Người dân huyện Thường Tín tố cáo nhiều sai phạm trong công tác bồi thường

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thành phố Hà Nội theo hình thức BOT giành hơn 1.600 tỷ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên mới đây, nhiều người dân tại các xã Tô Hiệu, Văn Bình có đơn khiếu nại về công tác bồi thường của dự án này.

Chuyện lùm xùm của nhà đầu tư

Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được khởi công năm 2014, có tổng mức đầu tư 6.731,78 tỷ đồng, 100% là vốn tư nhân. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC). Mặc dù là đơn vị có uy tín, kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính lớn, song tỷ lệ sở hữu của Cienco1 trong MPC chỉ dừng lại ở 18%; Công ty Phương Thành góp 17% và Công ty Minh Phát nắm tới 65% vốn.

Minh Phát là cái tên còn khá mới mẻ trong ngành giao thông. Doanh nghiệp được thành lập năm 2008 này có trụ sở tại phường Suối Hoa, TP. Bắc Ninh. Cổ đông sáng lập là một nhóm các cá nhân họ Đỗ gồm các ông Đỗ Ngọc Minh, Đỗ Minh Đức và bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng địa chỉ thường trú với ông Đức). Đáng chú ý, nhóm các thể nhân này cũng sở hữu một doanh nghiệp có quy mô vốn khá lớn khác - là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành (vốn điều lệ 1.556 tỷ đồng tính tới giữa năm 2015)

Người dân phản ánh với Phóng viên

Người dân phản ánh với Phóng viên

Tương tự trường hợp của Công ty Minh Phát, dù chỉ mới hoạt động (thành lập tháng 4/2014) và không có tên tuổi trong ngành xây dựng, song Công ty Công Thành tháng 5/2015 nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Liên danh đầu tư với Công ty Công Thành là một cái tên quen thuộc - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.

Từ Pháp Vân - Cầu Giẽ tới dự án Hạ Long - Vân Đồn, có thể thấy những Minh Phát hay Công Thành là những doanh nghiệp mới thành lập, kinh nghiệm làm cao tốc chưa có và khó có thể thắng trong bất kỳ cuộc đấu thầu nào. Thế nhưng, họ vẫn được chọn là nhà đầu tư cho dự án “khủng” này của Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều người ngỡ ngàng. Câu chuyện lùm xùm bắt đầu khi giữa năm 2016, Cienco1 tung Thông cáo báo chí tố Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) gian lận và cản trở minh bạch hóa hoạt động thu phí. Cả lãnh đạo Công ty Minh Phát lẫn Phương Thành nhanh chóng phản bác lại cáo buộc trên. Không những không đòi được quyền lợi, mà Cienco1 sau đó còn buộc phải rút khỏi dự án này (quyết định rút hết vốn hồi đầu năm).

Và những người dân bị cắt xén tiền đền bù ?

Bà Dương Thị Nền, trú tại thôn Đông Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội đã nhiều năm có đơn tố cáo sự không minh bạch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án này. Theo đó, gia đình bà được UBND huyện Thường Tín xác nhận tại Bảng Tổng hợp áp giá bồi thường kèm theo Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 có diện tích: 322,1 m2 đất hoa mầu. Cuối năm 2017, Ban Giải phóng mặt bằng và gia đình có tiến hành kiểm đếm, lập biên bản đúng với diện tích nêu trên. Nhưng khi chi trả bồi thường thì gia đình chỉ được chi trả 153m2, còn lại được giải thích là diện tích đất lấn chiếm dụng của UBND xã.

Sau khi phát hiện sự sai sót này, gia đình làm đơn lên UBND xã và huyện nhưng không được trả lời. Gia đình phản ứng lại bằng cách không bàn giao đất cho đơn vị thi công, cắm biển thông báo với nội dung: Đất bà Dương Thị Nền diện tích 322.1 m2. Bất ngờ, sau đó là bên thi công lén đổ đất, san bằng cả khu vực thuộc gia đình. Sau 4 lần làm đơn vẫn mất đất, do hoàn cảnh (bà Nền bị ung thư) nên gia đình đành phải nhận 137 triệu tiền bồi thường.

Ngoài trường hợp của bà Nền, ông Ngô Xuân Hiểu (sn 1955), cùng là người dân thôn Đông Duyên lại phát hiện một “chuyện lạ” khác trong bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã. Theo ông, trong danh sách bồi thường có những người nhận bồi thường trên cả khu vực mương và bãi rác. Khu đất này có tên là khu Ao bà Xuất, là người sinh ra và lớn lên tại đây, ông Hiểu và nhiều người dân thôn Đông Duyên khẳng định khu bãi rác và mương nước (khu bà Xuất) không có ai có đất ruộng. Thế nhưng, lại có tới 32 hộ dân được nhận đền bù hàng trăm mét vuông tại đây theo đơn giá 800,000 đồng/m2. Phóng viên đã gặp và phỏng vấn ông Lê Văn Định trú tại thôn Đông Duyên, ông có nhận tiền bồi thường tại Dự án cao tốc số tiền 79.130.000 đồng với số diện tích bị thu hồi là 96.3 m2. Ông Định cho biết lúc ký nhận tiền thấy có ghi số tiền 5,6 triệu đồng là tiền đền bù cho 7 m2 đất bị thu hồi tại khu đất bà Xuất nhưng bản thân ông cũng không hiểu sao và không hỏi (?). Ngoài ba trường hợp trên, những người dân thôn Đông Duyên, xã Tô Hiệu còn cung cấp nhiều tài liệu, đơn tố cáo khác cũng liên quan tới dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ này.

Rõ ràng, UBND huyện Thường Tín cần chỉ đạo UBND xã Tô Hiệu sớm có các cuộc họp với dân, công khai, minh bạch thông tin và giải đáp các thắc mắc của người dân tránh việc nhân dân bức xúc, khiếu nại vượt cấp kéo dài gây mất ổn định tình hình hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Nhóm PV

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/nguoi-dan-huyen-thuong-tin-to-cao-nhieu-sai-pham-trong-cong-tac-boi-thuong-52188.html