Người đàn ông đặc biệt chuyên lo hậu sự cho người nghèo

Mồng Một Tết Nguyên đán, đang chuẩn bị cúng gia tiên, ông nhận được lời kêu cứu của một người phụ nữ có chồng qua đời, nhưng không có tiền để tổ chức tang lễ. Nghe vậy, ông liền bỏ hết công việc, làm thùng quyên góp, đặt ở ngã ba đường để xin tiền của những người hảo tâm, mua quan tài cho người chết. Rồi, ông cùng mọi người đưa thi hài người chết về quê an táng…

“Ông Bụt” của người khốn khổ

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), ông Trần Thạch (52 tuổi) quá quen với những cảnh khốn cùng. Ông may mắn hơn những bạn cùng trang lứa, khi được gia đình động viên, tạo điều kiện để học tiếp.

Ông thi đậu ngành dược tại một trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Ra trường, ông về công tác tại một kho dược. Trong thời gian công tác ở ngành y, ông đã gặp rất nhiều trường hợp nghèo khó đến mức không có tiền để chữa trị. Thậm chí, có bệnh nhân phải chấp nhận về nhà chờ chết.

Ông Thạch (bên trái) cùng mẹ con bà Chước.

Ông trăn trở, suy nghĩ tìm cách giúp đỡ những trường hợp khó khăn này. Nhưng, với “sức hèn bé mọn”, ông không thể cưu mang được hết. Năm 1990, ông chuyển sang công tác tại trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng). Ở đây, ông luôn thân thiện, trò chuyện, sâu sát với các học viên. Ông động viên, tạo điều kiện cho những em khó khăn được đến trường. Thậm chí, có những trường hợp gia đình quá “hoàn cảnh”, ông lại vận động người thân, bạn bè, chòm xóm... đóng góp để giúp đỡ.

Ông kể, nơi ông ở là một trong những phường nghèo của quận Thanh Khê. Tại các khu dân cư cũng có những hộ đặc biệt nghèo lâm vào hoàn cảnh ốm đau, hoạn nạn, trẻ em khuyết tật bẩm sinh, suy tim, bại não...; những người phụ nữ nghèo mắc bệnh nan y không đủ tiền chạy chữa bệnh tật; những hộ gia đình có người thân qua đời, lại lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. “Không hiểu tại sao mà các hộ nghèo luôn đồng hành cùng ốm đau, rủi ro và bệnh tật. Tôi luôn trăn trở để tìm cách giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần, để họ vơi đi nỗi đau, nỗi cực nhọc...”, ông trăn trở.

Tại địa phương, nhà ông trở thành địa chỉ quen thuộc của những trường hợp nghèo khó. Gia đình nào gặp vấn đề là lại tìm đến ông để được giúp đỡ. Người dân gọi đùa ông là “ông Bụt của người nghèo”. Năm 2010, ông được bầu làm Chủ tịch hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê). Mặc dù không có chế độ phụ cấp, nhưng từ khi có “danh phận”, ông lại nhiệt huyết hơn với công việc thiện nguyện.

Những đám tang đặc biệt

Trong quá trình tìm hiểu về ông Thạch, chúng tôi bất ngờ khi người dân địa phương gọi ông là “người chuyên làm tang ma cho người nghèo”. Khi được hỏi về vấn đề này, ông thở dài: “Sau hàng chục năm giải phóng đất nước nói chung, TP.Đà Nẵng nói riêng đang ngày càng thay da đổi thịt. Cứ ngỡ tất cả người dân đều đã được cơm no, áo ấm nhưng thực tế không phải vậy. Đâu đó vẫn có những trường hợp thật sự thương tâm, đến mức, khi qua đời, họ không có nổi một chiếc quan tài để chôn”.

Ông nhớ, gia đình ông Hoàng Thanh Chương (tổ dân phố 74, phường Thanh Khê Tây) là trường hợp khó khăn đặc biệt. Năm 2010, vợ ông Chương bị ung thư qua đời, để lại ba đứa con thơ. Không có bà con tại Đà Nẵng, không một cắc dính túi, ông Chương đành cầu viện đến ông Thạch. Cuối cùng, lễ tang được hàng xóm, chính quyền chung tay lo giúp.

Nước mắt khóc vợ chưa kịp khô, ông Chương phải đi làm thợ nề, lượm ve chai để nuôi các con. Không đủ sức nuôi dưỡng, người cha đành nghẹn đắng gửi hai cậu con lớn vào trung tâm Bảo trợ. Người ở chợ thương tình, mỗi khi thấy ông Chương là lại dúi cho nhiều thứ. Một ngày cuối tháng 10/2013, ông Chương đi chợ, được cho một ít lòng cá. Hôm ấy, cậu con trai thứ hai về thăm nên ông nấu cháo để cả nhà làm bữa tiệc liên hoan.

Khoảng 2h sáng, ông Chương cùng hai đứa con đau bụng dữ dội, nôn mửa, lên cơn co giật. Một người con vội chạy sang nhà hàng xóm kêu giúp đỡ. Khi người dân sang, ông Chương đã tử vong. Riêng hai đứa con bị ngộ độc thức ăn được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ông Thạch đã đặt thùng quyên góp để làm tang ma cho ông Chương. Ngoài ra, ông cùng anh em trong hội kêu gọi nhiều nơi để giúp đỡ các con của ông Chương.

