Người Dao làm du lịch

Những năm gần đây, khi các huyện miền Đông cũng mở ra các tuyến, điểm du lịch, nhiều khách 'phượt' lại tỏ ra rất thích thú khi đến đây. Bởi họ được trải nghiệm ăn cùng, sống cùng người dân tại các homestay hay đi cùng các tour du lịch do người dân tộc thiểu số làm chủ, cảm nhận sự mới, lạ và nhất là vẻ chân thật vốn có của bà con.

Nhiều năm nay, du khách đến bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đều ghé qua Homestay A Dào, nằm ở lưng chừng núi. Bản Phạt Chỉ có 100% người Dao, và anh Tằng Văn Dào, chủ Homestay A Dào cũng là người dân tộc Dao.

Với cái thật “Trai rừng như cây thông mọc thẳng” của người vùng cao, du khách ưa lối sống thật thà, chất phác, mến khách, gần gũi, dễ chịu của A Dào. Họ không có tâm lý bị "chặt chém" và yên tâm như đang ở chính ngôi nhà của mình. Đa phần khách đều yêu cầu được ăn gà bản, cà sáy đúng chất vùng cao, cá suối và rau hái từ trên rừng với các loại rau má, rau ngót, lá lốt... và thịt dê của chính chủ nhân Homestay A Dào chăn nuôi trên độ cao giá lạnh. Chuyện ăn, ngủ thì khách ngủ qua đêm tại Homestay A Dào với giá cả bình dân, trong căn nhà hoàn toàn bằng gỗ, phục vụ được tối đa 30 khách. Đầu tháng 4 vừa qua, khi chúng tôi đến thăm Homestay A Dào, anh Tằng Văn Dào, chủ cơ sở đang bận rộn với việc đầu tư thêm phòng nghỉ để phục vụ du khách mùa hè. Anh Dào bảo: “Ở Phạt Chỉ, mùa hè từ 22 giờ, nhiệt độ bắt đầu hạ xuống chỉ khoảng 20 độ. Có nhiều đoàn khách đến đây vào mùa hè, nhưng họ cũng chẳng yêu cầu điều hòa hay quạt điện. Họ bảo: “Buổi sáng sương mù dày đặc gợi cho chúng tôi thấy khung cảnh giống như Sa Pa. Ánh mặt trời chiếu xuyên qua các đám sương, cảnh vật chỗ sáng vàng, chỗ đục đục, cảm thấy như mình đang sống trong cảnh bồng lai cổ tích”.

Tiếp khách tại Homestay A Dào.

Tiếp khách tại Homestay A Dào.

Khi khách có yêu cầu, nhân viên là các cô gái phục vụ ở Homestay sẽ mặc các bộ quần áo của người Dao tiếp khách. Nhiều du khách thích trải nghiệm xát gạo, xay phở theo kiểu người Dao rồi thưởng thức luôn các sản phẩm mình vừa làm ra, hay tắm nước mát người Dao trong các thùng gỗ đặc trưng. Khi du khách cần là có người dẫn đoàn đi thăm các diểm du lịch của Phạt Chỉ hay của Bình Liêu nói chung. Phạt Chỉ có tuyến đường biên giới, có điểm cột mốc 1327, hàng năm nơi đây có 9 tháng mù sương, vậy là sương mù cũng trở thành đặc sản tạo sự hứng thú cho nhiều du khách. Ngoài Phạt Chỉ, các thôn bản khác của xã Đồng Văn cũng có cảnh đẹp như thác Sông Moóc A (bản Sông Moóc A) và thác Khe Tiền (bản Khe Tiền), đỉnh Cao Ba Lanh cao 1.050m so với mực nước biển, đứng trên đó du khách có thể phóng tầm mắt ra bốn phương bao quát cả một vùng biên giới Việt – Trung hùng vĩ. Khách muốn đi xa hơn thì thăm sống lưng khủng long (xã Lục Hồn) hay thăm thác Khe Vằn (xã Húc Động)…

Du khách rất thích thú khi chụp ảnh cùng nón Đại Hiệp tại thác Bạch Vân, thôn Tầm Làng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà.

Đến huyện Đầm Hà, nhiều du khách tâm đắc khi đi thăm thác Bạch Vân, ở thôn Tầm Làng, xã Quảng An. Thác có 5 tầng nước với độ cao gần 70m, cảnh vật quanh thác còn giữ vẻ nguyên sơ chưa có sự tác động của con người. Anh Lỷ A Tài, ở thôn Mảo Sán Cáu, xã Quảng An do có quan hệ rộng nên thường nhận lời làm người dẫn đường bạn bè gần xa đến thác Bạch Vân. Công việc hướng dẫn viên đó, anh Tài không nhận thù lao của khách, nhưng bù lại anh giới thiệu được cảnh đẹp quê hương mình, giới thiệu với khách sản phẩm nón Đại Hiệp của HTX Đan nón Quảng An, do anh làm giám đốc. Công việc làm nón Đại Hiệp của anh Tài tạo việc làm cho 20 lao động ở xã.

Anh Lý A Tài (bên phải) giới thiệu sản phẩm nón Đại Hiệp với khách hàng

Từ sản phẩm nón, nhiều người biết đến Quảng An, dù là xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2018. Anh Tài đã mở rộng bán sản phẩm tại các địa điểm ở khu du lịch Tuần Châu, Bãi Cháy (Hạ Long) và Cái Chiên (Hải Hà). Thậm chí, nón Đại Hiệp theo chân khách du lịch sang cả Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Âu. Thời gian gần đây, anh Tài còn đưa ra ý tưởng làm sản phẩm handmade (đồ thủ công) từ những nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí từ chai nhựa, bật lửa cũ hay từ chiếc thìa nhựa bỏ đi để thành sản phẩm xinh xinh, vừa có thu nhập lại vừa có tác động tốt với môi trường.

Tuy du lịch phát triển chưa mạnh tại các xã của các huyện vùng cao, thế nhưng, nhờ sự năng động của các thanh niên đồng bào dân tộc mà các sản phẩm du lịch của họ đã được nhiều du khách gần xa biết đến.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201904/nguoi-dao-lam-du-lich-2438002/