Người dân lao đao vì hạn hán và xâm nhập mặn

Những ngày qua, nông dân tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng lao đao vì hạn hán và xâm nhập mặn. Hạn, mặn không chỉ gây sụt lún, sạt lở đất khiến việc sinh hoạt, sản xuất gặp khó khăn mà còn khiến chi phí thu hoạch lúa tại một số địa phương đội lên vì việc vận chuyển đường thủy gần như tê liệt.

Vận chuyển nông sản gặp khó

Vừa thu hoạch xong 2ha lúa Đông Xuân, bà Trần Thị Cẩm ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau không mấy vui vì giá lúa giảm gần 1.000 đồng/kg so với tuần trước, chưa kể chi phí đội lên vì vận chuyển khó khăn.

“Năm nay hạn, mặn nên dưới kênh, rạch khô cạn nước, ghe của thương lái không thể vào tận nơi để thu mua. Lúa được chuyển ra đường lớn bằng xe máy. Chi phí mỗi tấn lúa tăng thêm từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng nên thương lái hạ giá thu mua. Vụ lúa này, gia đình tôi chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, mất khoảng 20 triệu đồng”, bà Cẩm bộc bạch.

Lúa chín trong khi nước kênh cạn đáy, phải thuê xe máy chở đường vòng khiến thương lái hạ giá lúa.

Huyện Trần Văn Thời là vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Hằng năm khoảng tháng 10 âm lịch, nông dân sẽ bắt đầu gieo sạ và thu hoạch lúa vào tháng 1 để tránh hạn. Tuy nhiên, năm nay mưa kết thúc sớm nên giữa tháng 12, các tuyến kênh đã bắt đầu cạn nước. Nước cạn ngay thời điểm lúa được hơn 40 ngày tuổi nên một số diện tích bị ảnh hưởng năng suất, số làm đồng thì bị phèn khiến hạt lúa không chắc hạt, khi thu hoạch giảm 100 - 200kg mỗi công (gần 1.300m2).

Theo thống kê từ ngành chức năng, mùa mưa kết thúc sớm nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn. Khó khăn chồng chất khi nước ít, nông dân tranh thủ bơm vào đồng ruộng để phục vụ sản xuất lúa và dự trữ để nuôi cá, trồng hoa màu. Điều này đã khiến cho nhiều tuyến đường giao thông trong vùng bị sụt lún. Hiện toàn huyện Trần Văn Thời đã xảy ra hơn 330 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 9.000m, ước thiệt hại gần 12 tỷ đồng.

Cùng với hạn hán, huyện Trần Văn Thời còn xảy ra sạt lở khiến việc vận chuyển nông sản của người dân gặp khó.

Ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) cho biết, trên địa bàn xã có 177 điểm sụt lún, sạt lở, khiến cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa của bà con gặp nhiều khó khăn, các thương lái thu mua lúa phải vận chuyển bằng xe máy đến nơi tập kết.

"Những hộ nào chuẩn bị cắt lúa mà chưa có đường vận chuyển đi bán, địa phương vận động bà con cắt lúa đưa vào nhà phơi khô. Mong thời gian tới, các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục sụt lún, sạt lở để người dân đi lại an toàn hơn", ông Được chia sẻ.

Ngậm đắng vì lúa nhiễm mặn

Nếu nông dân Cà Mau gặp khó trong vận chuyển nông sản vì hạn hán thì tại tỉnh Sóc Trăng, người trồng lúa cũng khóc ròng vì lúa chết do nhiễm mặn.

Dọc hai bên đường 934B nối TP Sóc Trăng đi Trần Đề, dấu hiệu hạn mặn thấy rất rõ ở những cánh đồng khô khốc, nhiều kênh mương cạn kiệt nước. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cánh đồng lúa mới xuống giống được khoảng hơn 15 ngày nhưng đã có dấu hiệu bị chết vì thiếu nước hoặc nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Lúa của nhà ông Thạch Lâm ở thị trấn Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị nhiễm mặn.

Trước diễn biến của hạn, mặn, để hạn chế ảnh hưởng, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng nói chung và các huyện Long Phú, Trần Đề… nói riêng đã khuyến cáo người dân không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn hay còn gọi là lúa vụ 3. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn chủ quan nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 đã nhanh chóng cải tạo đất xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn.

Hậu quả là nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng. Điển hình như huyện Long Phú, vụ Đông Xuân muộn, toàn huyện xuống giống 6.000ha lúa, trong đó có 3.408ha bị thiếu nước, xâm nhập mặn, có 641ha bị thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Tương tự, tại huyện Trần Đề, diện tích lúa gieo sạ toàn huyện hơn 500ha, lúa đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến chuẩn bị trổ. Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như hiện tại và kéo dài thì diện tích lúa bị ảnh hưởng do mặn gây ra khoảng 200ha.

Ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn khiến các tuyến kênh ở Long Phú bị cạn nước.

Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, ông Thạch Lâm, ở ấp 3, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú bộc bạch: “Mình cũng nghe địa phương khuyến cáo nhưng giá lúa cao cộng thêm ở đây không trồng lúa thì nông dân không biết làm gì hơn. Giờ lúa được 36 ngày tuổi thì nhiễm mặn. Năng suất đợt này chắc không được bao nhiêu".

Theo ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, đến nay, lúa Đông - Xuân muộn trên địa bàn tỉnh đã xuống giống 41.000ha, cao hơn so với khuyến cáo 10.500ha. Hiện nay, độ mặn tại các sông, kênh, rạch lên cao và tình trạng thiếu nước ở đồng ruộng đang gia tăng.

Để có biện pháp quản lý tốt đối với diện tích lúa Đông - Xuân muộn, đơn vị đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn trên các sông, kênh, rạch và khi có nước ngọt thông báo bà con bơm nước vào ruộng. Để chăm sóc lúa Đông - Xuân muộn, khuyến cáo bà con là tùy từng giai đoạn sinh trưởng của lúa để đưa nước vào ruộng.

Nông dân tranh thủ bơm nước vào ruộng để cứu lúa.

Cụ thể, ông Nghi cho biết: “Khi lúa ở giai đoạn mạ, nếu lấy nước đưa vào ruộng, nước có độ mặn phải dưới 1% và nước khi đưa vào ruộng không được giữ nước lâu mà phải xả ra để giữ ẩm cho đất; lúa giai đoạn đẻ nhánh lấy nước có độ mặn dưới 2% và tiến hành xả nước ra ngay, nhằm tạo độ ẩm cho ruộng, tránh tình trạng khô nứt ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa; lúa giai đoạn đòng - trổ lấy nước đưa vào ruộng có độ mặn dưới 1%. Đặc biệt lưu ý bà con nông dân khi phun thuốc cho ruộng lúa, tuyệt đối không sử dụng nước mặn pha thuốc để phun xịt lúa mà phải sử dụng nước ngọt…".

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trạng thái El Nino năm nay sẽ lặp lại và khả năng kéo dài đến hết quý I. Do ảnh hưởng bởi El Nino, trong các tháng mùa khô ít xảy ra mưa trái mùa, hạn hán được dự báo gay gắt hơn mọi năm. Trong khi đó, lúa đang trong giai đoạn phát triển quan trọng; không có nước tưới, lúa sẽ chết, còn nếu tưới nước mặn thì dù cây lúa có sống được cũng sẽ cho năng suất rất thấp. Nhưng còn nước còn tát, chính quyền và nông dân tỉnh Sóc Trăng vẫn đang nỗ lực để vụ mùa này không bị mất trắng.

Bài, ảnh: THÚY AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguoi-dan-lao-dao-vi-han-han-va-xam-nhap-man-767137