Người dân Bắc miền Trung chạy đua ứng phó bão số 2

Từ sáng nay (16.7), người dân các tỉnh Bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bắt đầu chạy đua ứng phó bão số 2 có nguy cơ đổ bộ.

Người dân đưa tàu thuyền tránh trú bão số 2 ở Cửa Sót, Lộc Hà, Hà Tĩnh - Ảnh: Quang Cường

Các địa phương ven biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã khẩn cấp sơ tán dân trên các phương tiện lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn. Đồng thời, việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các bến cảng, khu du lịch cũng được chính quyền chỉ đạo thực hiện ráo riết.

Tại Thanh Hóa, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh có Công điện số 7, gửi các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn. Tính đến sáng 16.7, toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh, trong đó có 5.690 phương tiện đang hoạt động trên biển đã cơ bản vào vùng trú ẩn an toàn.

Sáng này, tại cuộc họp triển khai phương án phòng chống bão, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo, địa phương nào để thiệt hại về người do thiếu chủ động trong ứng phó với cơn bão, chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Với việc “cấm biển” từ chiều nay, 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản đã được kêu gọi và hướng dẫn vào trú ẩn.

Các địa phương tích cực kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão

Tối 15.7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 2.

Công điện chỉ đạo Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện ven biển bằng mọi biện pháp kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú trước 17 giờ ngày 16.7.2017; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu, thuyền đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16.7.2017. Tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các bến cảng, khu du lịch.

Các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam, Bắc Hà Tĩnh chủ động tiêu thoát nước đệm, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu để hạn chế thiệt hại do mưa lũ; tổ chức kiểm tra và triển khai phương án đảm an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang.

Sở GTVT phối hợp Công an tỉnh và các địa phương tổ chức kiểm tra, cử người canh gác hướng dẫn giao thông tại các bến đò, các ngầm qua sông suối để tránh thiệt hại về người do bất cẩn. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh.

Tại cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) có 213 tàu, cảng Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) có hơn 60 tàu, Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có hơn 90 tàu thuyền vào trú ẩn.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin với báo chí, thực hiện nghiêm các Công điện số 18, ngày 14.7, số 19 ngày 15.7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã rà soát kế hoạch sơ tán dân, di dời dân; thành lập các đoàn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các khu vực, trong đó đặc biệt đối với các trọng điểm đê điều, hồ chứa xung yếu và các khu vực dân cư ven sông, ven biển, thấp trũng...

Quang Cường

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/nguoi-dan-bac-mien-trung-chay-dua-ung-pho-bao-so-2-67243.html