Người dân Thủy Trầm thoát nghèo từ nuôi cá chép đỏ

Nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, nhiều hộ gia đình ở Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Tết ông Công ông Táo năm Tân Sửu, giá cá chép đỏ tại bờ khoảng 120 - 150 nghìn/kg, cao gấp đôi năm ngoái.

“Một vốn bốn lời”

Làng Thủy Trầm từ lâu đã được biết đến là “thủ phủ” sản xuất cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng dồi dào, cá chép đỏ Thủy Trầm còn có những ưu điểm vượt trội về giống nên hằng năm cho thu hoạch những lứa cá chất lượng tốt.

Sinh năm 1983, đến nay anh Trần Văn Tiếp đã có 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ. Anh Tiếp chia sẻ, anh học được nghề nuôi cá chép đỏ từ người cha.

Theo anh Tiếp, “so với các loại cây trồng, vật nuôi khác thì nuôi cá chép đỏ có mức đầu tư thấp, công lao động không quá vất vả, nhọc nhằn, chu kỳ sản xuất ngắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.

Anh Trần Văn Tiếp đã có 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ. (Ảnh: KT)

Hiện gia đình anh Trần Văn Tiếp đang nuôi 9 sào ao cá chép đỏ. Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn cuối tháng 9, nhiều ao nước to bị tràn nên sản lượng cá chép đỏ năm nay của Thủy Trầm nói chung và của nhà anh Tiếp không cao.

Giá cá chép đỏ tại bờ hiện khoảng 120-150 nghìn/kg, cao gấp đôi năm ngoái. Dự kiến, sát Tết ông Công ông Táo, giá cá chép đỏ còn tiếp tục tăng. Anh Tiếp cho biết, năm nay, gia đình anh sẽ bán ra thị trường khoảng 3 tấn cá để phục vụ Tết ông Công ông Táo. Hiện cá chép đỏ nhà anh Tiếp đã được các thương lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đặt cọc hết với giá 150 nghìn đồng/kg.

Nghề nuôi cá chép đỏ dù được đánh giá là “một vốn bốn lời” nhưng theo nhiều người dân thôn Thủy Trầm, để có lời, người nuôi cũng cần phải sát sao, bỏ nhiều công chăm sóc.

Tại hộ gia đình nhà ông Hà Công Kỷ (71 tuổi), ngoài nuôi cá chép đỏ cung cấp giống cho thị trường dịp Tết ông Công, ông Táo, ông còn dành 2 sào ao để nuôi cá chép đỏ bố mẹ. Theo ông Kỷ, cá chép đỏ phải cho đẻ muộn để phục vụ đúng dịp Tết ông Công, ông Táo, thường sẽ cho cá đẻ vào khoảng tháng 5-6 âm lịch. Vì đẻ muộn, trái mùa nên rất khó làm, sản lượng không cao. Giá thành cá chép đỏ vì thế cao hơn các loại khác.

Các hộ gia đình phải trải qua kinh nghiệm lâu năm, nhiều lần “được, mất” mới đúc rút được kinh nghiệm để cho cá chép đỏ đẻ muộn thành công. “Đó là phải hạn chế cho cá ăn, đồng thời để nước lưu cữu lâu. Tuy nhiên nếu nước quá bẩn, sẽ dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí, chết. Khi đó, phải khắc phục bằng việc sử dụng máy sục nước”, ông Kỷ chia sẻ.

Thoát nghèo nhờ nuôi cá chép đỏ

Cũng theo ông Hà Công Kỷ, quê ông vốn là vùng đất đồi núi, diện tích đất canh tác ít. Gia đình ông đông người nhưng chỉ có vài sào ruộng nên việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trước kia, mỗi năm gia đình ông chỉ đủ gạo ăn trong 4 tháng. Những tháng còn lại các thành viên của gia đình lại phải lặn lội khắp nơi kiếm sống.

Thấy được giá trị kinh tế cao từ việc nuôi cá chép đỏ, ông Kỷ mạnh dạn thuê thêm ruộng đất của các gia đình khác để chuyển sang đào ao thả cá. Ngoài cá chép đỏ, ông còn nuôi thêm nhiều loại cá khác, đồng thời, tận dụng diện tích bờ ao để trồng rau xanh. Nhờ con cá chép đỏ, gia đình ông Hà Công Kỷ cùng nhiều hộ gia đình khác ở Thủy Trầm đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: Người dân Thủy Trầm nuôi cá chép đỏ từ khoảng những năm 70. So với giống cá ở các nơi khác, cá chép đỏ Thủy Trầm có các ưu điểm là hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ như màu cờ, có đôi mắt xanh đen, khỏe mạnh, không có đốm trên thân cá.

Ông Bùi Văn Chữ, trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm. (Ảnh: KT)

Với các đặc điểm này, cá chép đỏ Thủy Trầm được nhiều người ưa thích, từng bước có chỗ đứng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận Làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cấp thoát nước phát triển làng nghề. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm.

Hằng năm, người dân chỉ thả nuôi cá chép đỏ từ tháng 6 âm lịch để phục vụ Tết ông Công ông Táo. Thời gian còn lại vẫn nuôi các loại cá thương phẩm khác. Ngoài kinh nghiệm được lưu truyền giữa các thế hệ trong gia đình, trong quá trình thâm canh, huyện, xã cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương để tăng thêm hiểu biết thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá cho bà con.

“Hiện Làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm có 244 hộ nuôi cá với diện tích hơn 30 ha, sử dụng trên 1.000 lao động tại chỗ. Mỗi năm làng Thủy Trầm cung cấp 40-50 tấn cá chép đỏ ra thị trường miền Bắc phục vụ cho Tết ông Công, ông Táo. Cá chép đỏ Thủy Trầm được nuôi trên đất tổ Hùng Vương nay đã “vượt cổng làng” đến với người dân ở nhiều miền Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân trong ngày 23 tháng Chạp hằng năm”, ông Bùi Văn Chữ phấn khởi cho biết.

Trong những năm tới, Thủy Trầm sẽ tiếp tục phát triển nghề sản xuất cá chép đỏ thông qua việc mở rộng diện tích ao nuôi, nâng cao quá trình thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích nuôi.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Tết ông Công, ông Táo. Trước đây, người dân thường mua cá chép trắng để tiễn ông Táo về trời. Những năm gần đây người dân lại chuộng cá chép đỏ.

Nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, người dân làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã phát triển nghề nuôi cá chép đỏ và xây dựng thành công thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng khắp cả nước.

Hải Thanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nguoi-dan-thuy-tram-thoat-ngheo-tu-nuoi-ca-chep-do-574035.html