Người đau đáu với nghề đan lát của đồng bào Cor

Ngoài các món ẩm thực, trang phục độc đáo rực rỡ sắc màu cùng những làn điệu dân ca đến điệu múa kađấu của phụ nữ Cor làm xao xuyến lòng người, thì nghề đan lát truyền thống - một nghề có từ rất lâu đời đến nay vẫn còn được lưu giữ đã tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt.

Già Thái truyền kinh nghiệm đan lát cho 2 cháu nội của mình. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) công tác, được anh Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã giới thiệu về một nghệ nhân hiếm hoi vẫn còn giữ được nghề đan lát truyền thống đã tồn tại lâu đời trong đồng bào Cor. Ngay sau đó, chúng tôi tìm về nhà ông trong cái lạnh giữa vùng biên những ngày đầu Đông.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn nhỏ vẫn giữ được những nét truyền thống của người Cor, già Đỗ Văn Thái cho biết: Trong gia đình của người Cor, việc đan lát là việc của đàn ông. Do đó, từ lúc biết đi rừng, biết cầm rựa phát rẫy, ông đã được ông nội và bố dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình, từ những đồ vật đơn giản cho đến phức tạp. Mặc dù nguyên liệu để làm ra những sản phẩm này đều sẵn có trong tự nhiên, nhưng việc chọn nguyên liệu như thế nào để tạo ra một sản phẩm đan lát đẹp, bền không phải là chuyện dễ dàng, phải biết lấy những cây mây cám, mây song dài suôn đến cây tre, nứa, lồ ô không già quá, không non quá, không cụt ngọn. Khi mang về nhà không được để quá lâu vì cây khô sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp. Cái nghề này già mê nó từ thuở nhỏ. Nghề của tổ tiên, ông bà Cor để lại thì phận là con cháu phải biết giữ gìn, để sau này nó không bị mai một.

Năm nay, già Thái đã sống gần 77 mùa lúa rẫy và đã gắn bó với nghề này hơn 60 năm. Với niềm đam mê cháy bỏng về nghề đan lát truyền thống của người Cor, già Thái đã sáng tạo ra những sản phẩm đan lát từ cây mây rừng độc đáo, tinh xảo như: Apứt (nia sẩy lúa), atró (gùi lúa nhỏ), ateo (gùi lúa lớn), xui (gùi ba ngăn của đàn ông Cor)... làm vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho gia đình đến garác héc (mâm dùng cúng lễ), đáp ứng được nhu cầu của bà con trong làng sử dụng.

Theo đó, mỗi sản phẩm đan lát của người Cor đều có sự kết hợp hài hòa phù hợp với công năng của từng loại dụng cụ. Với cái xui (gùi ba ngăn của người đàn ông Cor) từ khi dùng đến lúc hư ít nhất là 30 năm. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất đến hai tháng trời, kể từ lúc vào rừng tìm mây, lựa tre đến kỹ thuật đan lát hết sức kỳ công. Kỹ thuật này rất khó và phức tạp, ít người đàn ông Cor có thể đan được, đòi hỏi sự kiên trì và tay nghề cao mới đan đúng và đẹp. Gùi đan những loại mây chắc như mây song, mây cám thì mới đẹp, có 3 phần chính, hai ngăn nhỏ ở bên thân gùi. Thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ hoặc mây áp vào thành từ đáy trở lên miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Dây mang gùi đan bằng mây song, được vót mỏng để đan thì dây mới bền và chắc chắn... Đây là loại gùi người đàn ông Cor thường dùng để đựng cơm nếp, gạo, dao, rựa, thuốc hút, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng, ở lại nhiều ngày săn bắt và làm nương rẫy.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, kỹ thuật đan của người Cor cũng rất đa dạng, đồng bào thường chọn kiểu đan tùy theo công dụng của sản phẩm, chẳng hạn đan garác héc (mâm dùng cúng lễ), có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát truyền thống của người Cor sử dụng chất liệu cật tre và mây cám vót mỏng đều nhau, thể hiện sự phối kết hợp khá mềm mại, tinh xảo nhưng công phu. Khi đan sản phẩm này, già Thái thường dùng kỹ thuật xâu xiên, là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được. Với các loại gùi thì dùng kỹ thuật đan nan lóng mốt, nan lóng đôi và nan lóng ba... Miệng gùi loe rộng được quấn mây rất đẹp, gùi có dây quàng qua trán và ách tỳ vào gáy người đeo.

Được biết, đến nay, nghề đan lát đã gắn bó với người Cor suốt nhiều thập kỷ qua,có biết bao thăng trầm của lịch sử. Những sản phẩm đan lát của người Cor không chỉ là những vật dụng đơn thuần phục vụ sản xuất, mà còn là cái hồn dân tộc này. Tuy nhiên, nghề đan lát truyền thống độc đáo này của người Cor không đem lại giá trị kinh tế cao. Bây giờ, mỗi ngày, già Thái chỉ vào rừng chặt khoảng 10 cây mây rồi mang về nhà đan dần, khi nào hết mới vào chặt tiếp. Sở dĩ nghề đan lát ở đây không phát triển, một phần do lớp trẻ không chịu khó theo học và đam mê với nghề. Phần khác, do hiện nay, các đồ dùng bằng nhựa, mẫu mã phong phú nên các loại vật dụng đan lát không còn được nhiều người lựa chọn như trước.

Chúng tôi chia tay già Thái và ngôi nhà sàn nhỏ bên cạnh con sông Kót, khi mặt trời dần khuất về phía Tây, để lại những ngôi nhà người Cor đang lên đèn, nhưng bên tai vẫn còn nghe văng vẳng giọng nói trầm buồn của già Thái với bao nỗi trăn trở in sâu trên khuôn mặt già: Làm sao giữ được nghề đan lát truyền thống để giữ cho được cái hồn bản sắc người Cor không bị mai một.

Sơn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-dau-dau-voi-nghe-dan-lat-cua-dong-bao-cor/