Số tiền vận động được dùng để tổ chức tốt việc ma chay đúng với tập quán địa phương, đưa thi thể ông Chương về quê ở Nghệ An. Trừ chi phí mai táng còn thừa 300 triệu đồng, ông Thạch cùng địa phương bàn giao cho dì của các con ông Chương, làm ba sổ tiết kiệm cho ba cháu. Đến nay, cháu lớn đã đi làm. Cháu thứ hai vẫn còn ở trung tâm Bảo trợ. Riêng cháu út ở với người dì.

Năm 2011, bà Hồ Thị Minh Nguyệt (phường Thanh Khê Tây) qua đời do bệnh tật. Ba người con của bà có hoàn cảnh khó khăn, nên nhờ đến ông Thạch. Ông đi từng nhà, kêu gọi mọi người giúp đỡ mua quan tài, kinh phí để làm tang ma. Hai năm sau, con trai của bà Nguyệt là anh Lê Văn Lực trong lúc uống rượu ở Hòa Khánh cũng qua đời. Một lần nữa, người thân của bà Nguyệt lại tìm đến nhờ giúp đỡ. Lần này, ông xin được quan tài của một tổ chức tôn giáo và 4,4 triệu đồng để hoàn thành ma chay cho người quá cố.

Ngày Tết đặc biệt

Đến nay, ông Thạch đã đi xin tiền, làm tang ma cho cả chục trường hợp đặc biệt như thế. Tuy nhiên, trường hợp của ông Nguyễn Đức Sáu (phường Thanh Khê Tây) là đặc biệt hơn cả. Gia đình ông Sáu có bốn người, sống dựa vào quầy cà phê rong của vợ. Ông bị tật nguyền, ngồi xe lăn hàng chục năm. Hai cô con gái của ông thất nghiệp.

Mồng Một Tết Nguyên đán năm 2011, ông Thạch đang chuẩn bị cơm cúng tổ tiên thì vợ ông Sáu là bà Nguyễn Thị Chước (62 tuổi) nước mắt giàn giụa chạy sang. “Chồng tôi mất rồi mà trong nhà không có một đồng. Ông giúp tôi với”, bà cầu cứu. Vừa nghe tin, ông Thạch liền thắp hương gia tiên rồi đến nhà ông Sáu.

“Ngày thường, xin tiền đã khó thì Tết lại càng khó hơn. Bởi, đầu năm, người dân Việt Nam vẫn thường kỵ chết chóc. Mà người chết không thể chờ được. Do đó, tôi cứ suy nghĩ mãi phải làm cách nào. Sau cùng, tôi bàn với một số anh em trong hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em làm thùng quyên góp để ngay ngã ba đường, nếu có ai đi qua thì giúp đỡ”, ông nhớ lại.

Chiếc thùng quyên góp được làm bằng các-tông, đặt từ trưa ngay ngã ba. Nhiều người dân đi chúc Tết ngang qua, biết hoàn cảnh đáng thương của người quá cố liền ủng hộ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Ông ấn tượng nhất là những trẻ nhỏ. Nhiều em đi chơi, thấy chiếc thùng liền bỏ hết tất cả số tiền được lì xì để giúp đỡ.

Đến 16h vẫn không đủ tiền mua quan tài, bí bách quá, ông Thạch gặp ai cũng xin. Người dân thấy sự nhiệt thành với công việc “có một không hai” nên cũng mủi lòng. Đến 17h, ông đã xin đủ tiền mua áo quan và thêm ba chiếc xe đồng ý chở đi mai táng. Mùa Tết năm ấy, ông Thạch ở bên đám tang của ông Sáu, chỉ về nhà mỗi khi đến giờ cúng cơm cho tổ tiên. Mồng 4, thi hài người quá cố được đưa về tỉnh Quảng Nam chôn cất.

Vào những ngày cuối năm 2015, chúng tôi được ông Thạch dẫn đến nhà bà Chước. Bà tay bắt mặt mừng khi gặp lại ân nhân. Kể về chuyện đã qua, bà nghẹn đắng: “Chồng tôi mất vào ngày mồng Một Tết. Đầu năm, chẳng biết phải nhờ vả, bám víu vào ai. Cuối cùng, tôi đành đến nhờ ông Thạch. May sao, ông giúp đỡ, làm tang ma và đưa thi thể chồng tôi về quê. Cái ơn ấy, suốt đời tôi cũng không quên”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn được thắp nén nhang lên bàn thờ ông Sáu, bà Chước ái ngại: “Ông ấy được thờ ở trên gác lửng. Mấy hôm nay mưa hơi nhiều, gỗ sàn ẩm ướt, chỉ cần đặt chân lên là sẽ sập. Thôi thì anh chị cho gia đình nhận tấm thịnh tình, còn việc thắp hương hẹn lần sau”.

Giúp đỡ rất nhiều người nghèo

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP.Đà Nẵng cho biết, ông Thạch là một thành viên tích cực của Hội. Ông giúp đỡ rất nhiều người nghèo và đặc biệt là quyên góp làm tang ma cho những trường hợp quá khó khăn. Với hành trình thiện nguyện ấy, ông Thạch nhận được nhiều bằng khen của Hội, phường, quận, UBND TP.Đà Nẵng…

HUY CƯỜNG

Xem thêm video Tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/nguoi-dan-ong-dac-biet-chuyen-lo-hau-su-cho-nguoi-ngheo-a128888.html