Người dân thiệt hại nặng do thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai

Người dân sống ven quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bị thiệt hại nặng do việc thi công quốc lộ 19 gây ra.

Nhiều tháng nay, đời sống của hàng trăm gia đình ven quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bị đảo lộn. Mỗi khi có mưa lớn, nước chảy tràn vào các ngôi nhà ven đường, gây hư hỏng tài sản. Trong khi đó, việc lưu thông qua đoạn đường rất khó khăn, nguy hiểm.

Theo nhiều người dân, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc thi công quốc lộ 19 không đảm bảo, có nhiều bất hợp lý. Đoạn đường này thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trên quốc lộ 19, đoạn qua tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý dự án 2 (Ban 2 thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Người dân bị thiệt hại nặng do làm đường

Theo ông Đan, Chủ tịch UBND xã K’Dang, huyện Đắk Đoa, nhiều tháng nay, quốc lộ 19 đoạn qua địa phương này hễ mưa là ngập, nước cuốn trôi hư hỏng nhiều tài sản, hoa màu của người dân.

Thống kê có 38 hộ bị ảnh hưởng nặng, chưa được đền bù. "Mùa thu hoạch nông sản bắt đầu mà đường họ đào sâu quá, ảnh hưởng rất nhiều đến đi lại của người dân”- ông Đan nói.

Nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị thiệt hại nặng. Ảnh: LK.

Nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị thiệt hại nặng. Ảnh: LK.

Theo phản ánh của người dân, nước từ đường thi công cuốn vào nhà, làm nhiều gia đình bị thiệt hại nặng. Hộ ông Mai Tiến Vũ bị đất đá tràn vào nhà, hư máy giặt, tủ lạnh, máy sấy.

Hộ bà Lê Thị Mỹ bị lốc 300 gốc cà phê, 20 gốc hồ tiêu, hỏng 30 mét tường, trôi xe máy, hỏng máy giặt. Hộ ông Phó Đức Toàn bị trôi 4,5 tạ bắp, lốc 150 gốc cà phê, 10 cây sầu riêng, bơ… Ngoài ra, nhiều diện tích lúa của người dân dọc hai bên đường cũng bị bùn vùi lấp.

Bà Phạm Thị Kim Quyên (ở thôn Cây Điệp, xã K’Dang), bức xúc: “Từ khi quốc lộ 19 thi công đến nay, nhà tôi nhiều lần mất ăn, mất ngủ. Gia đình tôi đắp đất, chắn bao cát cao trước nhà nhưng vẫn bị nước cuốn trôi thẳng vào nhà gây hư hỏng tủ lạnh, máy giặt, cây trồng”.

Tương tự, ông Phan Xuân Tươi (ở thôn Cầu Vàng) phản ánh: “Họ thi công, đào tràn lan hai bên đường, khi gặp mưa nước chảy khoét sâu không đi lại được. Hễ mưa xuống là tôi lại ra bắt cầu để đi. Năm sáu tháng nay, dân ở đây khổ lắm!"

Người dân phải tự đắp đất chắn trước cổng nhà để ngăn chặn bùn đất vào nhà. Ảnh: LK.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, cũng nói việc thi công quốc lộ 19 đoạn qua địa phương này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, gây nguy hiểm đối với người đi đường. Đơn vị thi công đổ đất lấp lối thoát nước, khiến ngập cả đoạn đường. Chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh nhưng vẫn chưa khắc phục.

Người dân lo nhất là việc thi công đào hai bên đường quá sâu khiến việc đi lại, nhất là ô tô, cơ giới gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mùa thu hoạch cà phê đang bắt đầu nhưng người dân không thể đưa nông sản về nhà.

Đoạn đường bị đào sâu trở thành "bẫy" nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: TH.

Yêu cầu khắc phục, bồi thường

Mới đây UBND tỉnh Gia Lai có công văn đề nghị Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, có biện pháp thi công phù hợp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn giao thông.

Cục Quản lý đường bộ III phối hợp với Sở GTVT Gia Lai kiểm tra quốc lộ 19, ghi nhận việc thi công đào khuôn đường đã lâu nhưng không hoàn trả kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đoạn quốc lộ 19 qua xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa bị ngập. Ảnh: VP.

Theo Cục Quản lý đường bộ III, mặc dù đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản và đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu nhưng công tác chỉ đạo của Ban 2 với các đơn vị thi công vẫn thực hiện không đạt, nguy cơ mất ATGT, ùn tắc giao thông.

Cục Quản lý đường bộ III yêu cầu Ban 2 chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục các tồn tại. Trường hợp Ban 2 không quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công sửa chữa khắc phục, Cục sẽ thu hồi giấy phép thi công đã cấp. Đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm của Ban 2.

Trao đổi với PLO, đại diện Ban 2 tại Gia Lai nói đã yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công. Tình trạng nước mưa tràn vào nhà người dân, các đơn vị thi công phải có trách nhiệm khơi dòng, tránh ảnh hưởng đến người dân.

"Nếu đơn vị nào làm ảnh hưởng tài sản của người dân thì phải thực hiện đền bù, nếu chây ì không đền bù thì Ban sẽ giữ lại một khoản tiền của đơn vị để chi trả cho dân"- đại diện Ban 2 nói.

Đại diện Ban 2 thừa nhận quá trình thi công gặp mưa nên có tình trạng nước tràn vào nhà người dân trên địa bàn huyện Đắk Đoa. Tuy nhiên, đại diện Ban 2 cho rằng đây không phải lỗi của riêng nhà thầu mà một phần do nước từ rừng cao su ra quốc lộ (!?)

Đại diện Ban 2 cho rằng, nước tràn ra đường không phải lỗi riêng nhà thầu. Ảnh: LK.

Trước ý kiến của đại diện Ban 2 cho rằng nước chảy ra từ rừng cao su trái phép, ông Đan, Chủ tịch UBND xã K'Dang bác bỏ: "Đại diện Ban 2 nói như vậy là không đúng. Trước khi thi công quốc lộ 19, trên địa bàn có xảy ra nước cuốn như thế này đâu! Do các đơn vị thi công móc cống, đổ đất bít mương nước khiến nước chảy thằng vào nhà dân".

Đại diện UBND xã Tân Bình cũng bác bỏ ý kiến của đại diện Ban 2 và yêu cầu các đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Hiện các đơn vị thi công đang tiến hành đắp đất hai bên đường cho người dân đi lại thuận tiện. Đơn vị bảo hiểm đang thống kê thiệt hại đền bù cho người dân.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-thiet-hai-nang-do-thi-cong-quoc-lo-19-doan-qua-tinh-gia-lai-post704026.html