Người dệt lụa tơ sen từ tình yêu và lòng can đảm

Nâng niu tấm khăn lụa tơ sen trên tay, hương thơm của sen còn quyện trong từng sợi nhỏ, cảm giác như mùi thơm của cả đầm sen thức giấc, tiếng nói của cả một nền văn hóa Việt vọng về. Tôi tin rằng, những tấm khăn ấy có bị giặt, phơi nhiều lần vẫn sẽ tỏa lên một mùi thơm nồng nàn. Đó là hương của tình yêu quê, hương của lòng người luôn đau đáu giữ hồn non nước trong mỗi tấm lụa là.

Từ lòng yêu nước tới lòng can đảm: dải lụa tơ sen đầu tiên ra đời

Lụa tơ sen nổi tiếng ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, nhưng ở Việt Nam thì chưa ai làm được loại lụa này. Có lẽ vì vậy, khi bà Phan Thị Thuận - một nghệ nhân dệt lụa lâu năm ở làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội thử nghiệm thành công phương pháp dệt lụa bằng tơ sen thì hầu hết người Việt Nam đều biết đến và cảm thấy rất tự hào, cảm phục.

Niềm cảm phục ấy không chỉ dành cho bà vì tấm lòng nhân nghĩa, muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người nông dân, giúp họ có thu nhập ổn định mà đặc biệt cảm phục vì tình yêu quê hương, yêu nghề truyền thống của bà, muốn phát triển nghề lên một tầm vóc mới, sánh ngang với các nước bạn trên thế giới. Dù chưa từng nhìn thấy sản phẩm được dệt từ tơ sen, dù chẳng ai dạy cách làm nên một tấm lụa tơ sen nhưng bà đã can đảm, dám bước đi con đường chưa ai bước, dám mày mò, tìm hiểu và làm những việc chưa ai dám làm.

Sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề dệt lụa, bà Thuận đã sớm thành thạo công việc chăm tằm, ươm tơ dệt vải. Trải qua bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử, nhiều người không sống được bằng nghề đã chuyển sang làm nghề khác nhưng bà vẫn kiên trì bám trụ. Trong một lần duyên số run rủi, xưởng sản xuất của bà được một đoàn đại biểu Quốc hội tới thăm, một nữ đại biểu đã gợi ý bà thử tìm tòi, nghiên cứu về lụa là từ tơ sen. “Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar”, bà Thuận chia sẻ.

Vốn là một người rất yêu sen, lại càng yêu nghề dệt và muốn phát triển nghề truyền thống, bà đã quyết định thử làm lụa tơ sen xem sao. Ban đầu, để bắt tay vào thử nghiệm dệt tơ sen, bà đã mua cả đám đất để trồng sen. Khi sen được thu hoạch, bà phải dùng tới 4.800 cuống sen mới hoàn thành “tác phẩm” của mình. Công đoạn để làm ra một sản phẩm từ lụa tơ sen khá lâu và khó. Đầu tiên, người làm phải rửa sạch cuống sen, sau đó mỗi lần xếp vài cuống sen lại với nhau, dùng dao khứa xung quanh cuống, từ từ khéo léo bẻ chúng theo vết cứa, nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong. Sau đó, nghệ nhân phải dùng tay vặn và kéo tơ, vừa kéo vừa vê cho sợi tơ sen tròn lại, phải làm đều tay để tơ không có chỗ to chỗ nhỏ. Công đoạn tiếp theo, tơ được cuốn vào ống, đưa vào máy se rồi mắc lên trục con thoi để dệt thành sợi ngang. Quan trọng là tất cả cuống sen phải được xử lý trong 24 tiếng đồng hồ, nếu không cuống bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Nhìn đôi tay bà Thuận kéo những sợi tơ mỏng manh và thơm tho, cảm giác như bà đang kéo dài mãi những hy vọng về một tương lai tươi sáng cho ngành dệt quê hương. Những sợi tơ dù vương vít nhớ đầm cũng ngoan ngoãn dưới đôi tay khéo léo và đầy sự nâng niu của bà.

Sau gần 2 năm trời thử nghiệm, trải qua bao khó khăn, khổ cực, bà đã đạt được thành quả như mong ước. Nhìn chiếc khăn lụa 1,7m trông có vẻ đơn giản nhưng để làm ra nó là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo và lao động rất vất vả. Lụa tơ sen không được nhuộm nhiều mà hay để màu mộc, gồm hai màu ngà vàng và nâu. Sản phẩm làm từ lụa tơ sen thường không mịn, nhẵn và đẹp mắt như lụa tơ tằm, nhưng khá nhẹ và xốp, thấm mồ hôi cực tốt, đặc biệt có mùi thơm tự nhiên của sen. Khi cầm trên tay chiếc khăn lụa tơ sen, hít một hơi thật sâu, dường như mùi thơm của cả đầm sen thức giấc, tiếng nói của cả một nền văn hóa Việt vọng về, cho ta ngẫm ra một chân lý: Nhân phẩm cao quý dù ở bất cứ nơi đâu cũng vẫn tỏa ra một mùi thơm thanh tao, một cốt cách của bậc hiền nhân.

