Người dân chật vật trong 'cơn bão' lạm phát

Mới đây, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đã công bố tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên hai con số và đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1982. Khi giá cả các loại hàng hóa từ lương thực cho đến năng lượng đều tăng vọt, khiến cho người dân nước này đang phải loay hoay tìm cách vượt qua, cùng với đó là làn sóng đình công kéo dài.

Lạm phát vượt xa dự báo của các nhà kinh tế

Tỷ lệ lạm phát của Anh trong tháng 7 là mức cao nhất trong vòng 40 năm, cao hơn mức 9,4% trong tháng 6 và vượt mức dự báo của các nhà kinh tế là 9,8%. Giá lương thực trong tháng 7 đã tăng 12,7% - mức tăng cao nhất của danh mục hàng hóa này trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, cũng vượt kỳ vọng khi tăng 6,2%, trong khi các nhà kinh tế dự báo chỉ tăng 5,8%.

Theo ONS, mức tăng giá trong tháng 7 - 0,7% chỉ trong một tháng, là không bình thường vì giá thường giảm trong tháng 7 khi các trung tâm mua sắm thực hiện các chương trình khuyến mại. Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát của tháng 7 vừa qua là mức cao nhất của tháng 7 kể từ khi các chỉ số so sánh theo tháng bắt đầu được thống kê vào năm 1988. Ông Grant Fitzner - Kinh tế trưởng tại ONS cho biết, một loạt các đợt tăng giá đã khiến lạm phát tăng trở lại trong tháng này. Ông nhấn mạnh rằng bánh mỳ, các sản phẩm từ sữa, thịt và rau quả là những mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào việc gia tăng lạm phát. Sự hỗn loạn tại các sân bay và nguồn cung các chuyến bay bị hạn chế cũng làm cho giá của các kỳ nghỉ tăng hơn nhiều so với năm 2021.

Các nhà kinh tế nhìn nhận, mặc dù tất cả các nền kinh tế phát triển đều chứng kiến lạm phát gia tăng, nhưng lạm phát tại Anh tăng mạnh hơn tất cả các nước thuộc nhóm G7 và hầu hết các quốc gia châu Âu. Điều này xuất phát từ việc Anh sử dụng nhiều khí đốt hơn, tăng trưởng chi tiêu trong năm ngoái mạnh mẽ, lương trong khu vực tư nhân tăng trên 5% và sự dễ dàng của việc các công ty chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng. Nhiều nhà kinh tế cũng cho biết lạm phát tăng, cùng với tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ trong quý thứ hai sẽ làm Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thêm quyết tâm tăng lãi suất mạnh hơn và nhanh hơn.

Nguồn: CNBC

Nguồn: CNBC

Người dân "xoay xở" với bão giá

Trong cuộc khảo sát thị trường được thực hiện gần đây, có 9 trong số 10 người Anh đang ngày càng phải cân nhắc, khó khăn trong việc mua và lựa chọn thực phẩm. Việc người dân Anh tiết kiệm chi tiêu khiến doanh số bán hàng tại các siêu thị giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2021. Từ đó, doanh số các mặt hàng thiết yếu cho bữa cơm gia đình như các loại thịt gia cầm, thịt lợn... giảm 9,4%, trong khi các mặt hàng gia dụng cũng ghi nhận mức giảm 8,1%, hàng tạp hóa đóng gói giảm 6,4%.

Tháng trước, tập đoàn siêu thị Sainsbury's thông báo doanh số bán hàng theo quý giảm 4%. Giám đốc điều hành Simon Roberts quan ngại rằng, áp lực lên ngân sách chi tiêu của các gia đình sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm. Hiện nay, khoảng 20% số khách hàng đang mua sắm ít hơn, đồng thời lựa chọn các mặt hàng mang thương hiệu riêng và bình dân của siêu thị thay vì các sản phẩm có thương hiệu. Xu hướng người tiêu dùng mua sắm ít hơn, chuyển sang sử dụng các sản phẩm rẻ hơn, ngày càng trở nên phổ biến.

