Người đàn bà lặng lẽ trong một gia đình danh giá

Bà là con gái của cố giáo sư Cao Xuân Huy, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học phương Đông, em gái của giáo sư, dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo và là vợ của nhà văn Văn Tâm. Sống trong một gia đình danh giá, cả cuộc đời bà là tấm gương cho con cháu noi theo.

Dù nay tuổi đã ngoài 80, trí nhớ đã không còn minh mẫn, nhưng đối với bà Cam, những điều học được từ tuổi thơ, từ gia đình và những kỷ niệm của tình yêu thì mãi còn trong ký ức...

Tuổi thơ danh giá

Bà Cao Thị Xuân Cam vẫn được giới văn nghệ sĩ, những người bạn một thời gọi bằng cái tên thân mật thường ngày: “Bà Cam”. Bà Cam lúc nào cũng dịu dàng và hiền lành như thể cả thế giới này chẳng có điều gì khiến bà phải bận tâm hay lo lắng. Dạo này, do ảnh hưởng của căn bệnh alzheimer đã khiến trí nhớ của bà lẫn lộn, nhớ nhớ quên quên, lúc thì nhớ những chuyện ngày xửa ngày xưa rõ mồn một, lúc thì lại lẫn lộn trong câu chuyện ngày nay...

Vì trí nhớ không rõ ràng, nên các con đã thuê 2 người giúp việc phục vụ bà, một người chuyên phục vụ cơm nước, một người trò chuyện, dẫn bà đi chơi phố xá, như thói quen hằng bao nhiêu năm nay.

Cũng đã nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, khi nhắc đến số nhà 13 Phan Bội Châu đều biết đó là căn nhà quen thuộc của nhiều văn nhân, bạn hữu từng lui tới đàm đạo văn chương với thân phụ của bà: cố giáo sư Cao Xuân Huy, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học phương Đông, từng được gọi là “nhà đạo học” khi ông mới 30 tuổi. Người đã để lại một số giáo trình đại học có giá trị về “Kinh dịch”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, “Bách gia chư tử”.

Và bên cạnh đó là anh trai bà, giáo sư, dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo. Sau này, khi kết hôn với nhà văn Văn Tâm, một người bạn của giáo sư Cao Xuân Hạo, những bạn bè thân thường gọi thêm bà bằng một cái tên đầy trìu mến mà bà luôn hãnh diện mỉm cười đáp lễ: “Chị Tâm”.

Khơi lại chuyện cũ từ thuở xưa, theo dòng hồi tưởng, bà kể lại câu chuyện về cuộc đời cũng như những năm tháng làm vợ nhà văn Văn Tâm với một vẻ mặt tràn đầy hạnh phúc. Năm 1954, do hoàn cảnh của đất nước, mẹ bà vào Nam, chỉ còn bà và cha mình, giáo sư Cao Xuân Huy, từ xứ Nghệ trở ra Bắc. Mọi thứ đều bỡ ngỡ với một cô gái 18 tuổi từ xứ Nghệ bước ra chốn Hà thành.

Cũng bởi thế, bà chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống thường ngày, ở cái cách mà một cô gái cần gần mẹ và được sự chỉ dạy của người mẹ. Là con gái ở tuổi mới lớn, nhưng so với bạn bè đồng trang lứa, bà là người không biết cách làm dáng. Bù lại, bà thông minh và học giỏi. Là con của một học giả, nên bà Cao Thị Xuân Cam chỉ biết học, đọc, trọng chữ nghĩa như cha bà vẫn khuyên bảo. Bà đã lớn lên và trưởng thành như một bông hoa đồng nội giữa chốn đô thành phồn hoa.

Bà Cao Thị Xuân Cam (trái); bà Cam bế cháu ngoại.

Có ai đó đã nói rằng, đường đi của số phận không bao giờ tính được, thì sự gặp gỡ giữa bà nhà văn Văn Tâm, một người học trò mà cha bà yêu quý, một người bạn thân mà anh trai của bà luôn trân trọng, chính là một sự an bài của số phận. Một hôm, thân phụ bà gọi vào và bảo: “Có anh bạn anh Hạo muốn tìm hiểu con, con định thế nào?”. Bà bẽn lẽn: “Con có biết mặt mũi anh ấy ra sao mà trả lời cha”.

