Người dân Nghệ An 'thích ứng' thế nào khi giá hàng hóa tăng theo giá xăng?

Giá tăng từ “mớ rau, con cá”

Giá rau xanh tăng mạnh theo diễn biến giá xăng dầu. Ảnh: Thanh Phúc

Từ đầu tháng 6 đến nay, giá các mặt hàng tiêu dùng đều được điều chỉnh tăng theo giá xăng. Theo khảo sát, giá rau tăng bình quân 2.000-3.000 đồng/bó; củ quả tăng 3.000-5.000 đồng/kg; Các loại thịt, cá cũng tăng từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg; Trứng gia cầm tăng thêm 5.000 -10.000 đồng/chục.

Nhóm hàng thiết yếu như: Dầu ăn, nước mắm, mỳ tôm… cũng tăng “phi mã”. Anh Nguyễn Thức Đạt, chủ đại lý tạp hóa ở đường Ngô Đức Kế (TP.Vinh) cho biết: “Giá dầu ăn các loại đã tăng gấp đôi so với năm trước. Ngoài dầu ăn, giá các mặt hàng gia vị như mì chính, hạt nêm cũng tăng theo khiến người mua kẻ bán đều gặp khó.

Cụ thể, những loại dầu rẻ tiền trước đây ở mức 22.000-25.000 đồng/lít nay tăng lên 40.000-46.000 đồng/lít. Các loại dầu phân khúc cao như Neptune, Simply có giá bán lẻ tại từ 62.000-65.000 đồng/lít. Dầu Cái Lân, Meizan dao động ở mức 46.000-50.000 đồng/lít. Giá mì tôm, nước mắm cũng không ngoại lệ khi mỗi thùng mì tăng thêm 10.000 -15.000 đồng; nước mắm tăng thêm 2.000 -3.000 đồng/lít”.

Các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc

Cước các dịch vụ như ship hàng, vận chuyển, dịch vụ ăn uống giải khát cũng tăng theo giá xăng. Hiện, các quán ăn, quán cà phê đã phải niêm yết mức giá mới với thông báo “Chi phí đầu vào tăng nên từ 1/6, quán xin phép được tăng thêm 5.000 đồng/bát/ly và sẽ quay về giá cũ khi giá nguyên liệu ổn định trở lại”. Anh Võ Ngọc Thắng, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Chích cho biết: “Trước, 1 ly cà phê đen, cà phê sữa ở đây chỉ có giá 10.000 đồng nay đều đồng loạt tăng lên 15.000 đồng khi giá cà phê bột, giá sữa, đường đều tăng”.

Cả người bán lẫn người mua đều “kêu khó”

Dưa lưới được mùa, bán qua kênh online nhưng giá cước tăng quá cao khiến ông Lê Diện (Xóm 5, Diễn Hải, Diễn Châu) phải bù chi phí nên lãi thấp. Ảnh: Thanh Phúc

Làm 1.500m2 nhà màng dưa lưới, dưa được mùa, quả đẹp, độ đường cao và đã được thương lái ở phía Bắc “đặt cọc” thu mua khi dưa còn đang non. Với mức giá 28.000 đồng/kg (bao gồm cước vận chuyển), ông Lê Diện (xóm 5, Diễn Hải, Diễn Châu) nhẩm tính, trừ chi phí cũng có lãi vài chục triệu đồng. Thế nhưng, nay, vào chính vụ thu hoạch, giá vận chuyển tăng cao, mỗi kg dưa “đội thêm” 1.000 đồng tiền cước, tính ra, chuyến dưa này tốn thêm cả chục triệu tiền cước vận chuyển.

Nhưng làm ăn phải giữ chữ tín, hơn nữa, đã nhận cọc từ trước nên không thể tăng giá bán lên. Ông Diện cho biết: “Coi như đợt dưa này chỉ hòa vốn, không có lãi. Đối với lứa dưa kế tiếp, giá bán đã chênh lên trên 30.000 đồng/kg và chỉ nhận vận chuyển với đơn hàng đầu tạ trở lên để tiết giảm chi phí”.

