Người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi nilon

Hàng chục tấn túi nilon nhựa được 'xả' ra các bãi rác mỗi ngày đang là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe và môi trường. Tác hại đã rõ, thế nhưng, việc sử dụng túi nilon hiện nay vẫn đang là một thói quen khó bỏ của nhiều người dân.

Biết hại nhưng vẫn dùng

Theo các nhà khoa học, túi nilon là chất thải nhựa khó phân hủy. Ở trong môi trường tự nhiên, một túi nilon cần vài trăm năm đến một nghìn năm mới có thể phân hủy hết. Ngoài ra, nếu không được thu hồi hoặc chôn lấp đúng cách, loại túi này sẽ gây ô nhiễm đất và nước, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Còn khi đốt, chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Tuy nhiên, với “ưu điểm” như gọn nhẹ, giá thành thấp, lại có thể sử dụng một cách đa năng như đựng thức ăn, làm màng bọc thực phẩm, túi đựng vật dụng... hiện nay túi nilon đang là vật dụng ưa thích của các bà nội trợ.

Theo một thống kê do Bộ Tài Nguyên - Môi Trường cho thấy, ở Việt Nam, thống kê bình quân cho thấy mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon trong một tháng, riêng Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đặc biệt, số lượng túi nilon xả ra môi trường có dấu hiệu tăng lên theo từng năm.

Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%. (Ảnh: MT)

Để ngăn ngừa ô nhiễm gây ra từ túi nilon, nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi, bao bì thân thiện môi trường đã được triển khai. Song thực tế, đến thời điểm hiện tại ở các khu chợ dân sinh loại túi thân thiện với môi trường gần như vẫn chưa tiếp cận được với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương khu vực chợ Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mỗi ngày sạp hàng rau củ của chị sử dụng hết khoảng 1kg túi nilon. Khách hàng thích sử dụng loại túi này vì nó rất tiện lợi, dễ sử dụng lại không phải mang vác cồng kềnh như làn nhựa. "Nhiều người mua hàng còn thích xin thêm 2,3 túi để xách cho chắc chắn hoặc chia nhỏ các loại thức ăn. Vì túi rất rẻ nên tôi cũng chẳng tiếc cho thêm"- Chị Hoa chia sẻ.

Khi được hỏi về việc có phân biệt được túi nilon thông thường với túi sinh học, thân thiện với môi trường hay không thì chị này khẳng định là không biết và chưa được ai tuyên truyền hay chỉ cho cách phân biệt.

Còn việc sử dụng túi nilon có sẽ gây hại đến môi trường và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng thì chị có nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do giá thành rẻ, nhu cầu sử dụng của khách hàng cao nên chị vẫn phải dùng.

Nhu cầu sử dụng túi nilon ở chợ dân sinh hiện nay rất cao (Ảnh: MT)

Theo tìm hiểu, hiện nay túi nilon được bán trên thị trường với giá từ 25.000 đồng - 40.000 đồng/1kg còn túi nilon thân thiện với môi trường có giá khoảng trên 50.000 đồng/kg. Giá thành rẻ là một trỏng những nguyên nhân khiến túi nilon được các tiểu thưa ưa chuộng.

Còn về phía người mua hàng, bà Nguyễn Thị Thanh (phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây tôi hay sử dụng làn nhựa để đi chợ nhưng sau này đi đến đâu mua hàng người ta cũng cho túi bóng, lâu dần thành thói quen. Tôi cũng có nghe báo đài nói về tác hại của nó, nhưng thấy tiện lợi nên vẫn dùng".

Cần thay đổi thói quen

Trên thực tế, việc nhân rộng các điển hình tích cực, tuyên truyền thay đổi nhận thức sử dụng túi nilon từ cá nhân đến cả cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Điển hình như chương trình "Hạn chế dùng túi nilon vì môi trường"; “Hãy dùng túi thân thiện môi trường”… tổ chức các hoạt động như: Đạp xe vì môi trường, đi bộ vì môi trường, đổi những chiếc túi giấy thân thiện với môi trường, phát túi tái sử dụng miễn phí tại hệ thống những siêu thị, chợ, trung tâm thương mại... do Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức xã hội cũng như doanh nghiệp tổ chức...

Nhiều địa phương đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lon với tinh thần tự nguyện...

Trên khía cạnh pháp luật, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2012 đã quy định đơn vị sản xuất túi nilon khó phân hủy, không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế 40.000 đồng/kg, còn nếu sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường thì không phải đóng thuế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải nâng mức thuế đối với túi nilon không thân thiện với môi trường lên cao hơn để tạo sức răn đe với người sản xuất cũng như sử dụng...

Túi nilon thân thiện được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các siêu thị (Ảnh: QN - QT)

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, sự thay đổi ngay thói quen sử dụng túi nilon là việc khó. Đặc biệt là khi người dân đã xem nó như một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, việc khó phân biệt đâu là túi thân thiện, đâu là nilon thông thường, ít người dân biết đến các sản phẩm như túi tự hủy sinh học, túi thân thiện môi trường… một phần bởi nhãn mác, phần khác vì việc phổ biến thông tin vẫn chưa tốt cũng là một nguyên nhân.

Vì vậy, để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bên cạnh những biện pháp về tăng thuế, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh…

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-dan-van-con-thoi-quen-su-dung-tui-nilon-85987.html