Có thể nói, chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên ấy chứa đựng một tình yêu cháy bỏng đối với nghề dệt lụa của một nghệ nhân đã sắp tới tuổi thất thập cổ lai hy.

Bà Thuận hy vọng lụa tơ sen sẽ ngày càng phát triển và vươn tầm thế giới - (Nguồn internet)

Lụa tơ sen - tinh hoa đất Việt và niềm hy vọng lớn lao trên trường quốc tế

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều biết được vì sao hoa sen được chọn là quốc hoa của Việt Nam, hoa sen cũng trở thành biểu tượng gắn liền với Phật giáo. Hoa sen thể hiện một cốt cách thanh bạch, luôn giữ được sắc hương dù mọc lên từ bùn nâu, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Thế nhưng chắc hẳn ít người biết thân sen ngập sâu trong bùn cũng vẫn tỏa hương thơm đặc trưng của loài hoa bình dị mà cao quý. Chính nghệ nhân Phan Thị Thuận là người đã đi đầu trong việc tạo ra sản phẩm từ lụa tơ sen để ngày hôm nay, chúng ta có cơ hội được tận tay cầm nắm những tấm lụa quý giá mà không phải sang các nước bạn.

Tuy nhiên, để lụa tơ sen phổ biến rộng rãi, được nhiều người sử dụng có lẽ là một điều khó khăn hiện nay. Trung bình, một người thợ lành nghề làm cả ngày mới có thể làm được khoảng 200-250 cuống sen. Kể ra, để làm một chiếc khăn quàng cổ cũng mất ngót ngét 1 tháng. Do mất nhiều công sức và quy trình làm ra sản phẩm hầu như bằng tay nên giá thành bán ra cũng khá cao, một chiếc khăn quàng cổ khổ nhỏ hoàn toàn từ lụa sen có giá dao động 75-100 USD, gấp 7-10 lần sản phẩm tương tự làm từ tơ tằm. Chính vì vậy, giải pháp hiện nay là lụa tơ sen sẽ được dệt chung với lụa tơ tằm để những ai yêu thích lụa cũng có thể mua được mà vẫn đảm bảo chất lượng: mát, nhẹ, bền, có tính thẩm mỹ cao.

Tôi tin, trong tương lai không xa, không chỉ có lụa tơ tằm mà lụa tơ sen của bà Thuận, của Phùng Xá nói riêng và của Việt Nam nói chung cũng sẽ gây tiếng vang lớn và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nhìn những tấm khăn lụa tơ sen đã và đang được dệt mới thấy thương yêu và quý trọng biết bao những nghệ nhân nơi đây. Nhìn từng động tác kéo sợi, quay tơ đều ẩn chứa một tình yêu làng, yêu nước, yêu nghề truyền thống dân tộc sâu sắc. Tình yêu ấy có lẽ nhiều hơn cả những sợi tơ mà cuộc đời họ đã từng dệt. Chẳng thế mà dù phải đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, bà Thuận và những nghệ nhân nơi đây vẫn quyết giữ gìn và nâng tầm bản sắc của đất nước ngàn năm văn hiến lên một tầm cao mới.

Bước chân rời khỏi nơi đây, du khách chắc hẳn sẽ còn quyến luyến rất nhiều: Tiếng tằm ăn dâu xôn xao, tiếng khung cửi dệt kẽo kẹt, tiếng sột soạt của những mảnh lụa bay trong gió, tiếng hát, tiếng nói cười của những nghệ nhân...Dường như bao âm vang của ngàn xưa đang vọng về trong tâm hồn bạn, tựa như nơi đây là một cõi vô cùng linh thiêng mà trăm năm trước ai người đã đặt chân đến, bắt tay dệt những tấm lụa đầu tiên để rồi truyền lại cho con cháu sau này.

Vậy là giờ đây, không chỉ có Myanmar, Indonesia, Singapore, Philippines... mà Việt Nam cũng đã có lụa tơ sen để vinh dự sánh ngang với các nước bạn, điều đó nhờ công rất lớn từ nghệ nhân Phan Thị Thuận. Những sợi tơ của bà không chỉ phát huy nghề truyền thống, thể hiện sự kiên trì, sáng tạo, yêu nghề của nghệ nhân Việt mà còn là sợi tơ vàng nối tình yêu lụa của các nước trong khu vực Đông Nam Á gắn bó khăng khít với nhau hơn. Để cả thế giới khi nhìn vào không có sự so sánh sản phẩm, tài năng giữa các nghệ nhân mà để mọi người cùng trân trọng, nâng niu những tấm lụa tuyệt vời họ đã dệt lên bằng tất cả tình yêu nghề nồng nàn của mình.

Hà Nội ngày 28/9/2018 - VTT

Vũ Thị Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-det-lua-to-sen-tu-tinh-yeu-va-long-can-dam-64608