Người đàn ông bơi qua Thái Bình Dương sắp chạm mốc 1/5 quãng đường

Dù bị gián đoạn bởi hàng loạt cơn bão hoành hành ở Thái Bình Dương vào hè này, Ben Lecomte đã bơi được gần 1.000 hải lý trong nỗ lực thành người đầu tiên bơi qua Thái Bình Dương.

Theo Reuters, ông Ben Lecomte, người Pháp, xuất phát từ Nhật Bản hôm 5/6 và dự kiến chạm mốc 1.000 hải lý (1.852 km) vào ngày 26/9, đánh dấu 1/5 quãng đường vượt đại dương lớn nhất thế giới.

Người đàn ông 51 tuổi từng vượt 3.229 hải lý (5.980 km) qua Đại Tây Dương vào năm 1998. Giờ thì ông ở dưới nước 8 giờ đồng hồ mỗi ngày và đặt mục tiêu bơi 50 km mỗi chặng trên quãng đường 9.100 km từ Nhật Bản đến San Francisco (Mỹ).

Bão cản trở hành trình

Ông Lecomte cùng nhóm hỗ trợ dự định thực hiện hành trình trong khoảng 6 tháng nhưng buộc phải quay về vào cuối tháng 7 do hàng loạt những cơn bão hoành hành dữ dội ở Thái Bình Dương.

Họ phải tốn 20 ngày quay về trú ở Yokohama, Nhật Bản trước khi Lecomte tiếp tục hành trình ở vị trí ông đã phải dừng lại.

Ông Ben Lecomte xuất phát từ Nhật Bản hôm 5/6. Ảnh: AFP.

“Đương nhiên đó là một quyết định không ai muốn đưa ra nhưng tôi không cảm thấy thất vọng lâu. Bạn chẳng thể làm gì được với thời tiết”, ông chia sẻ với Reuters qua email ngày 25/9.

“Tôi cố gắng tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, lan truyền thông điệp về tình trạng biển và chuẩn bị cho chuyến đi bơi tiếp theo”.

"Nhựa là kẻ thù duy nhất"

Nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là động lực then chốt để ông Lecomte hoàn thành hành trình nguy hiểm và gian khổ.

Số liệu thu thập từ chuyến đi của ông sẽ giúp ích cho hơn 27 tổ chức khoa học khác nhau, trong đó có các tổ chức y tế và hải dương học. Các nghiên cứu phần lớn tập trung vào ô nhiễm nhựa ở Thái Bình Dương, đặc biệt là hiện tượng tích tụ hàng tỷ hạt vi nhựa tạo thành “sương mù nhựa”.

Các nhà khoa học đang ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm tràn lan đối với hệ sinh thái biển.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tìm thấy nhiều nhựa như vậy. Ngày qua ngày, tôi đều thấy chúng trên đường bơi: từ giấy gói nhựa, vỏ nhựa đến những đồ dùng một lần và dụng cụ đánh cá”, Lecomte cho biết nhóm của ông đã tìm thấy hơn 1.300 mảnh rác nhựa trôi nổi.

“Thậm chí tệ hơn nữa là mối đe dọa tiềm tàng của hạt vi nhựa dưới bề mặt. Chúng tôi thu thập được hơn 4 mảnh rác mỗi phút nhờ chiếc lưới đặc biệt”.

Chỉ có một chiếc thuyền hỗ trợ ông Lecomte trong hành trình vượt biển. Ảnh: The Longest Swim.

Nhóm của ông Lecomte đã bắt gặp rùa, cá voi và cá heo trên hành trình. Một con cá mập mako còn đi theo họ trong 2 ngày.

“Cậu chàng ấy chỉ tò mò thôi, nó đến để xem xét tôi rồi bơi đi”, ông kể lại.

“Nhựa là kẻ thù duy nhất của chúng tôi và là mối đe dọa với tất cả những người bạn mới của chúng tôi”, ông Lecomte khẳng định.

Đối với ông, lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm là động lực để đưa ông tới đích cuối cùng tại bờ biển California, Mỹ.

“Dù tôi có tự tin thế nào, thì vẫn còn nhiều biến số chúng tôi không thể kiểm soát trong hành trình dài như vậy, như thời tiết, sự cố kỹ thuật hay thương tích”, ông nói.

“Điều động viên tôi mỗi ngày là việc hoàn thành mục đích nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa. Việc này quan trọng hơn cả điểm đến cuối cùng, đặc biệt sau khi tôi chứng kiến tất cả những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra cho đại dương và cuộc sống xung quanh”.

“Tôi sẽ tiếp tục bơi lội”, ông nói.

90s: 6 cơn bão hoành hành, hàng triệu người trên thế giới lao đao

Cùng một lúc, thế giới oằn mình chống chọi 6 cơn bão, hàng triệu người sơ tán, chính phủ các nước chuẩn bị kế hoạch khẩn nhằm đối phó và hạn chế mức thiệt hại thấp nhất có thể.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-dan-ong-boi-qua-thai-binh-duong-sap-cham-moc-15-quang-duong-post879874.html