Người dân tự sản xuất điện bán cho EVN có khả thi?

Đánh giá cao ý tưởng này nhưng chuyên gia lo không khả thi bởi yếu tố quy mô, quản lý và cả việc liệu EVN có mua hay không....

Tại cuộc họp về chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa qua, lãnh đạo EVN cho biết, trong khi nhu cầu điện vẫn tăng trưởng, một giải pháp được tập đoàn đưa ra là phát triển điện mặt trời áp mái tại hộ gia đình.

Lãnh đạo EVN tính toán, mỗi gia đình, trên mái nhà có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10 kW, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.

Khi lắp đặt được công suất đó, mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện chạy các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN.

Với những gia đình sử dụng từ 300-400 kWh mỗi tháng có thể hoàn vốn nhanh chóng nếu đầu tư hệ thống áp mái này.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều đánh giá cao ý tưởng người dân tự sản xuất điện để bán cho EVN.

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nhà nước đã có chủ trương cho phép EVN mua điện của các gia đình lắp pin mặt trời trên mái nhà.

Việc này có rất nhiều cái lợi: giảm bớt nhu cầu các hộ gia đình lấy điện từ hệ thống. Còn đối với hệ thống, phần nào sẽ giảm lượng điện năng truyền ở trên lưới đến các hộ tiêu thụ, từ đó giảm bớt tổn thất trên lưới điện.

Một lý do khác khiến vị chuyên gia cho rằng nên khuyến khích phát triển điện áp mái tại hộ gia đình, đó là hình thức này không chiếm đất.

Mỗi gia đình, trên mái nhà có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10 kW, phù hợp với lưới điện hạ thế và có thể bán lại cho EVN nếu không dùng hết. Ảnh: VnEconomy

Theo đó, thông thường, nếu lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mặt đất thì sẽ chiếm đất, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp.

Trong khi đó, nếu lắp trên mái nhà không những không chiếm đất mà còn giảm sức nóng cho những tầng trên cùng của tòa nhà. Như vậy, có thể giảm luôn yêu cầu về điều hòa nhiệt độ, làm mát những tầng áp mái.

Giải đáp thắc mắc về vấn đề giá bán điện mặt trời, theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chính phủ cho phép bán điện lên lưới khoảng 9,35 cent/kWh. Quy định này sẽ được áp dụng cho các công trình được đưa vào vận hành trước tháng 6/2019, còn sau đó sẽ có hướng dẫn khác về giá mua bán điện.

Đối với việc thanh toán trong hệ thống mua bán giữa khách hàng với lưới điện, vị chuyên gia cho biết, hiện nay có đề nghị lắp một công tơ 2 chiều, tức vừa đếm điện mà khách hàng nhận từ hệ thống khi không có mặt trời vừa đếm cả lượng điện thừa nếu khách hàng bán lên trên hệ thống.

"Vấn đề này về phương diện kỹ thuật không có gì phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay đang có một vấn đề phát sinh, đó là khi khách lắp đặt các bộ pin mặt trời để bán điện cho hệ thống cũng là một hình thức kinh doanh, mà phàm là kinh doanh thì phải đóng thuế cho Nhà nước.

Đây là điểm vướng giữa Bộ Tài chính với khách hàng và các đơn vị điện lực. Nếu giải quyết được vấn đề này thì việc phát triển điện áp mái tại hộ gia đình rất có lợi cho nhiều phía: lợi cho hệ thống điện trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu; lợi cho khách hàng khi tự giải quyết được nhu cầu của mình và nếu có giá bán điện hợp lý thì khách hàng có thể thu hồi lại phần vốn mình đã bỏ ra đầu tư cho các công trình điện mặt trời áp mái.

Với xu thế công nghệ ngày càng phát triển, giá thành của điện mặt trời ngày càng giảm tương đối nhanh thì nhà đầu tư có thể hy vọng hưởng lợi được rất nhiều, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang áp dụng giá điện bậc thang. Các bộ pin mặt trời có thể giúp khách hàng cắt bớt phần đuôi giá cao", vị chuyên gia phân tích.

Về chi phí đầu tư pin mặt trời, ông Long cho biết, với pin mặt trời công suất 3-5kW thì tốn khoảng 100 triệu đồng, nhiều gia đình có khả năng đầu tư.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, đây là một ý tưởng tốt nhưng khó khả thi.

Lý giải cho nhận định của mình, ông Phố cho biết, phát triển điện áp mái tại hộ gia đình đòi hỏi phải có quy mô nhất định.

Nhà người dân ở thành thị và nông thôn phân tán, thường là nhà nhỏ, nếu lắp pin mặt trời lên mái cũng không được bao nhiêu, dẫn tới điện sản xuất ra cũng không được bao nhiêu.

Về phương diện quản lý, điện sản xuất ra phải thu hồi, sạc vào bình, không phải tự nhiên đem đi dùng. Chính việc quản lý nhỏ nhặt như vậy rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nghi ngại, dù thiếu điện nhưng khi người dân sản xuất điện bán lại cho EVN liệu tập đoàn có mua? Bài học này đã từng xảy ra với các nhà máy thủy điện nhỏ nằm ngoài hệ thống của EVN nên vẫn cần cẩn trọng.

"Nếu lắp đặt pin mặt trời trên một cao ốc thì điện sản xuất ra có thể sử dụng cho tòa nhà đó và việc đó cũng cần có hệ thống quản lý.

Cần tính toán cặn kẽ, thận trọng với đề xuất này, tránh trường hợp người dân đổ xô làm, mất tiền cuối cùng xôi hỏng bỏng không", GS.TSKH Phạm Phố lưu ý.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nguoi-dan-tu-san-xuat-dien-ban-cho-evn-co-kha-thi-3370358/