Người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do tăng giá xăng, dầu, gas

Thời gian gần đây, với sự điều chỉnh tăng giá liên tục của nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có giá xăng, dầu, gas đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cuộc sống của người dân.

Dịch vụ vận tải xe taxi vẫn nỗ lực hoạt động phục vụ khách hàng.

Theo thông tin thị trường trong nước, tính đến giữa tháng 11/2021, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Giá bán lẻ tối đa với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/ lít, giá dầu diesel là 18.716 đồng/lít…

Khảo sát tại một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong 2 năm gần đây đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các giải pháp phù hợp để duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh, ứng phó linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại tiếp tục phải vượt khó do việc tăng giá của xăng, dầu, gas.

Chị Tạ Thị Mai Hà, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Mai Linh Ninh Bình cho biết: Từ tháng 5/2021 đến nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh vận tải của Công ty. Bên cạnh đó, giá xăng tăng đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thu nhập cũng như doanh thu đơn vị (giảm 25-40% doanh thu so với cùng kỳ những năm chưa có dịch).

Công ty có 200 đầu xe, bình quân 1 ngày 1 xe phục vụ khoảng 5-7 cuốc khách. Để đù đắp 1 phần thu nhập cho lái xe và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Công ty đã tính toán điều chỉnh về giá cước so với thời điểm cũ (giá xăng tăng 11% so với thời điểm những năm trước), điều chỉnh giá cước từ ngày 11 và 12/11/2021 bình quân tăng giá 800 đồng/1km...

Cũng là đối tượng ảnh hưởng khá lớn từ việc tăng giá xăng, dầu, gas, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ cửa hàng thực phẩm sạch-an toàn Cụ Bá, đường Trương Hán Siêu, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, những cửa hàng thực phẩm sạch chúng tôi gặp nhiều khó khăn bởi giá xăng, gas tăng.

Cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) duy trì việc cung cấp thực phẩm sạch, thức ăn chín phục vụ khách hàng dù giá xăng, giá ga tăng.

"Nếu như gas trước đây giá 350.000-360.000 đồng/bình gas công nghiệp, hiện nay tăng lên từ 430.000 đồng/bình, gas bếp gia đình giá 510.000-520.000 đồng/bình, trong khi đó, bình quân mỗi ngày cửa hàng tôi dùng hết 1 bình gas, tính toán mỗi tháng cửa hàng phải chi phí cho giá gas tăng khoảng 9 triệu đồng, ảnh hưởng khá lớn tới doanh thu. Tuy nhiên, với tinh thần cả nước chung tay phòng, chống dịch chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và một phần nhằm giữ khách..."- chị Ngọc Ánh chia sẻ.

Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ taxi, shiper, chạy xe công nghệ, giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng khá lớn với thu nhập của họ.

Anh Vũ Nguyễn Công Anh, lái xe taxi cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lái xe chúng tôi đã nghỉ 1 thời gian, sau khi quay lại hoạt động, giá xăng tăng đã ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập của anh em lái xe. Đồng thời, do dịch bệnh nên nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, có tháng giảm tới 60-70%. Lượng khách ít đi đôi với thu nhập sụt giảm, với tôi chưa có gia đình chỉ đủ mức sống trung bình cho bản thân, còn đối với những người đã có gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.

Anh Trịnh Nam Hải, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình), làm nghề shipper đã 4 năm nay, cho biết: Bình quân mỗi ngày, tôi đưa 20-30 đơn hàng, xăng cần đổ vào khoảng 60-70 nghìn đồng/ngày, hiện nay tăng lên khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Mỗi tháng chi phí cho việc đổ xăng chạy xe máy giao hàng tăng thêm khoảng 700-1 triệu đồng/tháng, làm giảm thu nhập của tôi khá nhiều.

Giá xăng, dầu, gas tăng cao đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Không chỉ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, mà người dân cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, bởi giá ga, xăng, dầu tăng đã tác động tới nhiều mặt hàng cũng rục rịch tăng theo, như các mặt hàng thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, đi lại... Nhiều người dân đã phải điều chỉnh và thắt chặt các khoản chi tiêu.

Chị Bùi Thị Thảo (xã Sơn Thành, huyện Nho Quan) cho biết: Với mức thu nhập của gia đình làm nông nghiệp, chồng làm công nhân mỗi tháng hơn 7 triệu đồng như gia đình tôi, thì khi giá gas tăng, tôi phải cân đối lại chi tiêu trong gia đình. Hiện không chỉ một bình gas 12 kg tăng lên trên 500.000 đồng, mà nhiều mặt hàng thực phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày đều tăng, đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của nhiều gia đình.

Người dân chúng tôi mong muốn, Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, điều chỉnh kịp thời, hiệu quả, giúp người dân giảm gánh nặng trong thời điểm dịch bệnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-chiu-anh-huong-do-tang-gia-xang-dau/d20211115203220861.htm