Người đàn ông có 102 đứa con ở Gia Lai

Hơn 10 năm nay, một mình ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, ở thôn 1, xã Ia H'Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã cưu mang 102 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Dù chưa một lần làm chồng, làm cha đúng nghĩa nhưng ông được người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến 'người đàn ông đông con nhất Gia Lai'.

10 ghè rượu, 1 con lợn to… đổi mạng 1 đứa trẻ

Ông Nhật quê gốc ở tỉnh Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên tại tỉnh Gia Lai nên ông luôn coi mình là một người con của đại ngàn Tây Nguyên. Sau khi đi học rồi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông quyết định gắn bó đời mình với nghiệp tu hành.

Năm 2008, ông mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình tại xã Ia H’Lốp này. Vào một đêm cuối tháng 4, ông có việc đi ra ngoài cách nhà khoảng 2km thì thấy buôn làng mời thầy cúng chuẩn bị các thủ tục chôn một đứa bé theo mẹ xuống mộ.

 Hơn 10 năm nay, ông Nhật đã cưu mang 102 trẻ mồ côi

Hơn 10 năm nay, ông Nhật đã cưu mang 102 trẻ mồ côi

Đứa bé người dân tộc Jrai, sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất, không biết cha mình là ai. Thấy vậy, ông chạy vào giật lấy đứa trẻ và ôm chạy đi nhưng bị đám người làng đuổi bắt được. Ông giải thích rằng đứa trẻ được mẹ sinh ra, nó không có tội tình gì, để cháu sống cũng không bị ai bắt tội mà còn cứu thêm được một mạng người.

Tuy nhiên, dù ông giải thích thế nào người làng cũng không đồng ý cho đứa trẻ được sống. Bởi phong tục bao đời của người Jrai là thế, nếu chống lại Yàng (trời) thì cả làng sẽ mang họa. Biết chậm là đứa bé chết, ông Nhật xin buôn làng chậm lại một giờ đồng hồ, rồi chạy hộc tốc đến nhà một cán bộ xã để cầu cứu. Cán bộ xã đến nơi thuyết phục mãi dân làng mới nhượng bộ, rồi bắt ông Nhật phải cúng một con lợn to, 10 ghè rượu để tạ lỗi với Yàng.

Sau khi giành lại sự sống cho cháu bé, ông Nhật phải bồng bế khắp các làng để xin từng giọt sữa nuôi cháu. Ông đặt tên cháu theo họ của mình là Đinh Hồng Phúc. “Tôi đặt tên cho con là Phúc bởi vì con may mắn được giữ lại mạng sống sau khi vượt qua được những hủ tục. Tôi cũng hy vọng sau này lớn lên con sẽ là một người biết thương yêu giúp đỡ người khác”, ông Nhật chia sẻ.

Từ đó về sau, hễ nghe tin các cháu nhỏ có cha mẹ qua đời, lang thang cơ nhỡ, ông Nhật đều đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Nhiều người thấy đi nương, đi rẫy hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng nhặt đưa về cho ông nuôi. Năm này qua năm khác, bây giờ ngôi nhà của ông đã lên đến 102 cháu.

Nhiều đứa trẻ tàn tật được ông Nhật cưu mang. Ảnh: SỸ HÒA.

Như anh em ruột thịt một nhà

Theo ông Nhật, các cháu ở các làng, xã, huyện khác nhau của tỉnh Gia Lai, lúc mới về không hòa nhập được. Qua thời gian, đến nay các cháu biết yêu thương nhau, không chia rẽ làng này với làng khác. Chị lớn biết chăm sóc em nhỏ, coi nhau như ruột thịt. Thấy em khóc là biết chia sẻ cơm, nhường bánh. Cõng em chơi, tối thì vỗ em ngủ như chị em ruột thịt trong một gia đình.

Khu ngủ nghỉ, xem phim của các cháu

Ông Nhật cho rằng, những đứa trẻ này đa phần thiếu thốn tình cảm gia đình nên ông dạy các cháu bằng cách "giáo dục cảm xúc". Theo đó, ông thường kể cho các cháu nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, cho nghe những bài hát ý nghĩa, nhân văn để các cháu học được những điều hay, lẽ phải.

Bây giờ, cháu lớn nhất ở mái ấm này đã 21 tuổi và đang theo học đại học tại Huế, một số cháu khác đang theo học các lớp trung cấp, cao đẳng. Trong khi đó, có 6 cháu do không có khả năng đến trường nên ông cho đi học tại những trường nghề. Giờ đây các cháu có thể tự làm nuôi bản thân, tự lo chi tiêu hàng ngày.

Góc học tập của các cháu. Ảnh: SỸ HÒA.

Nhiều cháu chăm chỉ học tập và đạt thành tích tốt. Ảnh: SỸ HÒA.

Hiện tại, ông Nhật có 600 gốc cà phê và 400 trụ tiêu làm kinh tế nuôi. Ông bảo, nhờ các cá nhân, tổ chức hảo tâm gần xa biết đến chung tay giúp đỡ và cả nguồn thu nhập từ làm rẫy của mình nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Bữa sáng của các cháu chủ yếu vẫn là mì tôm, cơm ngày 2 bữa chính chỉ có món canh.

“Tôi hy vọng rằng, sau này các con lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội và biết quý trọng tình cảm. Tôi cũng mong muốn những bậc làm cha làm mẹ hãy biết yêu quý những đứa con mà mình khó nhọc sinh ra. Mặc dù những đứa trẻ khiếm khuyết nhưng cũng là một sinh linh cần được che chở, bảo bọc. Bên ngoài kia có rất nhiều người muốn có con mà không được nên những ai được trời ban cho thì hãy cố gắng trân trọng”, ông Nhật bộc bạch.

Bữa chính của các cháu chỉ có cơm và nồi canh lõng bõng toàn nước. Ảnh: SỸ HÒA.

Ông Nguyễn Văn Đương - Chủ tịch UBND xã Ia H’Lốp xác nhận hiện nay ông Nhật đang nhận nuôi hơn 100 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nhờ ông Nhật mà khi lớn lên các cháu đều được đến trường đi học, một số cháu giờ đã có công việc ổn định. Nhận thấy việc làm của ông Nhật có ích cho xã hội nên chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ về những thủ tục hành chính; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ các cháu.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nguoi-dan-ong-co-102-dua-con-o-gia-lai-152966.html