Về lĩnh vực nhà ở, hãng cung cấp vật liệu xây dựng Travis Perkins từng được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu đối với các công cụ cải tạo nhà cửa khi người dân Anh làm việc tại nhà trong thời gian lệnh phong tỏa được áp đặt để chống dịch Covid-19. Song, công ty này dự đoán, thị trường kinh doanh các trang thiết bị, dụng cụ xây dựng cảnh quan và cải tạo nhà ở đang có xu hướng chững lại. Công ty đang có kế hoạch tập trung cắt giảm lượng hàng dự trữ do nguồn cung vượt cầu. Công ty xây dựng lớn thứ ba nước Anh Taylor Wimpey dự báo, tiết kiệm năng lượng đang ngày càng trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu đối với những người mua nhà tương lai vì các hóa đơn điện, khí đốt ước tính sẽ tăng chóng mặt, lên 70% trong tháng 10 tới.

Theo số liệu ONS công bố, kinh tế Anh giảm trong quý II năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia giảm 0,1% vào quý II, sau khi tăng 0,8% trong 3 tháng trước đó. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài kể từ cuối năm nay khi người dân Anh tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng với lạm phát lên tới 13%, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông Darren Morgan - Giám đốc bộ phận thống kê kinh tế của ONS cho rằng, giá các loại hàng hóa tăng chóng mặt trong khi ngân sách của các gia đình vẫn “đứng yên” là nguyên nhân chính khiến kinh tế Anh suy giảm và nhiều nhà bán lẻ rơi vào khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết, sẽ sớm làm việc với BoE nhằm kiềm chế lạm phát và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người dân Anh lo ngại rằng, các nhà lãnh đạo nước họ sẽ khó có thể lèo lái đất nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tăng dần. Chính phủ hiện đang trong quá trình chuyển tiếp lãnh đạo, trong đó Thủ tướng Boris Johnson chuẩn bị cho một người kế nhiệm mình, dự kiến được công bố vào ngày 5.9 tới. Vì vậy, người dân nước này dự kiến sẽ phải tiếp tục gồng mình chống lại cơn bão giá trong thời gian tới.

Các cuộc đình công tiếp tục kéo dài

Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao nhất hàng chục năm qua đang làm mất giá trị tiền lương với tốc độ kỷ lục, khiến cho những người lao động Anh đang tiến hành các cuộc đình công lớn. Sau khi ngành đường sắt trước đó đã chứng kiến cuộc đình công lớn nhất 30 năm qua trong mùa hè này, mạng lưới đường sắt của Anh sẽ đối mặt với khả năng gián đoạn lâu hơn nữa, khi hàng chục nghìn nhân viên được dự đoán sẽ đình công trong những ngày tới. Hệ thống tàu điện ngầm của London bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công ngày 20.8, trước khi các nhân viên bốc xếp ở cảng Felixstowe, cảng biển lớn nhất nước Anh, cũng sẽ tiến hành đình công 8 ngày kể từ ngày 21.8 tới.

Nhiều cuộc đình công được lên kế hoạch cho mùa hè này đã được hủy bỏ sau khi các tổ chức công đoàn và phía giới chủ đạt được các thỏa thuận tiền lương vào phút chót. Tuy nhiên, trong khi các nhân viên tiếp nhiên liệu máy bay và nhân viên mặt đất của Hãng hàng không British Airways đã hủy các kế hoạch đình công, thì nhiều ngành khác vẫn giữ ý định của mình. Hiện nay, hơn 115.000 nhân viên bưu chính của Công ty Royal Mail dự định sẽ đình công bốn ngày từ cuối tháng 8 này. Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” viễn thông BT cũng sẽ đối mặt với cuộc đình công đầu tiên trong vòng 35 năm qua. Ngoài ra, các cuộc đình công của nhân viên kho của Amazon, các luật sư, giáo viên, nhân viên y tế và nhân viên thu gom rác cũng đã hoặc sắp diễn ra.

Trước tình trạng này, giới phân tích dự đoán làn sóng đình công sẽ còn kéo dài qua mùa hè và thậm chí, khi lạm phát tiếp tục gia tăng có thể sẽ vượt 13% trong năm nay và ở mức cao cho đến hết năm 2023, từ đó có thể đẩy kinh tế nước này vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài. Người đứng đầu tổ chức công đoàn Unite Sharon Graham cho biết, trước sự sụt giảm kỷ lục trong tiền lương thực tế như vậy, các tổ chức công đoàn như Unite cần phải bảo vệ giá trị đồng lương của người lao động, đồng thời phản đối quan điểm của nhiều người rằng tăng tiền lương làm tăng lạm phát.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/nguoi-dan-chat-vat-trong-con-bao-lam-phat-i298313/