Người dân Hà Nội được miễn phí cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Trong 6 tháng cuối năm nay, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân trên địa bàn thành phố có tài khoản định danh mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.

Nghị quyết 11 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn Hà Nội, vừa được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI kỳ họp thứ 16 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024 đến 31/12/2024.

Theo Nghị quyết, công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, nhưng không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư 244 năm 2016 của Bộ Tài chính, sẽ được hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Trường hợp người dân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, đề nghị cấp trên 2 phiếu Lý lịch tư pháp (từ phiếu thứ 3 trở lên) trong một lần yêu cầu thì sẽ được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người, tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban nhân dân chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế là 2 địa phương đang triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho người dân có tài khoản định danh mức độ 2. Ảnh minh họa: Văn Sỹ

Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế là 2 địa phương đang triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho người dân có tài khoản định danh mức độ 2. Ảnh minh họa: Văn Sỹ

Cùng với Thừa Thiên Huế, từ ngày 22/4 đến nay, Hà Nội đang triển khai thí điểm việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Kết quả thí điểm trong 2 tháng tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế sẽ là cơ sở cho việc triển khai nhân rộng toàn quốc việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử, được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của Sở Tư pháp, có giá trị pháp lý như bản gốc phiếu lý lịch tư pháp giấy.

Phiếu lý lịch tư pháp điện tử sẽ mặc định được trả về tài khoản của người dân trên ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hà Nội.

Tính đến trung tuần tháng 5/2024, Bộ Công an đã kích hoạt hơn 54,34 triệu tài khoản định danh điện tử. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Tính đến trung tuần tháng 5/2024, Bộ Công an đã kích hoạt hơn 54,34 triệu tài khoản định danh điện tử. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Theo đánh giá của Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06), thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị các điều kiện, chính thức triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ ngày 22/4 và được người dân hưởng ứng tích cực, với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trên VNeID lần lượt chiếm 67,42% với Thừa Thiên Huế và hơn 45,5% đối với Hà Nội.

Giá trị mang lại từ việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID là người dân có nhu cầu đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Ước tính, khi triển khai chính thức, người dân sẽ tiết kiệm được 5.000 đồng phí đề nghị cấp thêm phiếu lý lịch tư pháp và khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại; 80.000 đồng công sức chờ đợi 4 tiếng; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày của người dân. Với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm.

Kết luận hội nghị giao ban tháng 5/2024, lãnh đạo Tổ công tác triển khai Đề án 06 đánh giá việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã đạt kết quả bước đầu; đồng thời, chỉ đạo sau ngày 22/6/2024, Bộ Tư pháp tiến hành sơ kết thí điểm và điều chỉnh lại quy trình nếu trong quá trình triển khai thí điểm phát sinh những vướng mắc.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng được yêu cầu hướng dẫn các địa phương kinh nghiệm của Hà Nội và Thừa Thiên Huế trong quá trình triển khai thí điểm; chuẩn bị các điều kiện cần thiết như tập huấn, sao gửi tài liệu, tích hợp các phần mềm..., trước khi công bố triển khai chính thức trên toàn quốc.

Báo cáo của thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 cho hay, tính đến trung tuần tháng 5/2024, Bộ Công an đã cấp trên 86,2 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt hơn 54,34 triệu tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận là 71,78%. Đặc biệt, 8 tiện ích trên ứng dụng VNeID công bố vào ngày 25/1/2024 đã được nhiều người dân hưởng ứng sử dụng. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có hơn 1,5 triệu lượt truy cập vào ứng dụng VNeID, trong đó có thể kể đến một số tiện ích có người dùng cao như: dịch vụ công thông báo lưu trú là 237.522 lượt; kiến nghị, phản ánh về an ninh, trật tự là 4.264 lượt; thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân là 9,2 triệu lượt; tích hợp 829 tài khoản an sinh xã hội của người dân trên ứng dụng VNeID...

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ha-noi-duoc-mien-phi-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-qua-ung-dung-vneid-2283011.html