Người dân hưởng lợi từ bệnh viện vệ tinh

Trước đây, người dân Hà Tĩnh thường nói với nhau là 'đói ăn rau, đau đi Hà Nội'. Còn hiện nay, người dân địa phương này nếu mắc bệnh trọng đã có thể yên tâm chữa bệnh 'tại gia'.

Đây cũng là thành công nổi bật nhất của đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) do Bộ Y tế thực hiện trong nhiều năm qua, giúp người dân nhiều vùng sâu, vùng xa được chữa bệnh gần nhà, tiết kiệm chi phí điều trị.

Chữa bệnh “tại gia”

Mới đây (tháng 9.2018), lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ đã áp dụng kỹ thuật mới thành công trên người bệnh 63 tuổi bị phình tách động mạch chủ. Bệnh nhân là bà Bùi Thị V (quê ở Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau ngực lan xuống bụng, đau như dao đâm và được chẩn đoán phình động mạch chủ.

Trước đó, bệnh nhân đã đi khám ở BV tuyến T.Ư và được khuyên nên về BVĐK Phú Thọ để được phẫu thuật. Bác sĩ Đỗ Viết Thắng - Phó Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch cho biết, bà V là người bệnh đầu tiên được thụ hưởng kỹ thuật cao này ngay tại BVĐK Phú Thọ mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Các bác sĩ tiến hành đặt Stent - Graft trên người bệnh bị phình tách động mạch chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Diệu Linh

Theo bác sĩ Thắng, là BVVT của Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai), Trung tâm Tim mạch (BVĐK Phú Thọ) đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó về tim mạch. BV cũng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều máy móc hiện đại, BV rộng rãi nên người bệnh không phải chen chúc, quá tải nếu như phải lên T.Ư.

Ngoài ra, BV Phú Thọ là BVVT chuyên khoa ngoại chấn thương của BV Việt Đức; chuyên khoa Ung bướu của BV K T.Ư. Trong giai đoạn là BVVT của BV Việt Đức (giai đoạn 2005-2009), BV đã đạt được các kết quả khám chữa bệnh tích cực, được đánh giá là một điển hình thành công của đề án BVVT ở giai đoạn thí điểm.

Đến nay, BV Phú Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó như nội soi ổ bụng, nội soi khớp, tán sỏi laser ngược dòng, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần cũng như phẫu thuật cột sống, thần kinh, lồng ngực, gan, mật… Kể cả những bệnh nhân nặng như chấn thương sọ não, vỡ gan, đa chấn thương… cũng được phẫu thuật tại BV. Trước khi chưa triển khai đề án BVVT, mỗi năm có đến 22% bệnh nhân ngoại khoa đến khám, cấp cứu được BVĐK Phú Thọ chuyển lên BV Việt Đức. Nhưng đến nay tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến chỉ còn 2,4%.

BVĐK Hà Tĩnh cũng vừa được tiếp nhận các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp (bao gồm bệnh bướu cổ, basedow, cường giáp, ung thư tuyến giáp) bằng thuốc iốt phóng xạ l-131 do các bác sĩ, chuyên gia Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - BV Bạch Mai dẫn đầu chuyển giao. Đây là BVVT đầu tiên được BV Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật này.

PGS-TS Trần Đình Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) nhận định, số lượng bệnh nhân tuyến giáp ở Hà Tĩnh rất đông, từ bệnh nhân basedow, bướu cổ đơn thuần cho đến ung thư tuyến giáp... Tuy nhiên, từ tháng 6.2018, sau khi được “cầm tay chỉ việc” thực hiện nhuần nhuyễn kỹ thuật thì bệnh nhân tuyến giáp tại Hà Tĩnh không phải vất vả chuyển lên Hà Nội, giảm chi phí điều trị.

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là một trong những BV tuyến tỉnh thực hiện đề án BVVT giai đoạn 2013 – 2020 và được triển khai ở 6 lĩnh vực: Ngoại chấn thương, phụ sản, ung bướu, nội tiết, tim mạch và nhi khoa. BV Hà Tĩnh cũng là BVVT của các BV hạt nhân (BVHN) gồm: BV Bạch Mai, BV Phụ sản T.Ư, BV T.Ư Huế, BV Tim Hà Nội, BV Nội tiết T.Ư và BV Nhi T.Ư.

Đến nay, hơn 70 kỹ thuật đã được đào tạo, chuyển giao thành công, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, ngang tầm BV T.Ư được thực hiện thường quy tại BV như: Phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật cột sống… Sau 5 năm, với sự chuyển biến rõ rệt trong chất lượng khám và điều trị, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến tại BVĐK Hà Tĩnh từ vài chục % xuống còn 5%.

2.000 kỹ thuật được chuyển giao

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án BVVT giai đoạn 2013-2018; báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh

BV tuyến T.Ư chỉ nên tập trung thực hiện kỹ thuật cao, còn các bệnh thông thường nên khám ở tuyến dưới tránh tình trạng BV tuyến T.Ư khám 5.000 - 8.000 bệnh nhân/ngày, bệnh nhân phải xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng trong khi BV tuyến dưới lại thưa thớt”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

(Bộ Y tế) cho biết, 5 năm qua, cả nước đã có 23 BVHN và 138 BVVT. Đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho BVVT với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc). Nhờ chuyển giao thành công, nhiều BV vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo đã thực hiện được những kỹ thuật điều trị khó, cứu giúp hàng ngàn ca bệnh cấp cứu khó sống sót nếu phải di chuyển xa.

Đồng thời, BVVT đã giúp giảm tải cho BV tuyến trên, tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh cho người dân. BVVT phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các BVĐK, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều BV tuyến huyện như BV Đa khoa Mộc Châu (Sơn La), BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai); Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu).

Đánh giá về thành công của Đề án BVVT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: "Các y bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt. Không chỉ có thế, thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhờ có các BVHN chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số BV tuyến tỉnh đã phẫu thuật ghép tạng thành công, nuôi sống trẻ sơ sinh nhẹ cân, BV tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng... Khi BV tuyến dưới được nâng cao trình độ, thu hút người dân đến điều trị, không đổ dồn lên tuyến trên thì các BV tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao hơn...

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-dan-huong-loi-tu-benh-vien-ve-tinh-931495.html