Người dân Thủ Thiêm mong muốn sớm giải quyết dứt điểm vụ việc

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Đoàn ĐBQH sẽ xin ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lập đoàn giám sát riêng về dự án Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm để góp phần sớm giải quyết dứt điểm khiếu kiện của người dân.

Ông Lê Văn Lung, cùng hàng chục hộ dân khiếu nại ròng rã 10 năm qua, mong muốn sự việc sớm kết thúc. Ảnh: KIỀU PHONG

Lãnh đạo TPHCM tiếp cận “bản đồ thất lạc”

Theo một nguồn tin của phóng viên, chiều tối 8-5, một lãnh đạo UBND TPHCM đã trực tiếp đến nhà của nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh để tìm hiểu về 13 tấm bản đồ quy hoạch 1/5.000 của KĐT mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) mà ông Võ Viết Thanh đã chia sẻ với báo chí. Tối cùng ngày, ông Võ Viết Thanh đã xác nhận với phóng viên về buổi làm việc này, theo đó, đã cung cấp tất cả những tấm bản đồ được lưu giữ lâu nay cho lãnh đạo UBND TP. Đồng thời đề nghị UBND TP rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án KĐT mới Thủ Thiêm. Qua đó, nếu phát hiện có điểm nào chưa phù hợp hoặc sai sót thì sớm có giải pháp khắc phục phù hợp. Trường hợp người dân khiếu kiện không chính xác thì kiên trì giải thích để người dân hiểu.

“Những tấm bản đồ mà tôi lưu giữ đều không có chữ ký của Thủ tướng Chính phủ, bởi không có quy định nào Thủ tướng phải ký vào bản đồ”, nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh nhấn mạnh nhưng cũng khẳng định, trong những tấm bản đồ đó đều có dấu mộc cùng chữ ký là lãnh đạo của các đơn vị liên quan gồm: Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP, Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch 1/5.000 (là Công ty Dịch vụ phát triển ĐT, UDESCO - PV).

Cùng ngày, sau những thông tin nhiều chiều liên quan đến bản đồ quy hoạch 1/5.000 của dự án KĐT mới Thủ Thiêm, phóng viên đã tìm gặp một số hộ dân đang có khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện dự án này. Ông Lê Văn Lung, đại diện một số hộ dân cho rằng, có bản đồ quy hoạch 1/5.000 này cũng không giải quyết được vấn đề. “Điều chúng tôi mong mỏi lúc này là những kiến nghị của chúng tôi được quan tâm, giải quyết thấu đáo để chúng tôi sớm trở lại cuộc sống bình thường”, ông Lung bày tỏ.

Theo ông Lê Văn Lung, 10 năm qua, ông cùng hàng chục hộ dân khác đã khiếu kiện nhiều nơi nhằm đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhưng cũng sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của chính quyền TP và mong muốn sự việc sớm kết thúc. Ông Lê Văn Lung khẳng định, ông cùng vài chục hộ dân khác nằm ngoài ranh quy hoạch thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm (Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, năm 1996). Vì vậy, đề nghị UBND TP hoán đổi phần diện tích đất của những hộ dân còn lại chưa bị cưỡng chế (nằm trên một diện tích khá lớn, da beo) gom về một chỗ tại khu đất trên đường Trần Não (phường Bình An, quận 2) để dự án KĐT mới Thủ Thiêm không bị ảnh hưởng. Nếu không, các hộ dân đề nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.

Kiến nghị lập đoàn giám sát

Chiều 8-5, trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Đoàn ĐBQH TP đang tổng hợp và sẽ trình xin ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân để lập đoàn giám sát riêng về dự án KĐT mới Thủ Thiêm.

Theo ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, lâu nay các ĐB nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại của cử tri liên quan đến quá trình thực hiện dự án này. Chủ yếu người dân phản ánh họ nằm ngoài ranh dự án KĐT mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị giải tỏa, thu hồi đất. Ngoài ra, nhà tái định cư không đáp ứng được các sinh hoạt tối thiểu như an ninh trật tự, điện nước chập chờn, bố trí học hành của con cái họ gặp vấn đề… Vấn đề căng thẳng nhất là chuyện trong ranh - ngoài ranh.

Dự án KĐT mới Thủ Thiêm được triển khai đã lâu. Trong khi đó, số lượng ĐBQH khóa này hầu hết là người mới nên không nắm được sự việc, không rõ đâu là vấn đề cốt lõi. “Mình là ĐBQH ra tiếp cử tri mà ngơ ngơ ngẩn ngẩn là không được”, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê giải thích và cho rằng, việc lập đoàn giám sát là cần thiết. Qua đó, để giúp các ĐBQH tiếp cận với sự việc, xâu chuỗi lại vấn đề rồi có cơ sở giải đáp thông tin cho cử tri.

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ đề xuất trong đoàn có nhiều ĐB có vị trí công tác, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp như thành viên Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế… Qua đó, có thể đánh giá chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã phù hợp chưa, đã được vận dụng tối đa cho người dân bị ảnh hưởng hay chưa. Mặt khác, xem xét trong quá trình thực hiện dự án, UBND quận 2 và Ban quản lý KĐT mới Thủ Thiêm phối hợp tốt và làm hết trách nhiệm hay chưa. Đoàn cũng xem xét việc giải quyết có xuất phát từ cuộc sống, điều kiện của dân, làm hết trách nhiệm chưa. Đồng thời đánh giá có khâu nào thực hiện chưa tốt, chưa phù hợp để có giải pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

“Sự việc đã kéo dài quá lâu, cần có thông tin đầy đủ để giải đáp cho người dân hiểu hết vai trò, trách nhiệm của chính quyền. Đồng thời, đoàn cũng giám sát một cách khách quan và công tâm, nhằm đánh giá nếu có sự việc, thời điểm nào chưa chu đáo thì phải thẳng thắn nhìn nhận và điều chỉnh. Từ kết quả này nhằm tạo sự đồng thuận, giải tỏa dứt điểm khiếu kiện của người dân, tạo thuận lợi cho việc xây dựng TP phát triển”, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

KIỀU PHONG - QUANG HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguoi-dan-thu-thiem-mong-muon-som-giai-quyet-dut-diem-vu-viec-517833.html