhận rõ nhất về những khán giả tuyệt vời của đêm diễn. Thông thường, người ta hay chú trọng vào chất lượng vở diễn. Nhưng tôi thề rằng khán giả là một nửa linh hồn của bất kỳ buổi biểu diễn nào. Một buổi biểu diễn thật ít hoặc thật nhiều khán giả sẽ giúp bạn nhận rõ hơn điều này. Ở Việt Nam thì hơi hiếm nhưng trên thế giới đã xuất hiện nhiều tiểu luận, luận văn, luận án và sách chuyên nghiên cứu về đề tài khán giả.

Vài nét về vở broadway Pretty Woman: The Musical

Đây là một vở dễ xem, dễ chịu, dễ thương. Hầu như ai đến với vở này cũng đã xem bộ phim Pretty Woman nên không có gì bất ngờ về tình tiết hay kết cuộc của vở diễn. Điều mà một tác phẩm chuyển thể hướng đến là phương thức biểu hiện. Trước khi xem, tôi đã tự hỏi người ta sẽ dựng căn penthouse khách sạn – bối cảnh chính nhất – như thế nào, cảnh Edward và Vivian đi xem nhạc kịch ra sao, cảnh Vivian đi lướt qua các cửa hiệu thời trang có thuyết phục không… Và tất cả đều được dàn dựng ổn thỏa, sáng tạo ngoài mong đợi.

Cảnh trí đơn giản, sang trọng, rực rỡ được tôn lên hết cỡ phần lớn nhờ hệ thống đèn đủ màu, đủ mạnh và bắt sáng cực kỳ hợp lý. Những cây cọ và bầu không khí náo nhiệt đậm chất Los Angeles được tái hiện đúng chất một cách kỳ lạ trên vài chục mét vuông sân khấu. “Người đàn bà đẹp” có vài cảnh nóng trên sân khấu nhưng được xử lý nhã nhặn nhờ phối hợp với cây đàn piano và ánh sáng.

Đã gọi là nhạc kịch thì không thể thiếu các lớp ca. Khán giả được nghe đã đời các loại giọng basso, baritone, tenor, contralto, mezzo-soprano, soprano… Tôi tự hỏi vì sao tất cả các diễn viên đều có thể diễn – thoại – ca – múa – nhảy nhuần nhuyễn, điêu luyện và duyên dáng như vậy. Trừ hai diễn viên chính, tất cả các diễn viên phụ đều đóng nhiều vai. Họ thay trang phục nhanh, xả vai và nhập vai liên tục. Vừa đóng vai gái làng chơi thoắt cái đã thành nhân viên cửa hàng thời trang; vừa làm gã homeless (người vô gia cư) xỉn say xong đã biến thành anh quản lý khách sạn ma mãnh mà tinh tế… Ngay cả một vai rất nhỏ như người gác cửa khách sạn cũng hút người xem bằng sự linh hoạt, hài hước và sự xuất hiện đúng lúc của mình.

Các lớp kịch, lớp diễn được chuyển dịch linh hoạt, không một chi tiết hay động tác thừa. Các màn diễn nối nhau theo nhịp một lớp sôi nổi – một lớp lắng đọng, một lớp hài hước – một lớp mơ màng, liên tục thử thách lẫn nuông chiều cảm xúc của khán giả. Hẳn là nhiều hoài niệm đã tình cờ chạy qua tâm trí người xem trong suốt buổi diễn. Tôi đặc biệt thích cách đạo diễn treo bài hát “Pretty Woman” đến tận cuối vở. Giữa vở, một diễn viên ôm đàn guitar ra dạo vài nốt rồi xin hẹn khán giả sẽ trình diễn sau và thay thế ngay một bài hát khác. Khán giả ồ lên tiếc nuối. Nhờ vậy mà phút chót khán phòng náo động với ca khúc đinh này.

