Người dân Cà Mau thấp thỏm sống trong đê phòng hộ xuống cấp trầm trọng

Đê phòng hộ biển Tây Cà Mau có đoạn đã bị xuống cấp trầm trọng. Triều cường dâng cao không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất cho những hộ sống trong đê.

Đê đất đen 25 năm không nâng cấp

Gia đình ông Huỳnh Thanh Thủy (ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đã sống tại địa phương nhiều năm nay. Ông Thủy và hàng chục hộ dân chung quanh là những người chứng kiến rõ nhất sự biến đổi của khí hậu, triều cường lên ngày càng cao hơn và bất thường hơn. Cơn triều cường xảy ra vào tháng 2 vừa qua, ngay trong cao điểm mùa khô đã cuốn đi 10.000 con tôm giống ông Thủy thả trong vuông và cả 2 ao nuôi cá chẽm, cá mú. Đây là điều không bao giờ xảy ra vào nhiều năm trước, nhưng hiện nay triều cường bất thường như vậy có thể đến bất cứ khi nào. Cũng vì vậy mà những vụ nuôi thủy sản của gia đình ông Huỳnh Thanh Thủy ngày càng thất bát.

Căn nhà ông Huỳnh Thanh Thủy bên trong đê phòng hộ nhưng thường xuyên bị triều cường làm ngập.

Căn nhà ông Huỳnh Thanh Thủy bên trong đê phòng hộ nhưng thường xuyên bị triều cường làm ngập.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã nêu không chỉ do triều cường ngày càng cao mà còn đến từ con đê phòng hộ che chắn bên ngoài đã xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn đê đất đen 23 km kéo dài từ Kênh 5 (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) đến cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) 25 năm qua chưa một lần được nâng cấp. Trong khi triều cường có biên độ từ 2,2m trở lên thì con đê hiện hữu đoạn nào cao mới được khoảng 1,6m. Cũng chính vì vậy, không chỉ hoạt động sản xuất mà đời sống sinh hoạt người dân cũng rất khó khăn.

Đê biển Tây Cà Mau nhiều đoạn đã được nâng cấp.

Nuôi con vịt cũng khó

Ông Kim Sơn (ở thị trấn Cái Đôi Vàm) khi nhớ lại cơn triều cường kỷ lục vào tháng 8/2019 làm đồ đạc trong nhà trôi cả ra biển mà như chưa hết bàng hoàng. Ông nhớ, vào buổi chiều mưa rỉ rắc nhưng kèm theo gió rất lớn, bỗng chốc triều cường lên tràn ào ào qua con đê thấp lè tè. Ông Sơn thấy bất thường chạy vội vào nhà định đưa chiếc tủ lạnh lên giường nhưng mới đi được vài bước chân nước đã lên tới đầu gối và sau đó ngập ngang người. Đàn gà vịt gia đình nuôi cũng tứ tán. Hiện đã có kinh nghiệm, ông Kim Sơn cứ nhắm triều cường cao là vơ vội mấy con gà, vịt vây trong lưới sau nhà bỏ vào bao treo lên.

"Thất thoát nhiều, nuôi gà vịt hay con này con kia trôi hết. Tôi phải bắt bỏ vào bao treo lên, mấy tiếng sau thủy triều xuống thì lại thả ra"- ông Sơn nói.

Duy đoạn Kênh 5, xã Rạch Chèo đến Cửa biển Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc còn chưa có kế hoạch đầu tư.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nhờ nguồn vốn từ Chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, phần lớn tuyến đê biển Tây Cà Mau đã được đầu tư nâng cấp. Những đoạn được nâng cấp không chỉ bảo vệ người dân khỏi triều cường, yên tâm phát triển sản xuất mà còn tạo ra sự thông thương, là động lực phát triển kinh tế cho vùng đất ven biển. Duy có đoạn đê 23 km từ Kênh 5 đến cửa biển Sông Đốc thì chưa có kế hoạch đầu tư. Đời sống bà con rất khó khăn, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cần nâng cấp. Ngành nông nghiệp đã ghi nhận và cũng đã có kiến nghị đến Trung ương xem xét đưa vào đầu tư trong giai đoạn trung hạn.

"Mong rằng trong giai đoạn tới 2021- 2025, Trung ương sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tuyến đê biển Tây còn 23 km. Để nối tuyến thông suốt từ Kiên Giang đến Kênh 5 Rạch Chèo. Như vậy mới bảo vệ được người dân khỏi triều cường, cũng như bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống người dân"- ông Tô Quốc Nam cho biết.

Toàn tuyến đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108km. Đa số đã được nâng cấp và phát huy rất tốt hiệu quả, là “lá chắn” bảo vệ người dân sống trong đê. Duy có đoạn đê đất đen từ Kênh 5 đến cửa biển Sông Đốc sau 25 năm chưa một lần được nâng cấp gây nhiều khó khăn cho người dân. Trên đoạn này có 2 thị trấn miền biển sầm uất bậc nhất của tỉnh Cà Mau là Sông Đốc và Cái Đôi Vàm nên hàng nghìn hộ dân sống bên trong đang phải thấp thỏm lo sợ, đặc biệt, mỗi khi mùa mưa bão đến nỗi lo đó càng lớn hơn./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ca-mau-thap-thom-song-trong-de-phong-ho-xuong-cap-tram-trong-post941729.vov