Người đàn ông Hà Nội nguy kịch vì uống nhầm 1 cốc nước rửa bát

Ông Cường uống nhầm 250ml nước rửa bát, sau đó đau họng, khó thở tăng dần buộc bác sĩ phải mở nội khí quản cấp cứu.

Gia đình cho biết, ông Nguyễn Văn Cường, 78 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội có tiền sử bị sa sút trí tuệ do tuổi già, ngoài ra không có bệnh lý mạn tính hô hấp, tim mạch.

Đầu năm mới, ông Cường uống nhầm khoảng 250ml nước rửa bát Sunlight, sau đó xuất hiện thở khò khè, đau họng, nuốt đau tăng, tăng tiết đờm dãi nhiều, nói giọng ngậm hột thị, kèm theo sốt 38 độ, gia đình cho ở nhà tự theo dõi

Tuy nhiên sau 24 giờ, bệnh nhân rơi vào trạng thái khó thở dữ dội, được gia đình đưa vào BV TƯ Quân đội 108 cấp cứu.

Bệnh nhân được tái khám trước khi xuất viện

BS Nguyễn Việt Hưng, khoa Tai- Mũi – Họng, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, ngoài khó thở thanh quản độ 2, bệnh nhân tiếp xúc chậm, kích thích, vật vã nhiều, nhịp thở nhanh 25 lần/phút, sp02 90%, có xu hướng tụt, sau tụt xuống còn 75-80%. Nội soi tai mũi họng thấy phù nề vùng sụn nắp thanh môn, có hình ảnh “mõm cá mè”, phù nề toàn bộ vùng thanh môn, hạ họng ứ đọng rất nhiều dịch mủ đặc.

“Bệnh nhân khó thở rất cấp tính, tiên lượng rất nặng, thể trạng yếu trong khi toàn thân lại nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng nên chúng tôi phải thực hiện mổ khí quản cấp cứu ngay trong đêm, đảm bảo chức năng hô hấp”, BS Hưng thông tin.

Sau mổ, quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân có nhiều bệnh phức tạp, phải kết hợp nhiều chuyên khoa, kết hợp giữa điều trị toàn thân và tại chỗ.

Hiện tại, sau 17 ngày điều trị tích cực, nội soi kiểm tra lại vùng hạ họng thanh quản đã hết nhiễm trùng, bệnh nhân được rút ống mở khí quản, có thể thở tự nhiên, ăn uống tốt.

Theo BS Hưng, viêm phù nề thanh quản cấp tính là một cấp cứu nặng, có thể tiến triển nhanh dẫn tới tắc nghẽn đường thở gây tử vong nếu không được can thiệp kiểm soát đường thở kịp thời, đặc biệt là ở những bệnh nhân tuổi cao, trẻ nhỏ, bị bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Để phòng tránh người dân cần thường xuyên vệ sinh tốt vùng mũi họng, tránh ăn các đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, với trẻ nhỏ, người già bị lú lẫn cần chú ý không để ăn, nuốt nhầm các dung dịch, hóa chất sẵn có trong nhà, nếu không may để sự cố xảy ra cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/nguoi-dan-ong-ha-noi-nguy-kich-vi-uong-nham-1-coc-nuoc-rua-bat-610849.html