Vài hôm sau, khi đi học về, bà Cam thấy một anh đi từ nhà trọ bên cạnh vào nhà chơi. Anh chào bà và tiến đến hỏi đầy ngập ngừng: “Cho anh tìm hiểu em nhé!”. Bà bảo, hồi đó bà dại khờ và ngây thơ lắm nên cũng ngượng ngùng và bẽn lẽn không biết trả lời ra sao. Mặt khác, hồi còn đi học phổ thông ở Nghệ An, bà trót phải lòng một người bạn cùng lớp. Đó là một người con trai Hà Nội vào tản cư ở Nghệ An, học giỏi, giọng nói nhẹ nhàng.

Mối tình học trò đơn phương ấy đã đeo đẳng trong lòng bà Cam một thời gian, dù chưa bao giờ bà dám thể hiện cho người con trai ấy biết. Nhưng thời trẻ con, cái gì cũng đẹp và đáng nâng niu. Bởi thế, bà thật thà nói với nhà văn Văn Tâm: “Em đang thích một anh khác rồi!”.

Tưởng là ông sẽ bỏ đi luôn nhưng ông Văn Tâm nhẹ nhàng nói: “Vậy thì lúc nào em quên được anh ấy thì chúng ta sẽ tìm hiểu nhau”. Từ đó, ông đã đi bên cạnh cuộc đời bà, mọi lúc mọi nơi. Bà đi giặt quần áo, ông cũng lẽo đẽo đi cùng. Bà tan trường, ông đã đứng đợi sẵn. Lâu dần thành quen, nhà văn Văn Tâm đã không chỉ là một người bạn, mà là một người anh, một người thầy của bà.

Không ai khác, chính ông đã dạy cho bà từng đường đi, nước bước, từ cách chải đầu, từ dáng đi sao cho đoan trang, chín chắn, từ cách nói năng sao cho tròn vẹn trước sau... Cái gì chưa biết, bà hỏi và ông chỉ bảo tận tình như với một cô em gái. Có lúc bà cũng xấu hổ vì mình... ngố quá. Nhưng bà luôn đặt niềm tin trọn vẹn vào ông nên mọi thứ đều trở nên tự nhiên và quen thuộc. Chính những điều cỏn con từ đời sống thường ngày ấy, tình cảm tự nhiên đã nảy sinh trong lòng bà, ngoài tình yêu thương, một tình cảm lớn hơn như là sự kính trọng và biết ơn bà đã dành trọn cho ông.

Thậm chí, có đôi lúc bà nghĩ, sau ngần ấy thời gian quen biết ông, nếu chẳng may vì một điều gì đó ông bà không đến được với nhau, có lẽ bà cũng chỉ tình nguyện ở vậy mà tôn thờ ông cho đến hết cuộc đời này chứ nhất định không đến với người đàn ông khác...

Người phụ nữ của gia đình

Từ một cô gái được nuông chiều và chỉ biết đến sách vở, bà Cam đã trở thành một người phụ nữ dịu dàng, đảm đang và tháo vát. Đám cưới của nhà văn Văn Tâm và bà Cam đã diễn ra, giản dị và ấm cúng trong một căn hộ tập thể nhỏ xíu nhờ được nhà của thầy giáo. Bà vẫn nhớ, quà cưới của bạn bè hồi ấy là mấy cuốn vở trắng và một chiếc nón lá.

Nhưng quý nhất là người tuyên bố lễ kết giao vợ chồng cho bà chính là giáo sư Trương Tửu. Cưới xong thì ai về nhà nấy vì lúc đó nhà văn Văn Tâm đi làm gia sư cho một gia đình tư sản ở Hà Nội và ăn ngủ luôn tại gia đình họ. Bà về ở với cha mình, giáo sư Cao Xuân Huy.

