Người dân ghi âm, ghi hình CSGT: Phải đúng luật, có văn hóa

Các ý kiến cho rằng, cần quy định rõ phương thức giám sát của người dân như thế nào nhằm tránh việc lợi dụng giám sát để gây cản trở lực lượng CSGT.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009.

Dự thảo lần này có một số nội dung mới so với dự thảo lần 2 được Bộ Công an lấy ý kiến từ cuối tháng 6. Theo đó, trong điều 11 quy định về "Hình thức giám sát của nhân dân", dự thảo đã bổ sung nội dung người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật. Việc giám sát này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong dự thảo lần này cũng nêu rõ công dân khi giám sát và thông tin, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Ủng hộ việc cho người dân ghi âm, ghi hình giám sát hoạt động của CSGT, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc giám sát được đặt ra nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan chức năng, kể cả CSGT hiệu quả, tránh bị lợi dụng thì việc ghi âm, ghi hình phải có hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan hữu quan cần quy định cụ thể về khoảng cách khi người dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình để tránh ảnh hưởng tới hoạt động của lực lượng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, người dân được quyền giám sát, nhưng khi sử dụng các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình phải tuân thủ theo đúng các quy định. Việc đăng tải, phát tán các thông tin vi phạm các vấn đề về bí mật đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, an toàn thông tin… người đưa lên phải chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật.

“Ghi hình, ghi âm là quyền giám sát của người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng những thông tin đó vào mục đích gì, nếu vi phạm những quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm. Nếu đưa thông tin cắt xén làm sai lệch bản chất nội dung, đưa thông tin không chính xác thì cơ quan chức năng có thể xử lý về việc phát tán thông tin tùy từng mức độ, hành vi” – ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói.

Giám sát nhưng phải có văn hóa

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá dự thảo Thông tư quy định cụ thể hình thức giám sát của người dân như được ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình thực hiện quyền công dân của mình.

Tuy nhiên, theo luật sư, việc giám sát này phải theo quy định của pháp luật và không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Ví dụ không được quay phim tại những địa điểm cấm quay phim theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm gồm: “Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.... Hoặc cản trở lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ, truy bắt tội phạm; quay phim mà làm mất an toàn đến bản thân mình, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác.

Giám sát qua ghi âm, ghi hình nhưng cũng phải có văn hóa, như không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT. Người dân giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Luật sư lưu ý, trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ mà người dân phải chịu trách nhiệm theo Luật an ninh mạng cũng như xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Vu khống (Điều 156 BLHS), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 228 BLHS).

Ủng hộ dự thảo Thông tư bổ sung nội dung người dân được giám sát hoạt động của CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, Luật sư Phan Hữu Thư (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, nếu điều này được thông qua sẽ giúp làm trong sạch bộ máy, làm giảm tỷ lệ tham nhũng, góp phần phát hiện những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng, hạch sách người dân. Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ phương thức giám sát của người dân như thế nào để tránh việc có người lợi dụng việc giám sát để gây cản trở cho lực lượng CSGT và ngược lại./.

Đức Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nguoi-dan-ghi-am-ghi-hinh-csgt-phai-dung-luat-co-van-hoa-965527.vov