Người dân Campuchia bắt đầu kỳ nghỉ lễ Pchum Ben truyền thống

Là ngày lễ truyền thống được người Campuchia duy trì từ bao đời qua, Phchum Ben diễn ra trong 15 ngày, từ ngày đầu tiên trở đi gọi là ngày Kan Ben, đến ngày cuối gọi là Pchum Ben, tức ngày giỗ hội.

Người dân Campuchia thực hiện nghi thức cúng dường chư tăng tại tại Chùa Svay Romeat tỉnh Siem Reap. (Ảnh: AKP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong ngày 13/10, - ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Pchum Ben truyền thống (kéo dài đến ngày 15/10) của người dân Xứ chùa Tháp, phố phường Phnom Penh vắng hơn thường lệ khi một bộ phận cư dân thủ đô đã về quê đón lễ từ những ngày trước.

Để tạo điều kiện cho người dân về quê nghỉ lễ, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã bố trí 455 xe khách làm phương tiện vận chuyển miễn phí đưa đón công nhân, người lao động và người dân về các địa phương và ngược lại, di chuyển liên tục trong 5 ngày, từ ngày 12-16/10.

Theo yêu cầu của cơ quan chức năng Campuchia, trong những ngày nghỉ lễ theo quy định, công nhân và người lao động ở nước này được hưởng nguyên lương và các chế độ khác, trong khi các công chức và viên chức được nhận tiền lương sớm hơn (chậm nhất ngày 12/10) cùng một khoản hỗ trợ của Chính phủ Hoàng gia cho kỳ nghỉ lễ.

Để hạn chế kẹt xe tại các cửa ngõ ra vào thủ đô Phnom Penh trong những ngày lễ, Chính phủ Campuchia đã quyết định thông xe tạm thời cây cầu dây văng nối liền hai khu dự án phát triển Koh Nora và Koh Pich trong các ngày từ 13-15/10.

Người dân Campuchia rời Phnom Penh về quê nghỉ lễ qua cây cầu thông xe tạm thời trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ Pchum Ben. (Ảnh: AKP/TTXVN)

Tổng cục Cảnh sát Quốc gia nước này cũng đã chuẩn bị lực lượng ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ, xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong suốt mùa Pchum Ben năm nay.

Trong những ngày nghỉ lễ Pchum Ben, một bộ phận khá lớn cư dân nhập cư ở Phnom Penh tỏa về các địa phương để đoàn viên cùng gia đình, tham gia các nghi lễ ở quê nhà.

Trong khi đó, tại Phnom Penh, nhiều hàng quán, tụ điểm vui chơi đóng cửa, các trung tâm thương mại, siêu thị duy trì hoạt động trở thành tụ điểm hút khách.

Phchum Ben là một trong ba lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm ở Campuchia, cùng với Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei và lễ hội Đua thuyền, cúng trăng, thả hoa đăng.

Mùa lễ Pchum Ben 2023 diễn ra từ ngày 1-15 hạ huyền của tháng Phetrabot theo lịch của người Campuchia, tương ứng với các ngày từ 30/9-15/10 dương lịch.

Là ngày lễ truyền thống được người Campuchia duy trì từ bao đời qua, Phchum Ben diễn ra trong 15 ngày, từ ngày đầu tiên trở đi gọi là ngày Kan Ben, đến ngày cuối gọi là Pchum Ben, tức ngày giỗ hội. (Ảnh: AKP/TTXVN)

Là ngày lễ truyền thống được người Campuchia duy trì từ bao đời qua, Phchum Ben diễn ra trong 15 ngày, từ ngày đầu tiên trở đi gọi là ngày Kan Ben, đến ngày cuối gọi là Pchum Ben, tức ngày giỗ hội.

Trong những ngày lễ, tại từng khu vực dân cư gắn liền với những ngôi chùa, người dân ở Xứ chùa Tháp thường dậy sớm để chuẩn bị vật thực như cơm, thức ăn, bánh trái, nhất là bánh tét và bánh ít để mang lên chùa cúng dường chư tăng, hồi hướng công đức phước báo đến những người đã khuất, thân bằng quyến thuộc 7 đời quá vãng.

Theo tín ngưỡng truyền thống, người dân Campuchia vẫn duy trì tập tục rải cơm vắt vào thời điểm rạng sáng trong những ngày Kan Ben, một nghi thức truyền thống gắn liền với lễ Pchum Ben với sở nguyện gửi vật thực đến các hạng phi nhân, ngạ quỷ, những linh hồn vất vưởng, không nơi nương tựa.

Vương quốc Campuchia có khoảng 17 triệu dân, chủ yếu là tín đồ Phật giáo.

Theo số liệu thống kê mới nhất, cả nước có hơn 5.100 ngôi chùa với khoảng 71.000 vị sư thuộc hai hệ phái Maha Nikaya và Dhammayut Nikaya./.

Huỳnh Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-campuchia-bat-dau-ky-nghi-le-pchum-ben-truyen-thong/902081.vnp