Năm đó, bà đang học năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội. 4 năm kết thúc đại học cũng là lúc 3 người con, 2 gái 1 trai lần lượt chào đời. Vừa đi học, vừa sinh con. Có lúc bà ái ngại với các thầy, các bạn. Nhưng chính vì điều đó, bà càng phấn đấu học giỏi. Tốt nghiệp ra trường, bà đã được về công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước, được phân công vào ban dịch thuật, làm từ điển tiếng Nga. Thời gian sau bà chuyển sang Nhà xuất bản Khoa học và làm ở đó cho đến lúc nghỉ hưu.

Hồi tưởng về dòng thời gian cũ, gương mặt của bà Cam ánh lên nét rạng ngời. Gương mặt bà phúc hậu và hiền từ. Bà lấy trong tủ sách ra những tấm ảnh sinh thời của nhà văn Văn Tâm và bạn hữu, rồi những bức hình ông bà chụp cùng con cháu, ảnh chụp ở đâu, lúc nào, nhân sự kiện nào bà đều nhớ. Từng bức ảnh như một thước phim quay chậm về một ký ức đẹp chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí.

Bà bảo, ở đời, bà mang ơn hai người đàn bà, đó là mẹ chồng và nàng dâu. Hai người đàn bà mình không được chăm sóc cận kề, không đẻ, không nuôi, vậy mà họ đến với cuộc đời mình và cho mình bao nhiêu thứ. Bà mang ơn mẹ chồng đã sinh ra ở cuộc đời một người con, mà đối với bà là cả một thế giới rộng lớn của tri thức, quá đủ để bà có thể nương tựa và yêu thương.

Bà Cam (thứ 2 từ phải sang, hàng đứng) cùng gia đình.

Từ khi biết ông, bà biết được thế nào là hạnh phúc. Cũng vì thế, bà sống và làm mọi điều vì chồng, vì con. Bà chăm bẵm gia đình để ông chuyên tâm với công việc nghiên cứu. Nhiều người bạn của nhà văn Văn Tâm đều chia sẻ sự trân trọng đối với bà Cam và những tình cảm bà dành cho chồng cũng như với bạn bè của chồng.

Đối với ông, bà vừa là thư ký, vừa là hộ lý, bác sĩ, đạo hữu... và trên hết là một người vợ rất mực thủy chung, hiền dịu, đảm đang, người bạn đời nâng đỡ cho ông từng giấc ngủ, bước đi. Chính bà là người làm dịu bớt trong ông những bi kịch mà cuộc đời và số phận đã liên tiếp giáng xuống người trí thức tài hoa.

Họa sĩ Cao Tuấn, con trai của nhà văn Văn Tâm và bà Xuân Cam chia sẻ: Trong cuộc sống đời thường, nhà văn Văn Tâm coi trọng đạo hiếu và lễ nghĩa bao nhiêu thì trong nghiên cứu khoa học, ông lại càng nghiêm túc và khắt khe bấy nhiêu. Gia đình bà có một “luật bất thành văn” là khi ông đang đọc sách, đang viết, thì không bất cứ ai được hỏi han điều gì bởi có thể làm ông mất mạch văn hoặc cảm xúc.

Có lần, đã quá 12 giờ trưa, cơm đã dọn sẵn và các con đang đói lắm rồi, chỉ chờ ông rời bàn sách vào ăn cơm. Biết chỉ có cậu út Cao Tuấn có thể “làm phiền” ông nên các chị đã “xui” em ra mời bố vào xơi cơm. Khi Cao Tuấn ra, ông không ngước lên, tay vẫn viết và chỉ nói hai chữ ngắn gọn, đầy tính giản lược “Trước đi!”. Ý là ăn trước đi, và tiếp tục viết...

Hồng nhan tri kỷ

Bởi do nhà văn Văn Tâm quá lao lực trong nghiên cứu văn học nên năm 1996, ông bị tai biến mạnh máu não. Năm đầu tiên ông nằm bất động, không thể trở mình được. Cả gia đình ông bà và các con cùng nhau chiến đấu lại căn bệnh hiểm ác, bà lại bắt đầu bón cho ông từng thìa cháo, dắt ông thập thững từng bước đi. Sáng sáng, chiều chiều, cùng chiếc ba-tong, bà dìu ông nhích từng bước trong nhà, xuống cầu thang và nhích từng bước đi dọc con phố Phan Bội Châu.

