Người dân phương Nam thành kính hướng về Quốc Giỗ

Sáng 18/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thể hiện truyền thống, đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn dân hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024.

Buổi lễ diễn ra với các nội dung gồm: màn tấu chiêng Êđê của đội chiêng buôn Kǒ Siêr (thành phố Buôn Ma Thuột); đánh chiêng, đánh trống khai Lễ; Đội tế Nữ quan thực hiện nghi thức Tế truyền thống; dâng hương, dâng hoa và phẩm vật tưởng nhớ các Vua Hùng; báo công và chúc văn ôn lại lịch sử hào hùng của các vị Vua Hùng thời dựng nước, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong không khí thành kính, thiêng liêng, hướng về nguồn cội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân 49 dân tộc trong tỉnh báo công lên các Vua Hùng những thành tựu tỉnh đã đạt được trong năm 2023.

Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song với sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được duy trì và phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá so sánh năm 2010) đạt hơn 60.792 tỷ đồng, tăng 4,39% so với năm 2022. Những kết quả đạt được là quá trình nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong tỉnh và sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Điểm mới trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tại tỉnh Đắk Lắk là hoạt động gói bánh chưng, giã bánh giày được chính các nghệ nhân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện để dâng cúng các Vua Hùng và Lễ Tiên thường (Lễ cáo thần).

Người dân về Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau), thành kính tưởng nhớ, tri ân các vị Vua Hùng. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

* Cùng với cả nước hướng về cội nguồn dân tộc, ngày 18/4 (nhằm ngày mùng 10/3 âm lịch), tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, tại Đền thờ Vua Hùng, ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình.

Trong không khí thiêng liêng của ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Đảng bộ, chính quyền cùng đông đảo từ khắp nơi hội tụ về vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc tri ân công đức các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân đã khơi mạch nguồn dân tộc, đặt nền móng cho sự phát triển trường tồn của đất nước Việt Nam.

Nghi thức phần Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức theo đúng truyền thống văn hóa dân tộc, trang trọng với các phần dâng hương, dâng lễ vật; phát biểu tri ân các vị Vua Hùng; Chúc văn và nghi thức đánh trống khai lễ.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt thành kính, nguyện tiếp nối truyền thống tiên rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt hơn, đổi mới, sáng tạo hơn, xây dựng đô thị và nông thôn Cà Mau ngày càng văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ra sức phát huy tiềm năng, lợi thế và tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

“Đảng bộ và chính quyền các cấp đẩy mạnh phát triển sản xuất; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách; quan tâm phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường; quốc phòng, an ninh; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng lên; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các dân tộc anh em và trong cộng đồng dân cư ngày càng gắn kết bền chặt. Các giá trị văn hóa truyền thống, các đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc được giữ gìn, phát huy”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt khẳng định.

Nhân ngày Giỗ Tổ, tỉnh Cà Mau trân trọng nhận được lễ vật từ tỉnh Phú Thọ - vùng đất Tổ thiêng liêng và được cung thỉnh dâng lên Vua Hùng, cùng bày tỏ tấm lòng tri ân, luôn hướng về nguồn cội của các thế hệ con cháu mang dòng máu Lạc Hồng.

Đại biểu tỉnh Kiên Giang dâng hoa và dâng lễ vật tại Đền thời Quốc Tổ Hùng Vương tại Tân Hiệp. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

* Sáng 18/4 (nhằm ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp), tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương, nhằm bày tỏ lòng thành kính, tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, thay mặt Ban Tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp Lê Trường Kế, đọc chúc văn khẳng định, ý nghĩa quan trọng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Hoạt động nhằm khắc ghi công đức, công lao to lớn của các Vua Hùng buổi đầu dựng nước, các bậc tiền nhân, với tinh thần quật khởi, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.

Chúc văn cũng thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, nêu bật tinh thần yêu nước, khẳng định các thế hệ con cháu Lạc Hồng luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không ngừng ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng dòng dõi con rồng cháu tiên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp cho hay, “Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tân Hiệp luôn đoàn kết, thống nhất, xây dựng và phát triển huyện Tân Hiệp, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong năm 2023, tỉnh thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội so với kế hoạch. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên, công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm. Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, kịp thời chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Sau phần trống khai lễ, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng đại biểu và đông đảo nhân dân thành kính dâng hương, hoa, lễ vật, tri ân, tưởng niệm công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân, cầu mong đức Quốc Tổ phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, đời sống “con Lạc - cháu Hồng” sung túc, an vui, hạnh phúc.

Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (Kiên Giang) là Đền thờ Vua Hùng đầu tiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng từ năm 1957, do người dân tự nguyện đóng góp vào xây dựng để thờ cúng các vị Vua Hùng, nhớ về Tổ tiên. Từ khi được thành lập ngôi đền luôn được Nhân dân giữ gìn bảo vệ, tôn tạo. Đến năm 2004, ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ngày nay ngôi đền được trùng tu, tôn tạo khang trang để mọi người đến kính viếng, tỏ lòng thành kính, tri ơn công được các Vua Hùng đã có công dựng nước để chúng ta có một nước Việt Nam tươi đẹp, nhân dân sống trong tự do, hòa bình, ấm no, hạnh phúc. “Là người con của huyện Tân Hiệp, tôi luôn tự hào khi các bậc tiền nhân đã xây dựng Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương để các thế hệ sau đến dâng hương tri ân. Qua đó, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở mọi người tinh thần đoàn kết, yêu thương và tương trợ nhau trong cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Tám (thị trấn Tân Hiệp) chia sẻ.

Bà Trần Thị Lan (78 tuổi, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá) cho biết, từ 5 giờ, gia đình hơn chục người gồm các con, cháu thuê xe đến tham dự lễ giỗ tổ Vua Hùng và đây là hoạt động gia đình bà không thể bỏ qua trong mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. “Năm nào cũng vậy, gần đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương là tôi nhắc nhở các con, cháu sắp xếp công việc và nấu xôi, mua trái cây, hoa để đến đây dâng hoa, dâng hương, phần là vì tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến các Vua Hùng, đồng thời qua đây giáo dục con cháu truyền thống hào hùng, tinh thần đoàn kết dân tộc”, bà Lan bày tỏ.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

* Ngày 18/4, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trọng thể tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Nhà thờ Hùng Vương, Bảo tàng tỉnh.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn nhớ về nguồn cội, về nghĩa đồng bào để kế tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Ngày nay, công cuộc xây dựng Đảng thành công trong đổi mới tư duy, người dân phấn khởi cùng dựng xây kinh tế. Địa phương đang trên đà phát triển. Tuy thời cơ thuận lợi nhiều nhưng vẫn còn gian nan, thử thách. Xác định giao lưu quốc tế và hôi nhập toàn cầu là xu thế, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục mạnh dạn mở đường cùng toàn dân trong tỉnh phát huy ý chí, tinh thần sáng tạo và truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái để đánh thức tiềm năng và triển vọng của quê hương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long quyết tâm đoàn kết mang đến cuộc sống ấm no, tiến nhanh hơn nữa trong công cuộc xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Bên cạnh phần nghi thức dâng hương, trong khuôn khổ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn có các hoạt động như: Triển lãm chuyên đề “Thời kỳ Hùng Vương qua tư liệu hình ảnh” với trên 100 tư liệu, hình ảnh; trưng bày, giới thiệu sách chủ đề "Lễ hội Hùng Vương - Cội nguồn dân tộc"; thực hành truyền dạy gói bánh chưng và làm bánh giày; giao lưu đờn ca tài tử... với sự tham gia của đông đảo đoàn viên, hội viên, người dân và sinh viên, học sinh.

Cùng các đại biểu tham gia hoạt động thực hành truyền dạy gói bánh chưng và làm bánh giày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, đây là một hoạt động ý nghĩa, nhằm khơi lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính, tri ân của người dân Vĩnh Long đối với công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, đặc biệt là bảo tồn và phát huy truyền thuyết về bánh chưng, bánh giày để dâng lên vua Hùng. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức lao động học tập, góp phần phát triển quê hương của mỗi người dân tỉnh Vĩnh Long./.

Theo TTXVN

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nguoi-dan-phuong-nam-thanh-kinh-huong-ve-quoc-gio-663415.html