Người dân bức xúc vì dự án du lịch chặn lối ra biển

Trước việc người dân tại làng Nam Ô, P. Hòa Hiệp Nam tập trung phản đối việc Cty Trung Thủy chặn các lối xuống biển để 'khoanh vùng' dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort & Spa, chính quyền và ngành chức năng Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã phải đến hiện trường để vãn hồi đồng thời tìm phương án hài hòa quyền lợi giữa hai bên.

Người dân bức xúc vì lối ra biển phía Bắc Lăng Ông và đường vào sân bóng của thôn bị bít lại. Ảnh: C.K

Sống ngay mép biển nhưng không thấy biển

Vụ việc bắt đầu từ ngày 20-3, khi nhiều người dân làng Nam Ô bức xúc, tập trung phản đối vì Cty Trung Thủy tiến hành dựng rào chắn để xây dựng khu du lịch. Tuy đã được vãn hồi nhưng ngay trong buổi sáng 21-3, đại diện chính quyền và đoàn thể của P. Hòa Hiệp Nam và Q. Liên Chiểu đã phải tiếp tục đến hiện trường để vận động người dân không làm phức tạp tình hình trong thời gian chính quyền yêu cầu nhà đầu tư phải mở lại lối xuống biển để có không gian công cộng phục vụ đời sống của cư dân địa phương. Ông Nguyễn Đức Minh, người dân tổ 46, P. Hòa Hiệp Nam cho biết, hàng trăm hộ dân bao đời gắn bó với không gian sống tại đây đã phải di dời đi nơi khác để dự án triển khai, như thế đã là thiệt thòi rồi, giờ những người ở lại cũng bị chặn hết các lối đi xuống biển, đời sống tinh thần ngột ngạt mà sinh kế cũng bị ảnh hưởng. "Giờ dự án triển khai, hàng rào tôn người ta vây sát nhà dân, đất nền chất cao thành từng đống, đường đi không có vỉa hè, lối xuống biển thì bít lại. Làm sao để không gian thông thoáng, chứ cày đất lên bít hết nhà dân như thế này là không được với chúng tôi đâu", ông Minh bức xúc. Người dân địa phương cho rằng, dự án được chính quyền phê duyệt thì nhà đầu tư triển khai, nhưng chủ đầu tư không có quyền bịt lối ra biển của người dân và cũng không được quyền sở hữu mặt biển. Người dân bao đời sống gắn bó với nghề biển mà giờ ngay cả lối đi cũng không có thì sinh kế chắc chắn không được đảm bảo.

Có mặt tại hiện trường để vận động người dân bình tĩnh nhưng ông Trương Văn Đô- Bí thư Chi bộ khu vực Nam Ô cũng không bằng lòng với việc làm của doanh nghiệp. Theo ông Đô, khu vực này có 11 tổ dân phố với khoảng 1.000 hộ dân, trong đó có tới 60% làm biển hoặc sống bằng các nghề liên quan tới biển như khai thác hàu, ốc, cua, ghẹ, mứt... Trước đây, dự án đòi bít hết các lối đi nhưng người dân phản ứng nên họ mở một số lối đi xuống khu neo đậu tàu thuyền. Bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm là bỗng nhiên doanh nghiệp bít luôn lối đi huyết mạch từ bao đời của bà con ngay phía cuối ghềnh Nam Ô. "Nếu bịt lối này thì không còn thấy biển ở đâu nữa, muốn ra biển phải đi vòng. Dân bức xúc hơn là họ có ý định di dời quần thể các công trình tâm linh gồm Lăng Ông hàng năm người dân làm lễ cầu ngư, một dinh cô hồn và miếu Bà Liễu Hạnh. Trước đây thành phố đã có chủ trương giữ lại thành quần thể tâm linh. Không hiểu sao họ lại có ý định di dời đi. Chủ đầu tư họp dân để lấy ý kiến nhưng người dân không đồng ý", ông Đô cho biết.

Phía sau Lăng Ông, đất đã được đổ cao hơn nền nhà của người dân, được ngăn cách bằng hàng rào tôn. Ảnh: C.K

Lối đi ra biển cạnh Lăng Ông hiện đã được lập hàng rào và có bảo vệ thường trực. Ảnh: C.K

Phải đảm bảo quyền lợi của người dân

Trao đổi với chúng tôi, Nguyễn Hữu Thiết- Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu phủ nhận việc doanh nghiệp làm hàng rào chặn lối ra biển của dân mà họ chỉ làm hàng rào trong vùng dự án. Mặt khác, vì sắp tới 26-3, học sinh một số trường tập kết dụng cụ tới đây để cắm trại, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, ANTT trong khi khu vực này chưa có chủ trương làm du lịch nên chính quyền không khuyến khích tập trung ở khu vực này. "Vùng này hoang sơ, sạch nhưng nằm trong vùng dự án thì mình không khuyến khích người dân tới đây". Theo ông Thiết, hiện tại trên chiều dài khoảng 400m mà có gần chục lối đi cho người dân thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng khi được hỏi, khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác thì khoảng 1km bờ biển còn lại bao nhiêu lối đi xuống biển cho hàng nghìn hộ dân tại đây thì ông Thiết cho biết là "chỉ còn một lối đi giữa trung tâm thôi, còn nếu người dân muốn ra biển thì vẫn có thể đi vòng qua các đường gom theo các hướng khác". Về ý định di dời các công trình tâm linh như Lăng Ông và miếu Bà Liễu Hạnh để làm dự án của tập đoàn Trung Thủy, ông Thiết cho biết đang tiến hành lấy ý kiến người dân."Quan điểm của quận là tranh thủ sự đồng thuận của người dân, nếu họ không đồng ý thì không di dời, vẫn giữ nguyên", ông Thiết cho biết.

Trong buổi sáng 21-3, chủ trì cuộc họp để tìm phương án giải quyết vụ việc, ông Võ Công Chánh- Bí thư Quận ủy Liên Chiểu chỉ đạo UBND Q. Liên Chiểu phải giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân và nhà đầu tư. Theo ông Chánh, dự án triển khai nhất định phải có lối đi ra biển để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như không được ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Những khu vực nào còn nguy hiểm thì phải tổ chức lại, cắm biển cảnh báo và khuyến cáo người dân, du khách giữ gìn môi trường chung, nhưng nhất định không được làm hàng rào cấm người dân đi lại. "Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện triển khai dự án thuận lợi nhưng không vì cái gì đó mà ngăn cấm người dân. Nếu có hành vi không đúng thì phải chấn chỉnh. Người dân có quyền tiếp cận biển, doanh nghiệp không thể chặn lối đi như vậy được", ông Chánh yêu cầu.

Được biết, dự án Lancaster Nam Ô Resort & Spa do Cty Trung Thủy Đà Nẵng làm chủ đầu tư có diện tích 36,5 ha bao gồm 57 căn biệt thự biển cao cấp, khách sạn 5 sao, spa, khu hội nghị quốc tế, khu vui chơi giải trí. Từ tháng 6-2017, chủ đầu tư đã lập hàng rào bao quanh dự án nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành và đang làm thủ tục xin giấy phép xây dựng.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_180642_nguo-i-dan-bu-c-xu-c-vi-du-a-n-du-li-ch-cha-n-lo-i-ra-bie-n.aspx