Người đàn ông Venezuela đi bộ xuyên Nam Mỹ với một chiếc chân giả

Đi bộ xuyên Nam Mỹ với một chiếc chân giả, Aranda muốn truyền cảm hứng sống cho con gái của mình và những người dân Venezuela đang trong cơn bĩ cực.

Một người đàn ông Venezuela sau khi mất một chân do tai nạn giao thông đã thực hiện một chuyến đi bộ “không tưởng” xuyên Nam Mỹ với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho cô con gái và mọi người biết sống với ước mơ bất chấp hoạn nạn, khó khăn.

Yeslie Aranda đã rời thành phố quê hương San Cristobal của mình vào mùa hè năm nay với hành trang là một chiếc túi ngủ, một chiếc ba lô và một chiếc chân giả bằng nhôm.

Cựu tài xế xe buýt này chỉ có vẻn vẹn 30 USD trong túi bởi số tiền mà anh dành dụm được đã “bốc hơi” do tình trạng siêu lạm phát ngoài tầm kiểm soát tại Venezuela. Song Aranda đang hy vọng sẽ đi bộ đến tận dải đất miền Nam Argentina, một chặng đường dài 10.000 km có thể mất trên một năm. Sau đó anh sẽ đi bộ để trở về nhà.

Truyền cảm hứng sống cho cô con gái Paola

Vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trên đường quốc lộ khi một tài xế xe tải do mất lái đã đâm trực diện vào chiếc xe buýt hai tầng của Aranda. Anh và cô con gái của mình đã mất nhiều tuần điều trị trong bệnh viên.

“Sau vụ tai nạn này, tôi rơi vào tình trạng bất tỉnh gần 15 ngày. Khi thức giấc, tôi sờ vào chân của mình và nhận thấy nó không còn đó, cái chân mà tôi luôn hàm ơn nhờ có nó tôi có thể làm việc và cống hiến trong 51 năm qua”, Aranda kể lại.

Vào ngày thứ 44 sau vụ đâm xe, Paola nhận được hung tin rằng chiếc chân trái của cô có thể bị cắt cụt.

Aranda nhớ lại: “Điều đó thật nặng nề đối với con gái tôi. Song tôi luôn cố gắng vực tinh thần cháu dậy và nói rằng chúng ta giống như chiếc thuyền buồm cần tiến lên phía trước thậm chí khi gió đổi chiều.”

Khi vết thương lành, Aranda bắt đầu đi bộ với chiếc nạng của mình đến các miếu thờ trên núi trong thành phố San Cristobal. Điều đó đã giúp anh làm quen với cuộc sống sau tai nạn và trở thành nguồn động viên cho cô con gái Paola và thỉnh thoảng Paola đi cùng bố trên chiếc xe lăn của mình.

Trong những cuộc dã ngoại như vậy, Aranda cũng bắt đầu nhận thấy rằng gương mặt một số người trở nên rạng rỡ khi nhìn thấy anh cố ráng sức leo núi.

“Người ta nhìn tôi và nghĩ 'Cái gã khùng này đang làm gì vậy?' Tôi nghĩ việc họ thấy tôi đã cho họ một cách nhìn nhận khác đi về những vấn đề của chính mình”, Aranda nói.

Sau khi được lắp chân giả, Aranda bắt đầu ấp ủ một ước mơ lớn. Và năm ngoái, anh bắt đầu lập kế hoạch đi bộ xuyên Nam Mỹ và tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào có thể của các công ty địa phương. Một công ty sản xuất giầy đã tặng anh một vài đôi giầy thể thao. Một công ty chuyên cung cấp các bộ phận l ắp giả đã hỗ trợ cho Aranda “chiếc chân” nhôm.

Lòng tốt ở trên đường

Vào ngày 28/6, Aranda đã khởi hành đến thành phố Cucuta giáp biên giới Colombia và tại đây, người cháu họ của Aranda nói với anh rằng lưng của anh có thể sẽ bị hỏng nếu mang vác toàn bộ hành lý bằng ba lô suốt chặng đường dài.

