Người đàn ông 35 tuổi hôn mê, phải thở máy do bị mèo cắn

Người đàn ông làm công việc thợ xây, được chuyển từ Bệnh viện C Thái Nguyên với chẩn đoán theo dõi dại sau khi bị mèo cắn.

Ảnh minh họa

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân mắc dại. Bệnh nhân cótiền sử khỏe mạnh, làm nghề thợ xây. Cách vào viện 1 tháng, bệnh nhân bị mèo cắn vào tay (không nhớ vị trí cắn). Sau một tuần con mèo chết. Bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.

Cách khoảng 2 ngày vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau nhức người, đau cột sống thắt lưng. Sau khi tắm xong bệnh nhân xuất hiện kích thích, buồn chồn, tức ngực, khó thở, sợ gió sợ nước, tăng tiết đờm dãi, khạc nhổ nhiều lần.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng kích thích, bồn chồn, vật vã, sợ nước sợ gió, tăng tiết, khạc nhổ thường xuyên, không ăn không uống được.

Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi thể dại hung dữ. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê, đã được an thần, thở máy. Hiện bệnh nhân đã có kết quả khẳng định với bệnh dại.

Mèo cắn. Ảnh: ST

Theo Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của động vật bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Ở giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1- 4 ngày, bệnh nhân có biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

Bệnh chuyển sang giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và nạn nhân tử vong do liệt cơ hô hấp.

Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã có 61 trường hợp tử vong ở 26 tỉnh thành, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số ca tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ số này vẫn tăng ở 20 tỉnh trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), so với giai đoạn 2011-2016.

Để phòng chống bệnh dại, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện:

Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam. Khi bị chó, mèo cắn nên:

- Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.

- Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

- Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

- Tiêm vắc xin dại hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn. Cần đến khám ở trung tâm vắc xin để được tư vấn.

- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.

- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

- Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại... khuyến cáo nên tiêm phòng dại.

- Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.

Ngọc Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-ong-35-tuoi-hon-me-phai-tho-may-do-bi-meo-can-20231006155934451.htm