Người đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế

Kể từ sau khi xã Đại Dực, huyện Tiên Yên được công nhận thoát khỏi diện 135 thì nơi này đã xuất hiện những tấm gương cá nhân điển hình trong phong trào phát triển kinh tế. Ông Nình Văn Cun, thôn Khe Lục, xã Đại Dực, không chỉ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại, mà còn là một cán bộ đảng viên gương mẫu, hạt nhân nòng cốt trong phong trào giảm nghèo của xã.

Ông Nình Văn Cun kiểm tra cân nặng và sức khỏe của gà thiến trước khi xuất bán. Ảnh: Khánh Giang

Ông Nình Văn Cun, 62 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực. Năm 2015, đúng thời điểm ông về nghỉ hưu, huyện Tiên Yên có chương trình hỗ trợ giống cho hộ gia đình trong xã mở rộng mô hình chăn nuôi, phát triển đàn gà Tiên Yên. Thấy bà con trong xã không mấy người mặn mà với chương trình này, ông đã quyết định bàn bạc cùng gia đình sử dụng phần diện tích đất rừng hơn 10ha gia đình đang trồng quế, trồng thông để mở trang trại. Ông bắt đầu khởi nghiệp với 1.000 con gà giống Tiên Yên; trong đó, huyện hỗ trợ 30% tiền giống. Ông chia sẻ: "Tận dụng rừng thông, rừng quế, tôi nuôi gà theo hình thức chăn thả tự nhiên. Thời gian đầu khi con giống còn nhỏ thì chăn bằng cám, khi gà đã quen với địa hình thì chăn thả bằng ngô xay, cơm nguội và một phần chúng tự tìm thức ăn trong rừng. Với đặc tính của gà Tiên Yên, chăn thả bằng hình thức này sẽ đảm bảo thịt thơm, ngon, chắc và ngọt. Thời gian chăn thả cho một lứa gà mái từ lúc xuống giống đến lúc xuất chuồng khoảng 6 tháng; còn gà thiến tầm 8-9 tháng/lứa".

Trang trại của gia đình ông Cun nằm cách trục đường chính của xã chừng 1 cây số. Ngoài nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, hiện trang trại của gia đình ông đã mở rộng chăn thả thêm đàn ngan và hơn 20 con dê núi. Chúng tôi đến trang trại đúng vào thời điểm lứa gà mái thứ 2 đủ điều kiện xuất chuồng và đã xuất bán hơn 500 con. Đàn dê cũng đã xuất bán được hơn 10 con. Gia đình ông đang chuẩn bị tiếp tục xuống giống gối đàn gà hơn 1.000 con. Do chăn thả theo hình thức tự nhiên nên việc đầu tư chuồng trại cũng không cầu kỳ và tốn kém. Ông Cun bảo: "Thực ra, làm mô hình trang trại ở đây không khó, chỉ hơi vất vả như chăm con thơ, con mọn thôi. Thấy về hưu rồi, còn sức khỏe mà ngồi chơi không và để rừng quế, rừng thông bỏ không cũng lãng phí nên tôi mới làm trang trại, để con cháu cùng tham gia, có việc làm, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời, tôi cũng là cán bộ, đảng viên, làm trang trại còn là để làm gương cho bà con trong thôn, trong xã làm theo nữa".

Hiện đàn gà trong trang trại của gia đình ông Nình Văn Cun đã đủ điều kiện xuất bán. Ảnh: Khánh Giang

Với suy nghĩ ấy, ông Cun luôn nhiệt tình vận động các hộ dân trong xã tham gia các dự án phát triển kinh tế của xã, huyện; đồng thời, hướng dẫn bà con các kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng. Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh, cho biết: "Mặc dù giá 1kg gà thịt Tiên Yên cao hơn so với các loại gà khác trên thị trường nhưng nhu cầu tiêu thụ hiện nay rất lớn nên cung vẫn chưa đủ đáp ứng cầu. Tinh thần nêu gương của bác Cun đã giúp cho phong trào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo ở Đại Dực có nhiều chuyển biến. Từ mô hình, cách làm của bác Cun, hiện trên địa bàn xã đã có thêm nhiều hộ dân biết ý thức, chủ động làm ăn, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững".

Vĩ An

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/nguoi-dang-vien-di-dau-trong-phat-trien-kinh-te-2408704/