Người đến từ làng hoa

Sa Đéc có làng hoa nổi tiếng cả nước. Và nơi ấy đã đem đến cho nghệ thuật kịch nói TP.HCM một người con cũng trầm trầm như một thứ hương hoa.

Nguyễn Sơn chỉ là diễn viên chuyên đóng vai phụ, nhưng hầu hết đồng nghiệp và khán giả đều yêu mến anh. Không nổi bật, mà người ta lại nhớ. Bởi mỗi vai diễn của Sơn đều kỹ lưỡng, giỏi nghề, đầy trách nhiệm. Và con người ngoài đời cũng thế, trầm lặng, kỹ tính, làm đâu ra đó. Thường bắt gặp Sơn ngồi im lặng hàng giờ ở căn-tin 5B (Võ Văn Tần, Q.3) với tờ báo trên tay, mắt dán vào trang giấy dường như không bận tâm tới thế sự xung quanh. Nhưng đó chỉ là một kiểu “thưởng thức” của Sơn. Thưởng thức sự tĩnh lặng, thưởng thức sự chiêm nghiệm, suy nghĩ. Thưởng thức cả những trang báo, trang sách mà “con mọt sách” như Sơn đã trót vướng vào… Những giây phút Sơn “tách mình” ra đám đông rất giống những tháng ngày Sơn lẩn mình trong ngôi chùa Hương ở Sa Đéc. Ngôi chùa cổ kính, đầy hương hoa, có những vị sư già tu hành nghiêm mật, đã là chốn nương thân cho nhiều cô cậu học trò ngày ấy… Sơn cùng lũ bạn đi học buổi sáng, trưa ghé chùa ăn cơm, rồi chui vào góc nào đó thiếp đi một chút, chiều lại đi học, tối trở về nhà. Cửa chùa rộng mở, cơm chùa ngọt vị từ bi, tiếng chuông chùa thanh thản buông ngân, đã nuôi dưỡng những trái tim non từ vô thức. Đến ngày Nguyễn Sơn thi đậu trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (1987), anh đến chùa bái tạ sư ông để lên đường. Sư ông hơn 80 tuổi, mi mắt sụp xuống, khẽ hỏi: “Con học ngành gì?”. “Dạ, con học đóng kịch”. Sư ông trầm ngâm một chút, có lẽ thời của ông không hiểu đóng kịch là sao, nhưng rồi ông thong thả bảo: “Con làm nghề gì cũng được, chỉ nhớ hễ làm giỏi thì lương cao, dở thì lương ít, đừng bon chen, chà đạp nghen con!”. Sơn gật đầu. Cậu bé 18 tuổi đâu ngờ lời dạy của bậc chân tu đã gieo vào lòng cậu một ảnh hưởng rất lớn, làm kim chỉ nam cho suốt cuộc đời… Nguyễn Sơn bắt đầu chặng đường nghệ thuật đầy gian nan vất vả. Năm thứ nhất anh đã đi làm hậu đài cho Sân khấu 5B (Nhà hát sân khấu nhỏ TP.HCM). Tốt nghiệp xong (1991) vẫn làm hậu đài vì chưa có vai, chỉ có vài cảnh làm quần chúng được nói vài câu là mừng lắm rồi. Lúc ấy là thời hoàng kim của các ngôi sao Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thủy, Việt Anh, Quốc Thảo… Nguyễn Sơn bươn chải sang các hãng phim, hãng băng video hài để làm trợ lý. Anh cười cười: “Nói cho sang chứ có khi chỉ làm “tà lọt”. Ai sai gì làm đó, miễn là sống còn để nuôi ước mơ sân khấu”. Mãi 27 tuổi, Nguyễn Sơn mới có được vai nho nhỏ trên HTV, rồi 31 tuổi có vai Út Thành trong vở Yêu thầy. Sau đó là Tiếng giày đêm, Làng trong thành phố (5B), Người trong bóng tối, Hãy yêu nhau đi, Tiếng vạc sành, Cưới vợ cho ai, Bầu rượu càn khôn (IDECAF)… Ấn tượng mạnh nhất với khán giả là vai Đợi trong vở Bảy sắc cầu vồng (5B). Một người đàn ông bị vợ bỏ đã không còn tin tưởng vào tình yêu, đâm ra hận cả thế gian, căm thù phụ nữ. Anh ta trốn ra hòn đảo hoang để gác hải đăng, cũng là trốn tránh cuộc đời. Nhưng cuộc đời vẫn thử thách anh ta lần nữa, cho gặp gỡ cô gái nọ cũng đau khổ vì tình yêu. Khi cô ta tìm được niềm tin nơi anh thì anh vẫn cương quyết không tin ở sự chân thành. Cuối cùng, khi cô chết đi anh mới bàng hoàng nhận ra mình vừa đánh mất một cái gì quý giá. Không chỉ là một con người, mà còn là lòng tin, chính điều đó mới có thể nâng người ta dậy sau những vấp ngã. Nguyễn Sơn đóng rất đạt, thể hiện nhiều cung bậc tâm lý phức tạp, chứng minh bản lĩnh của người diễn viên ở một chiều sâu nghề nghiệp. Anh dường như thích hợp với những vai kiểu ấy. Cho nên khi gặp vở Người đàn bà không ngủ (IDECAF), anh lại có cơ hội sáng lên lần nữa. Vai tên cảnh sát tính hay ghen, đã biến thành bi kịch cho người vợ của mình, là một vai khó, và cũng là vai hay. 40 tuổi, Nguyễn Sơn vẫn thích sống một mình, dù đã có vài mối tình rất thắm thiết. Cha của Sơn trồng hoa kiểng, nhưng đã thôi không còn bươn chải nữa. Sơn nuôi cha mẹ, nuôi cả anh em lần lượt vào đại học. Anh bằng lòng ở nhà thuê, ăn cơm tiệm. Niềm vui là sự hy sinh. Khi nào không ngồi trầm ngâm nữa, thì anh lại hòa vào bạn bè, cười rất tươi, vui chơi tưng bừng. Nhưng chơi vui thế nào cũng biết dừng lại đúng lúc. Hỏi Nguyễn Sơn có khi nào buồn vì “nỗi niềm vai phụ”, anh cười, nhắc câu nói của sư ông chùa Hương ngày trước. Rất thanh thản đi qua tuổi 40 với chừng ấy “hào quang” sân khấu. Bây giờ Nguyễn Sơn kiêm luôn vai trò phó đạo diễn cho Lê Hoàng trong phim Những thiên thần áo trắng, nhưng anh không ghi tên mình, cũng không ráng kiếm cho mình một vai trong bộ phim dài 40 tập ấy. “Tôi không thích phân tâm. Đã lo dàn dựng rồi lo diễn xuất nữa, lăng xăng lắm. Việc nào ra việc đó vẫn hơn. Mình đã chọn cái này thì đừng ham bắt cái khác, đời còn dài đâu thiếu cơ hội mà phải nhọc lòng!”. Thì vẫn là cách sống của người Sa Đéc, lãng đãng như hoa, trầm trầm như kiểng… Hoàng Kim

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201016/20100417162918.aspx