Xem Người đàn bà đẹp, tôi rất nhớ sân khấu Idecaf, vì hai lẽ: đây là sân khấu rất chịu khó diễn nhạc kịch (dù giọng ca diễn viên khá nghiệp dư); vở Hợp đồng mãnh thú cũng dựng bối cảnh một căn phòng khách sạn 5 sao, có những chàng bồi trẻ đẹp phối hợp diễn xuất – nhảy múa với vai cô gái do Thành Lộc thủ diễn.

Vì sao Pretty Woman: The Musical ăn khách?

Câu chuyện một doanh nhân phải lòng cô gái bán hoa trong Người đàn bà đẹp có thể rất hiếm giữa đời thường nhưng vì sao mấy chục năm trôi qua vẫn giữ chân khán giả? Bởi lẽ, cho dù có hàng triệu năm trôi qua thì người ta vẫn không ngừng tin vào cổ tích. Cuộc sống đủ hoài nghi nhọc mệt rồi, dành cho mình vài ba tiếng để thư giãn và mơ mộng thì có làm sao? Tôi tin chắc rằng cuộc đời của chúng ta không hoàn toàn là cổ tích nhưng luôn có những khoảnh khắc cổ tích. Phút giây nghê thường đó, chúng ta trọn vẹn là quân vương, ái thiếp, thi nhân, tình nhân… Các biên kịch của Người đàn bà đẹp đã nắm bắt được tâm lý “em đẹp nhất đêm nay” cực kỳ gốc rễ của phái đẹp để làm nên một bộ phim, một vở nhạc kịch băng qua ngọt xớt các định kiến về nữ quyền và nam quyền. Về khoản này thì 50 sắc thái phải học hỏi Người đàn bà đẹp.

– Ước mơ của cô là gì?

– Quên đi, mơ ước mà chi!

– Đây chính là vấn đề của cô đó!

– Giấc mơ có bao giờ thành sự thật đâu!

– Cô bỏ cuộc cả trong ước mơ là sao? Ước mơ là gì? Chỉ là các điểm đến trong bản đồ cuộc đời con người ta thôi. Có điểm mình đến được, có điểm mình lướt qua hoặc chưa có dịp đến. Nhưng ít ra mình cũng hình dung lộ trình là vậy.

Đây là một đoạn thoại giữa anh homeless và cô gái làng chơi trước quán bar Chuối Xanh Da Trời đã nhận được sự tán thưởng lớn của khán giả ngày hôm đó. Cuối vở, cả nhóm kịch đồng thanh: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của bạn!”. Thông điệp không mới nhưng biết đâu đến đúng lúc với ai đó trong khán phòng? Kịch bản hay nhờ thoại là vậy.

Lẽ dĩ nhiên, vở diễn ăn khách còn vì truyền thống yêu thích nhạc kịch của người Mỹ. Thêm vào đó, giữa các vở nhạc kịch mang đậm tính lịch sử hoặc kinh điển, Người đàn bà đẹp như một ngọn gió mơn mởn mát lành giữa mùa hè nước Mỹ.

Ở sảnh ra vào trước sân khấu có một quầy bán đồ lưu niệm bao gồm nón, túi xách, móc khóa, thú bông, dù… Tất cả đều có hình ảnh, tựa đề vở diễn hoặc câu thoại gây ấn tượng (quote) trong vở. Ba kiểu áo thun có họa tiết, chữ khác nhau với ba sắc trắng, đen, đỏ và các size từ S-L được treo sẵn cho khách tham khảo. Một chiếc áo thun mỏng giá 40 đô la là khá đắt nhưng rất nhiều khán giả đã sẵn lòng xếp hàng mua sau đêm diễn, hẳn là vì giá trị do vở diễn mang lại.

Và tôi mơ một đêm broadway đúng nghĩa giữa lòng Sài Gòn!

Diễm Trang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-dan-ba-dep-tiep-tuc-dep-tren-san-khau-broadway/