Mọi dịch vụ đều tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh online các loại thực phẩm nhà làm, chị Lê Thị Hiên ở phường Bến Thủy, TP.Vinh cũng gặp không ít khó khăn khi giá cước ship hàng tăng nên đơn hàng sụt giảm mạnh. Chị Hiên cho biết: “Mỗi cốc chè có giá 15.000 -20.000 đồng trong khi phí ship tăng thêm 10.000-15.000 đồng/đơn, mỗi cốc chè “đội thêm 5.000 đồng tiền ship nên lượng hàng bán ra giảm còn một nửa so với trước”.

Người tiêu dùng cũng phải cố gắng thắt chặt chi tiêu trước cơn “bão giá”, đời sống khó khăn hơn bởi giá cả ngày càng đắt đỏ nhưng thu nhập không tăng. Bà Nguyễn Thị Phước, một người nội trợ cho hay: “Trước đây, đi chợ cho 5 người ăn 2 bữa hết khoảng 200.000-220.000 đồng nay chi phí bỏ ra gấp rưỡi vẫn chật vật”.

Gồng mình "thích ứng"

Việc giá xăng, dầu liên tục tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp buộc họ phải gồng mình thích ứng.

Chị Nguyễn Thị Nga, bà nội trợ ở thành phố Vinh cho biết: “Trước bão giá hiện nay, tôi buộc phải cắt giảm những chi tiêu không cần thiết trong gia đình như: hạn chế mua sắm quần áo, giày, dép; hạn chế đi chơi vào cuối tuần; bữa ăn trước đây thường 2 món chính, 2 món phụ thì giờ cũng cắt giảm xuống còn 1 chính, 1 phụ”.

Các bà nội trợ phải "thắt lưng buộc bụng" khi các mặt hàng đều quay cuồng trong bão giá. Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều chủ các quán ăn thì để giữ khách, bên cạnh chỉ tăng giá bán “nhỏ giọt” thì giải pháp về tiết giảm chi phí như điện nước cũng được tính đến. Những người kinh doanh online thay vì thuê shipper giao hàng thì họ buộc tự ship hàng cho khách, hỗ trợ phí ship để giữ khách. Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, kinh doanh thực phẩm online cho biết: “Trước, mỗi đơn khoảng cách dưới 5 km ship chỉ 10.000 đồng, trên 5 km là 15.000 đồng nay đều tăng gấp đôi lên mức 20.000 – 30.000 đồng/đơn. Để giữ khách, tôi hỗ trợ 1 nửa phí ship cho khách, đồng nghĩa với việc lợi nhuận bị giảm”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao hàng tận nơi cũng có chính sách hỗ trợ một phần chi phí xăng cho nhân viên theo một mức cố định; nâng cao kỹ năng cho nhân viên về việc dò đường đi chính xác, giảm tối đa chi phí trên tiêu chí chia sẻ hài hòa lợi ích để giữ chân nhân viên.

Các công ty giao nhận hàng cũng gồng mình thích ứng. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Trần Mạnh Triển - Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ Công ty CP Công nghệ HeyU Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho biết: “Trước bão giá xăng dầu đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa như chúng tôi, trực tiếp là nhân viên giao hàng. Trước đây, 1 đơn hàng 10.000 đồng, chi phí xăng xe chiếm 30%, phí % cho công ty thì ít nhất họ vẫn còn “bỏ túi” 4.000-5.000 đồng/đơn, nay, xăng tăng cao, do đó, thu nhập của họ cũng giảm mạnh. Để ứng phó với bão giá xăng dầu, công ty cũng đã có chính sách tăng giá các đơn giao hàng, hỗ trợ một phần chi phí xăng; có cơ chế thưởng tuần cho các tài xế có doanh thu tốt…”.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, người dân cũng như các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp đối với giá xăng dầu, chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu tốt nhất nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-dan-nghe-an-thich-ung-the-nao-khi-gia-hang-hoa-tang-theo-gia-xang-post255085.html