Với sự giúp đỡ của một tiệm sửa xe máy địa phương, Aranda và người cháu của mình đã chế tạo ra một chiếc xe đẩy hai bánh mà hiện tại anh đang dùng để kéo đồ trên những con đường gồ ghề ở Nam Mỹ. Anh gọi chiếc xe đẩy này là “cứu tinh” vì luôn đồng hành với anh trên mọi chặng đường.

“Hiện nay tôi đang mường tượng mình đang đứng chụp ảnh tại Ushuaina (Argentina) dưới một biển hiệu có dòng chữ “Chào mừng bạn đến nơi tận cùng của thế giới”, Aranda bộc bạch. Kinh nghiệm chu du nước ngoài của anh chỉ là một năm làm việc ở hòn đảo Canary. Anh ta không bao giờ thực sự có nhiều tiền để đi du lịch và bây giờ cũng vậy.

“Song thực chất tôi là một người thích phiêu lưu, mạo hiểm và tôi sẵn sàng chịu đựng tất cả mọi thứ miễn sao tôi có thể đến đích mình mong muốn”, Aranda trải lòng.

Tính cho đến nay, Aranda đã vượt qua chặng đường khoảng 900 km từ thành phố quê hương của mình ở Venezuela đến thành phố Medelin ở Colombia. Ở đó anh sẽ gặp một kỹ sư, người sẽ giúp anh chỉnh sửa chiếc chân giả của mình miễn phí.

Người đàn ông Venezuela này cho biết anh đã gặp được rất nhiều người tốt trên chặng đường mình đi. Những người anh gặp trên đường đã cho anh từ chiếc áo ấm để chống chọi lại thời tiết lạnh giá, cái ăn và lều trại khi anh không tìm thấy chỗ ngủ.

Điều sẽ còn đọng lại

Trên hành trình dài của mình, Aranda đã phải ngủ ở các trạm bơm xăng và bến xe buýt. Song anh cũng được nhiều người ấn tượng trước cuộc hành trình không tưởng đối với anh cho ở nhờ.

Trên con đường ven Pamplona, một thị trấn sầm uất của Comlombia nằm cao hơn mực nước biển gần 3000 m, Aranda được một người nông dân cho anh ở nhờ để tránh cái lạnh băng giá.

Ở thủ đô Bogota (Colombia), một nữ doanh nhân cảm thông với ý nghĩa chuyến đi của anh của anh đã trả tiền nhà trọ cho anh.

Người quản lý nhà trọ Oscar Ragua nói: “Tôi nghĩ với những hạn chế về thể lực những gì anh ta đang làm thật đáng khâm phục. Đó còn là một cách tuyệt vời để lưu lại cho con cháu và tiếp tục sống trong những câu chuyện mọi người sẽ kể về anh ta.”

Có những đêm trên những con đường miền núi giá lạnh, Aranda đồng hành với những người dân Venezuela đi biệt xứ vì khủng hoảng kinh tế trong nước với bàn tay trắng trong tay.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trên 1,6 triệu người dân Venezuela đã rời khỏi đất nước của mình kể từ năm 2015 và hầu hết các trường hợp là qua nước láng giềng Colombia.

“Thật đáng buồn với tình cảnh ở đất nước của chúng tôi hiện nay. Song khi gặp những người biệt xứ này trên đường, tôi khuyên họ hãy lên kế hoạch của mình cho tương lai và hãy cố gắng với cơ hội mới mà cuộc sống đem lại.”

Hiện tại, Aranda không có ý định đi di cư. Anh muốn quay trở về với gia đình của mình ở Venezuela sau hai tới ba năm nữa để chia sẻ những trải nghiệm của mình và có thể viết sách về chuyến chu du xuyên Nam Mỹ bằng “một chân” của mình.

“Tôi nghĩ chuyến đi này sẽ cho tôi đủ chất liệu để viết sách. Tôi muốn làm việc gì có ý nghĩa và để lại ký ức đáng nhớ cho con cháu mình”./.

CTV Xuân Hương/VOV.VNTheo DW

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/nguoi-dan-ong-venezuela-di-bo-xuyen-nam-my-voi-mot-chiec-chan-gia-804218.vov