Bình thường, khi khỏe mạnh, ông đi dạy về là đóng kín phòng văn chẳng mấy khi ra ngoài, cũng ít giao lưu cùng xóm phố nên khi thấy bà dìu ông đi ở vỉa hè, ai nấy đều chào ông bằng tên của bà: “Chào anh Cam”. Lúc đầu ông nghe không quen vì thấy hơi “ngược đời” nhưng sau ông cũng thấy thân thiết, như cách bạn bè ông gọi bà là “chị Tâm” vậy. Cả năm trời ròng rã, với sự giúp sức của bà và nỗi lực phi thường của bản thân, ông đã có thể ngồi làm việc, đọc sách, rồi dạy hai cháu học thi đại học.

Một thời gian sau, ông bắt đầu viết trở lại. Vì tay ông không viết được nên bà thành người thư ký riêng cần mẫn ghi chép cẩn thận, tỉ mẩn cho ông từng trang bản thảo. Bà chép xong, ông biên tập lại và khi đủ trang, ông gửi đến nhà xuất bản in sách. Khi cuốn sách ra đời, như thường lệ, ông chẳng nói năng gì, nhưng lần này, ông cầm tay và bất ngờ hôn lên trán bà một cách đầy âu yếm và hàm ơn. Đó là một nụ hôn mà bà không bao giờ quên được vì nó gắn với dấu ấn về cuốn sách cuối cùng trong cuộc đời mà ông nhìn thấy được, cuốn “Vườn khuya một mình”.

Sau này, năm 2004, ông bị tai biến trở lại khi đang chuẩn bị bản thảo “Tuyển tập Văn Tâm”. Nhưng lần này ông không qua khỏi. Ông đi về cõi thiên thu cùng những người bạn văn mà ông yêu quý. Bà Cam, lại lụi cụi bên bàn làm việc của chồng, với tất cả những gì hiểu được về ông, về tác phẩm của ông, bà thay ông làm tiếp những phần dang dở, cuốn sách ra đời và được bạn đọc đón nhận. Bà bảo, chắc nơi chín suối, ông cũng hài lòng vì thành quả mà bà đã dành trọn thời gian, tâm sức và tình yêu để hoàn thành...

Bà Cam là con nhà đạo học, Nho gia và là một người phụ nữ tiết hạnh, dịu dàng. Là một người con gái dấn bước tới cổng trường đại học nhưng đã chấp nhận lui về phía sau cánh cửa để phục vụ chồng con. Bà lấy sự thành công của chồng làm sự hãnh diện. Sau công việc trong gia đình, bà dành trọn thời gian để chăm lo cho chữ nghĩa của ông. Mỗi lần ông xuất bản một cuốn sách mới, bà là người đọc chăm chú và kỹ càng nhất.

Đối với bà, mọi điều về ông đều đáng nhớ và bà có thể quên nhiều thứ song những kỷ niệm với ông thì lúc nào cũng hiện hữu. Mỗi lần nhắc về ông, đôi mắt bà lại ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả xen lẫn những giọt nước mắt nhớ thương ông.

Con phố Phan Bội Châu tấp nập ngày ngày, những căn nhà có tuổi đời hàng trăm năm cổ kính và nhiều kỷ niệm. Trong đó có căn nhà phủ từ trên cao là giàn hoa giấy ôm trọn những kỷ niệm của gia đình ông bà. Các con của bà đều đã lớn khôn, thành đạt và dành cho bà một tình yêu kính vô bờ.

Trong ký ức quên nhớ của bà, dù có nhiều thứ đã lẫn lộn, nhưng có một điều luôn thường trực là cách xưng hô với chồng “anh Văn Tâm” đầy yêu thương, trìu mến...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguoi-dan-ba-lang-le-trong-mot-gia-dinh-danh-gia-504947/