Người đan dệt những bước chân và hồi ức

Nhân đọc tập bút ký 'Rót cho đầy bình đêm' của Nguyễn Hùng, NXB Hội Nhà văn, 2022

Chuyện đời, có những người viết để trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu, viết để lưu danh mai hậu, nhưng cũng có những người viết chỉ để mà viết. Viết như là dự phần vào cuộc chơi chữ nghĩa nơi trần thế, cho riêng mình trước đã. Tôi nghĩ Nguyễn Hùng thuộc loại người thứ hai. Đọc tập bút ký “Rót cho đầy bình đêm” của Nguyễn Hùng (NXB Hội Nhà văn, 2022), tôi hình dung, sau mỗi bài viết, anh buông bút như đặt ly rượu cuối cùng đã dốc cạn xuống bàn sau mỗi cuộc nhậu, kèm theo một tiếng “khà” sảng khoái.

Bìa sách “Rót cho đầy bình đêm”

Bìa sách “Rót cho đầy bình đêm”

Rót cho đầy bình đêm của Nguyễn Hùng in dày dặn với hơn 250 trang sách, gồm 3 phần Tản văn, Tiểu luận và Tìm trong trang sử, tổng cộng có 69 bài viết, phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung. Nổi lên trong tâp sách là những bước chân xê dịch gần như khắp mọi miền đất nước.

Từ làng quê Bích La nhỏ bé của anh, Nguyễn Hùng đã ruổi rong ở miền Bắc (Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc, Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm, Phan Xi Phăng - đã đến, đã thấy và…, Về Cổ Loa thành nhớ Mỵ Châu, Cát Bà- niềm ân tứ của thiên nhiên…), lang thang ở miền Trung (Mấy nhịp Trường Tiền, Nhớ Huế trong từng kỷ niệm, Ơi đò Ca Cút, Cửa Đại-thủy triều còn vang, Ngồi lại với ký ức Đông Phú, Miền quê phù sa…), lên tận Tây Nguyên và hút tận miền Nam (Pleiku-một buổi chiều lòng bỗng bâng khuâng, Làm khách giang hồ đi chơi Chợ Nổi…).

Nguyễn Hùng có một đam mê và khá hiểu biết về âm nhạc nên mảng đề tài này được anh chăm chút (Nguyễn Ánh 9 đã “Buồn ơi chào mi” , Thanh Tùngcái im lặng rực màu hoa đỏ, Hoàng Giác-đường tơ nay đã dứt, Có một tâm hồn Huế trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao với giọt đàn trên sông Hương, Đồng vọng Bolero…). Anh cũng dành nhiều trang viết để phân tích, luận giải, phản biện… những vấn đề hoặc các tác giả, nhân vật lịch sử mà anh quan tâm như Truyện Kiều, Bùi Giáng, Huy Cận, Phan Văn Dật, Hoàng Cao Khải,…

Tôi không muốn nhắc cụ thể tên những bài viết của anh. Chỉ biết rằng, qua tập sách này, tôi đã lãng du cùng anh qua nhiều miền đất, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ sông đến núi, từ người đến vật. Bước chân của anh trải rộng cùng những nghiệm sinh đầy suy tư nhưng cũng ngập tràn đa cảm, xao xuyến từng câu chữ mà vẫn khúc chiết luận giải những gì mình quan tâm.

Tôi thấy Nguyễn Hùng đã may mắn khi trong đời anh có những bước chân lang thang, có những nhân vật và vấn đề để quan tâm, có những người bạn tâm giao và hơn cả là tình yêu cuộc sống. Một tình yêu cụ thể với ký ức làng quê, bằng hữu, thiên nhiên cùng với những lĩnh vực mà anh yêu thích như văn học, âm nhạc.

Nói viết như là cuộc chơi nhưng tôi thấy Nguyễn Hùng có những trang viết giàu nội lực. Anh là người học sử nhưng mê văn chương, có vốn am hiểu về nghệ thuật khiến câu chữ của anh bàng bạc, nói theo kiểu cổ nhân “văn trung hữu sử, sử trung hữu văn”. Những kiến thức được anh trang trải lại thường trĩu nặng nhân tình thế thái nên luôn lắng đọng ít nhiều trong lòng người đọc. Như anh tâm sự, “có thể những ghi chép chỉ là vụn rời trong một chuyến đi vội; nhưng tình cảm trong tôi thì không phải là thứ tình cảm thoáng qua (Ngồi lại với ký ức về Đông Phú).

