Người dân nhiều nơi háo hức quan sát nhật thực lai ngày 20/4

Nhằm theo dõi sự kiện nhật thực lai cực hiếm gặp ngày 20/4 sự kiện kết hợp giữa 2 hiện tượng nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên – nhiều người trên thế giới đã cùng đổ về các địa điểm quan sát từ Australia cho tới Indonesia.

Ảnh chụp nhật thực một phần quan sát được tại Jakarta, Indonesia ngày 20/4. Ảnh: AP

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Liên ngành (IFIRSE), nhật thực lai là sự kiện cực kỳ hiếm gặp khi nó chỉ chiếm tỷ lệ 3,1% tổng số lần xảy ra nhật thực trong thế kỷ 21. Nói cách khác, nó chỉ xảy ra tổng cộng 7 lần trong thế kỷ này.

Theo AP trích dẫn chuyên gia năng lượng mặt trời NASA Michael Kirk, nhật thực lai thường xảy ra khoảng một thập kỷ một lần. Lần gần đây nhất nó xảy ra là vào năm 2013 và lần tiếp theo con người có thể quan sát sự kiện này là vào năm 2031.

Nhật thực lai ngày 20/4 có thể quan sát được từ một số khu vực phía tây Australia, khu vực phía tây bắc của Papua New Guinea, khu vực phía đông bắc của Timor-Leste, cũng như một số khu vực nhất định ở Ấn Độ Dương và Bắc Thái Bình Dương.

Cụ thể, Space.com cho biết nhật thực đạt cực đại ở Biển Timor, ngay phía nam Timor-Leste, Đông Nam Á. Tại đây, mặt trời sẽ bị che khuất hoàn toàn trong 76,1 giây ở độ cao 67 độ, nhưng đường đi của nhật thực chỉ rộng 48 km. Tiếp tục đi theo hướng đông bắc, nó sẽ cắt qua Tây Papua, New Guinea rồi rẽ về phía đông, gần với hòn đảo nhỏ Kosrae của Micronesia.

Nhật thực một phần có thể được nhìn thấy ở các mức độ khác nhau trên các phần của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương , toàn bộ Australia và Indonesia, một phần của Đông Nam Á, nửa phía bắc của New Zealand và một phần của Nam Cực.

Nếu không nằm trên tuyến đường của nhật thực lai lần này, người dân trên thế giới có thể quan sát tại các sự kiện khác dễ gặp hơn như nhật thực hình khuyên vào giữa tháng 10 năm nay và nhật thực toàn phần vào tháng 4/2024 đi qua châu Mỹ.

Người quan sát nhật thực tại Exmouth, Australia với kính bảo hộ. Ảnh: AP

Ông Micheal Kirby giải thích hiện tượng nhật thực lai xảy ra khi Trái Đất ở “một điểm thuận lợi” khiến Mặt Trăng và Mặt Trời có kích thước gần như bằng nhau trên bầu trời. Vào một số thời điểm, Mặt Trăng ở gần hơn một chút và nó sẽ che khuất Mặt Trời, tạo ra nhật thực toàn phần. Tuy nhiên khi Mặt Trăng ở xa hơn, nó sẽ tạo ra nhật thực hình khuyên.

Nhằm chớp được khoảnh khắc nhật thực lai xảy ra, hàng nghìn người đã đổ tới thị trấn du lịch xa xôi Exmouth tại Australia – một thị trấn với chỉ 3.000 cư dân và được quảng cáo là một trong những địa điểm thuận lợi nhất trên Australia có thể quan sát hiện tượng này.

AP cho biết một đám đông những người quan sát quốc tế đã tụ tập trên một vùng đồng bằng ở rìa thị trấn từ nhiều ngày trước đó với máy ảnh và nhiều thiết bị quan sát hướng lên trời. Nhà thiên văn học NASA Henry Throop là một trong số những người ở Exmouth hò reo khi nhật thực xảy ra và bóng tối bao phủ mặt đất.

Chia sẻ niềm hứng khởi của mình, ông Henry cho biết: “Không phải nó rất khó tin sao? Điều này thật tuyệt vời và khiến tôi sửng sốt. Nhật thực rất sắc nét và rõ ràng. Bạn thậm chí còn nhìn thấy được hào quang xung quanh mặt trời ở đó”.

Ông cho biết dù nhật thực chỉ kéo dài một phút, ông cảm thấy như thời gian trôi qua rất lâu. Đồng thời, ông khẳng định không có trải nghiệm nào giống như trải nghiệm tuyệt vời này khi ông còn có thể quan sát được cả Sao Mộc và Sao Thủy cùng lúc trong cùng một ngày.

Một người quan sát khác là Julie Copson cũng không thể giấu được cảm xúc của mình. Cô đã đi hơn 1.000 km từ thành phố cảng Fremantle ở bờ biển phía tây Australia đến Exmouth chỉ để quan sát nhật thực lai.

Trả lời hãng tin AP, cô cho biết hiện tượng này khiến cô cảm thấy lâng lâng và cảm thấy “rất xúc động, như muốn khóc”. Cô miêu tả mình nhìn thấy màu sắc thay đổi, hào quang và ánh sáng mặt trời và còn cảm nhận được nhiệt độ giảm đi ngay lập tức khi bóng của Mặt Trăng bao phủ khu vực.

Trong khi đó tại thủ đô Indonesia, hàng trăm người đã đến Cung thiên văn Jakarta để xem nhật thực một phần bị mây che khuất. Anh Azka Azzahra, 21 tuổi, đã đến cùng chị gái và bạn bè của mình để có thể quan sát sự kiện này kỹ càng hơn bằng kính viễn vọng.

Anh cho biết: “Tôi vẫn vui vẻ đến đây dù trời có nhiều mây. Thật vui khi thấy mọi người nhiệt tình đến đây để xem nhật thực, bởi vì nó rất hiếm”.

Mặt khác tại các nhà thờ Hồi giáo trên khắp thành phố, lời cầu nguyện vang lên khi nhật thực xảy ra. Người Hồi giáo cầu nguyện trước nhật thực như một lời nhắc nhở về sự vĩ đại của Thánh Allah.

Nhiều người quan sát cắm trại bên rìa thị trấn Exmouth, Australia với kính thiên văn và máy ảnh. Ảnh: AP

Người dân Jakarta, Indonesia thư giãn và quan sát nhật thực ngày 20/4. Ảnh: AP

Người dân thủ đô Jakarta háo hức cùng quan sát nhật thực ngày 20/4. Ảnh: AP

Người quan sát nhật thực tại Exmouth, Australia ngày 20/4. Ảnh: AP

Người quan sát nhật thực cần đeo kính bảo hộ do nếu nhìn trực tiếp vào mặt trời, võng mạc sẽ bị đốt cháy chỉ trong vòng vài giây và gây ra tổn thương vĩnh viễn cho mắt. Ảnh: AP

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nguoi-dan-nhieu-noi-hao-huc-quan-sat-nhat-thuc-lai-ngay-204-post20676.html