Người đặt nền móng cho hoạt động lập pháp của Quốc hội

Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955) là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực và yêu thương dân chúng trong triều đình Huế. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nhậm chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ. Tổng tuyển cử 6-1-1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội và sau đó được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ đã lên Việt Bắc, sát cánh cùng Hồ Chủ tịch trong những thời điểm khó khăn nhất... Cuộc đời của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tận tụy, vì nước, vì dân...

Chân dung cụ Bùi Bằng Đoàn. Ảnh: Tư liệu

Ông quan thanh liêm

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 17-8-1889, trong một gia đình Nho giáo tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cụ từng đỗ Cử nhân dưới triều vua Thành Thái, gặp thời Tây học bắt đầu thịnh hành, cụ phải khai thêm 3 tuổi cho đủ để vào học trường Hậu Bổ - trường chuyên dạy và học bằng tiếng Pháp.

Đến năm 1933, cụ đã giữ chức Thượng thư Ngự tiền, rồi làm Thượng thư bộ Hình (Bộ Tư pháp), sau đó ít lâu được phong hàm Chánh phẩm, nổi tiếng là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), cụ đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, một công trình trị thủy lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nhờ đó, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn. Ghi công đức của cụ, nhân dân địa phương đã làm lễ tế sống vị phụ mẫu chi dân trẻ tuổi ngay nơi nhậm chức. Năm 1925, trước việc báo chí phản ánh cảnh phu điền ở Nam Kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam Triều đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp tại Nam Kỳ. Cụ đã tiến hành thanh tra thấu đáo tại 45 đơn vị đồn điền cao su, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Những kiến nghị xác đáng của bản báo cáo đã được nhà đương cục lúc bấy giờ chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ bù nhìn, cáo quan về quê, nhưng Chính phủ Nam Triều đã mời cụ ở lại bằng được và giao giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội.

Ở thời điểm “đêm trước” của cách mạng, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị. Và cụ đã đến với Việt Minh, đến với cách mạng một cách tự nhiên, như phẩm chất vốn có trong con người chính trực của cụ.

Một lòng theo cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư trân trọng mời cụ tham gia việc nước. Từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, khâm phục, kính trọng tài đức, lý tưởng lớn lao, trong sáng và tinh thần, nghị lực đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào vận mệnh nước nhà, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia Ủy ban kiến thiết quốc gia; tham gia Ban Cố vấn riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi trở thành Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội... Trên cương vị và trọng trách nào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một người thanh liêm, chính trực, một lòng đi theo cách mạng.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp. Ngày 17-12-1946, tại Hà Nội, Hội đồng Chính phủ họp có sự tham gia của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Đây là cuộc họp rất quan trọng, nghe đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng và một số nơi khác; Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước, đến đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, tham gia bàn bạc góp ý kiến các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ và tham gia giám sát các công việc của Chính phủ thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc. Với tinh thần trách nhiệm cao, cụ đã tham gia đóng góp cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, lấy nguyện vọng nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Cụ đã thay mặt Quốc hội tham dự các sự kiện trọng đại của đất nước.

Hiệp định Genève được ký kết, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, cụ trở về Hà Nội. Thời gian này, công việc của Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương rất bộn bề. Với tư cách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã có nhiều ý kiến đóng góp, cùng Ban Thường trực Quốc hội trong việc tiến hành ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội; xem xét việc chuẩn bị thông qua nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ nhằm bảo đảm thành công trong công việc kiến quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của toàn dân.

Từ Thượng thư bộ Hình Nam Triều, chuyên lo việc xử án nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam. Đức thanh liêm và tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn thật đáng để chúng ta kính trọng, học tập và noi theo.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của cụ đối với đất nước; qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn đất nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hà Mi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-dat-nen-mong-cho-hoat-dong-lap-phap-cua-quoc-hoi/