Tôi gọi Nguyễn Hùng là người đan dệt những bước chân và hồi ức. Vì anh có những chuyến đi ngoài đời thực hiểu theo nghĩa đen và cả những chuyến đi bằng tâm cảm. Với anh, hồi ức/ký ức không phải là danh từ trừu tượng mà là chất keo kết dính cuộc đời riêng tư với nhân quần, từ nội tâm đến ngoại giới. Ngay cả tuổi thơ xa hút trong đời và ngôi làng quê thanh bình bờ tre, giếng nước cũ kỹ, ấy vậy mà cứ neo chặt trong anh như trái tim luôn day dứt trong lòng ngực.

Không phải anh nhận ra điều đó, chính điều đó luôn chìm đắm trong anh, thổn thức với anh. Chỉ là khi nào, với ai, cái gì đó lay thức anh, chạm nhẹ vào anh thì lập tức con chữ ùa về. Như anh đã nói: “Bởi thế; qua tháng, qua năm tôi không sao quên được nơi chốn và tuổi thơ. Và tôi đồng cảm với Anatole France, rằng: hình như ký ức là một tư chất tuyệt diệu và cái năng khiếu tái hiện quá khứ cũng dễ làm ta kinh ngạc, còn quý hơn dự đoán tương lai” (Những ngày xưa thân ái).

Tiền nhân có những người lấy sự ngao du làm trọng, chơi với đời mà vẫn đau đáu tấc lòng chữ nghĩa. Như Nguyễn Công Trứ xưa bày tỏ “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí khí anh hùng) nhưng chính ông xác tín “Nợ tang bồng quyết trả cho xong/Đã xông pha bút trận thì phải gắng gỏi kiếm cung/Làm cho rõ tu mi nam tử…” (Chí nam nhi). Hay như thời hiện đại, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người cùng quê với Nguyễn Hùng đã dạo chơi đến tận ngọn nguồn Hương Giang, lên tới đỉnh trời Bạch Mã rồi để lại những thiên tuyệt bút như Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Ngọn núi ảo ảnh. Kỳ thực, sự chơi cũng là để thấu hiểu.

Với nhiều sự vật, hiện tượng, con người, cái ta hời hợt nhìn thấy chỉ là tưởng tri, có chơi đến tận cùng mới nắm bắt được hồn vía, mới nhìn ra bản chất, ấy là thực tri, tuệ tri... Sự chơi đạt đến cảnh giới như Bùi Giáng thì lòng liễu tri viên mãn, đắc đạo mà không cần chùa, cần mõ, như chính Trung niên thi sĩ đã nói: “Đi tu thứ nhất ở chùa/Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang”… Tôi không có ý định và không thể so sánh, chỉ muốn nói rằng Nguyễn Hùng chắc cũng phần nào noi gương tiền nhân, chơi để viết và viết để chơi.

Đôi chút mở lòng cùng tác giả và tập văn xuôi đầu tiên của Nguyễn Hùng cũng là để nhắc nhớ rằng tôi hoặc nhiều người trong chúng ta ít bỏ thời gian rong chơi, hoặc đã từng đi mà rồi bỏ qua, lãng quên những điều trông thấy. Khép lại những trang sách cuối cùng, tôi chúc anh có thêm những bài viết có thể hay và chưa hay. Miễn là viết. Bởi viết cũng là cách học để nuôi dưỡng tinh thần, trong một thế giới mà niềm hy vọng luôn chơi trò bập bênh với suy tàn.

Như chính anh đã ngộ ra trong những bước chân ngang dọc các nẻo đường, trong hồi ức miên man về quá khứ và suy tưởng vị lai: “Cánh đồng chữ nghĩa quả là khổ ải và mênh mông, cày hoài không hết. Nên phương cách để giữ gìn sinh lực là vừa học vừa chơi” (Nhớ Huế trong từng kỷ niệm)…

Phạm Xuân Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nguoi-dan-det-nhung-buoc-chan-va-hoi-uc/176107.htm