Người đàn ông bị giang mai ở ngực

Một bệnh nhân 27 tuổi được bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM phát hiện mắc săng giang mai ở ngực. Y văn thế giới ghi nhận 13 người có tình trạng tương tự.

Thông tin về ca bệnh hiếm gặp này được thạc sĩ, bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết.

Bệnh nhân là nam, 27 tuổi, thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trước đó, người này đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM do xuất hiện vết loét khoảng 0,5 cm ở ngực phải. Tuy nhiên, vết loét này không đau, không cứng và không có hạch nách kèm theo. Bệnh nhân không bị loét vùng sinh dục.

Khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện người này mắc HIV và đang điều trị 3 năm. Bệnh nhân cũng không có tiền căn viêm da cơ địa, giang mai hay nhiễm herpes simplex (HPV) trước đó.

 Thạc sĩ, bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, báo cáo về ca bệnh trong hội nghị khoa học của Liên Chi hội da liễu TP.HCM. Ảnh: Lan Anh.

Thạc sĩ, bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, báo cáo về ca bệnh trong hội nghị khoa học của Liên Chi hội da liễu TP.HCM. Ảnh: Lan Anh.

"Trước một trường hợp có vết loét liên quan đường sinh dục và dựa trên hình ảnh lâm sàng, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân bị chàm, giang mai tiên phát hoặc bệnh ghẻ chốc. Bệnh nhân được thí nghiệm phản ứng với huyết thanh giang mai. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với xoắn khuẩn giang mai tiên phát ở ngực", bác sĩ Bỉnh nói.

Theo bác sĩ Trình Ngô Bỉnh, săng giang mai ở ngực là thể bệnh rất hiếm gặp, được mô tả lần đầu năm 2006. Hiện y văn thế giới chỉ ghi nhận 13 ca bệnh, trong đó đa số người mắc có tiếp xúc và quan hệ tình dục đường miệng - ngực. Trong số 13 người này chỉ có một bệnh nhân nữ, lây bệnh qua tiếp xúc và quan hệ tình dục đường sinh dục - ngực.

Bệnh nhân được điều trị với Penicillin tiêm bắp. Về cơ chế lây truyền của săng giang mai ở ngực, bác sĩ Trình Ngô Bỉnh đưa ra 3 giả thiết.

Cơ chế đầu tiên là bệnh nhân mắc giang mai giai đoạn I ở trong hoặc ngoài đường sinh dục và sang thương niêm mạc ở giang mai giai đoạn II. Khi đó, việc tiếp xúc các sang thương, vết loét này có thể lây xoắn khuẩn giang mai.

Ngoài ra, khi người bệnh nhiễm Active Treponema pllidum kết hợp với tình trạng chấn thương ở niêm mạc miệng cũng dẫn đến săng giang mai ở ngực. Treponema pllidum là vi khuẩn xoắn ốc và không gian nhỏ gây ra bệnh giang mai, ghẻ cóc và bệnh ghẻ. Xoắn khuẩn này chỉ được truyền duy nhất trong cơ thể con người.

Giả thiết thứ 3 được đặt ra ở người bệnh xuất hiện hiện tượng Koebner. Theo tạp chí Y học New England (NEJM), hiện tượng Koebner còn được gọi là phản ứng đẳng tích, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tổn thương vảy nến mới sau khi bị kích ứng cơ học. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những người đang gặp vấn đề da liễu hoặc chưa từng có tiền sử mắc bệnh.

Săng giang mai là dấu hiệu ban đầu của bệnh giang mai sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh khoảng 10-90 ngày. Săng giang mai là các vết loét nhỏ, có màu hồng đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục và mọc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn,

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết giang mai là bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai. Đây là bệnh mạn tính và có thể không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu trong thời gian dài.

"Bệnh giang mai đang tái xuất trở lại với số lượng ca nhiễm tăng cao và biến đổi với xu hướng phức tạp, khó điều trị hơn", bác sĩ Hà nhận định.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-bi-giang-mai-o-nguc-post1207280.html