Người dân cứ ho, sốt là bảo nhau mua kháng sinh

'Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc', thứ trưởng Bộ Y tế nói và cho rằng việc sử dụng kháng sinh trong các cơ sở y tế cũng cần được quản lý chặt chẽ.

 Nhiều người đang lạm dụng thuốc kháng sinh và để lại hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Ảnh: New York Times.

Nhiều người đang lạm dụng thuốc kháng sinh và để lại hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Ảnh: New York Times.

"Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay kháng sinh giảm đau, hạ sốt chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều...”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói tại hội nghị Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện vào sáng 22/9.

Hội nghị do Sở Y tế Hà Nội phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức và có sự tham gia của hơn 1.000 nhà khoa học, dược sĩ, bác sĩ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định việc quản lý kháng sinh trong thời gian tới là rất cần thiết và cấp bách, khi tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều người đang không cần đến bác sĩ lâm sàng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thuốc hiện nay được đánh giá là một trong 3 thành tố quan trọng nhất của ngành y tế bên cạnh sự phát triển của khoa học công nghệ về trang thiết bị y tế và năng lực của nhân viên y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi hội nghị. Ảnh: TL.

“Kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng khi không cần thiết đã làm tăng tính kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh”, ông nhận định.

Trong khi đó, thực tế là việc đầu tư, nghiên cứu để cho ra đời các thuốc kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ, dẫn đến sự thiếu hụt kháng sinh có hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, thông tin: "Hơn 30 năm qua, con người vẫn chưa tìm ra nhóm kháng sinh nào mới. Do đó, cách duy nhất để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn là làm thế nào để quản lý và sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả".

Dẫu vậy, Thứ trưởng Tuyên tái khẳng định một trong những nguyên nhân chính gây ra kháng kháng sinh là lạm dụng nhóm thuốc này trong điều trị. Bản thân việc lạm dụng cũng có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan. Hậu quả là bác sĩ, người dân không còn thuốc để điều trị.

“Khi kháng kháng sinh, việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả. Lúc này, chúng ta sẽ dùng gì để điều trị?”, ông nêu vấn đề.

Trên thực tế, tình trạng kháng kháng sinh không phải vấn đề của riêng quốc gia nào. Đây là vấn đề toàn cầu, nổi trội ở những quốc gia đang phát triển. Trên thế giới hiện nay cũng ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong do kháng thuốc và phải chi hàng chục tỷ USD cho vấn đề này mỗi năm.

Tại Việt Nam, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết có tình trạng không cần tới bác sĩ lâm sàng trong điều trị.

“Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay kháng sinh giảm đau, hạ sốt chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều...”, ông Tuyên nói.

Giải pháp không chỉ từ ngành y tế

Từ ví dụ trên, bộ nhận định đây là một trong những nguyên nhân lớn gây kháng kháng sinh hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ ngành y tế, vấn đề còn liên quan quá trình quản lý nhà nước.

“Chúng ta phải quản lý cơ sở hành nghề dược ra sao, đơn vị khám, chữa bệnh tư nhân, công lập như thế nào… Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Việc kiểm soát kháng sinh còn là trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau bên cạnh ngành y tế. Ảnh minh họa: Merck_Co.

Mặt khác, ông cho hay về mặt quy trình, các nhà quản lý, nghiên cứu sẽ buộc phải xem xét, đánh giá cơ cấu bệnh tật của cộng đồng, từ đó dự báo cơ cấu bệnh tật trong vòng 5 năm tới, nhận định sự thay đổi ra sao.

Lúc này, chúng ta mới có thể tính ra nhu cầu sử dụng thuốc và tiếp tục sản xuất, cung ứng thuốc kháng sinh phù hợp

Trước đó, nhằm nỗ lực thay đổi thực trạng này, năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Tới năm 2020 Bộ Y tế ban hành thêm Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định đây là những tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng.

“Muốn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, hạn chế tới mức tối thiểu sự cố y khoa, việc triển khai các hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện là cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Thực hiện chiến lược của Chính phủ trong tăng cường công tác quản lý và sử dụng kháng sinh hợp lý cũng như nâng cao vai trò dược sĩ lâm sàng trong điều trị, một số giải pháp cũng được Hà Nội thực hiện trong thời gian qua gồm

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý tương tác thuốc và hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện.
Từng bước xây dựng và tăng cường hiệu quả của mối quan hệ tam giác bác sĩ - dược sĩ - xét nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị với chi phí hợp lý của hệ thống y tế tuyến cơ sở.
Tăng cường năng lực và vai trò dược sĩ lâm sàng trong điều trị đáp ứng nhu cầu hội nhập và thực trạng xã hội.

Ngoài ra, tại hội nghị, các chuyên gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai trong thực tế của các chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

TS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cũng khẳng định: "Những kiến thức, kinh nghiệm được thảo luận và chia sẻ hôm nay sẽ góp phần tăng cường trong quản lý, sử dụng kháng sinh, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-cu-ho-sot-la-bao-nhau-mua-khang-sinh-post1358073.html