Người 'đi theo mép biển'

Trong 149 sinh viên thuộc 18 khóa từng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có 2 'bộ tứ' được coi là những danh họa nổi bật của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Bộ tứ Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và bộ tứ Sáng - Nghiêm - Liên - Phái (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái).

Ngoài tài năng, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn là một người quan trọng bởi ông đảm nhiệm nhiều trọng trách cũng như chức vụ trong lĩnh vực mỹ thuật. Tuy nhiên, vào những năm tháng cuối đời, tổng kết lại, ông đã nhận ra một điều vô cùng hối tiếc, nhưng đã không còn đủ sức để thực hiện.

Chia sẻ này được kể bởi họa sĩ Trần Huy Oánh, học trò của danh họa. Họa sĩ Huy Oánh là học sinh khóa 2 hệ Trung cấp Trường Mỹ thuật Việt Nam (tính từ thời điểm Trường Mỹ thuật rời Việt Bắc về lại Hà Nội sau năm 1954) mà họa sĩ Trần Văn Cẩn làm hiệu trưởng. Là một người có tài năng hội họa, sau khi học tiếp hệ Cao đẳng rồi ở lại giảng dạy mỹ thuật, họa sĩ Trần Huy Oánh có thời gian dài gần gũi chia sẻ nhiều câu chuyện, cả đời thường lẫn nghệ thuật với người thầy của mình.

1. Ngôi nhà tập thể ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền được họa sĩ Trần Văn Cẩn dọn đến khi ông thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật. Đây từng là nơi ở của gia đình nhà phê bình văn học Hoài Thanh trước khi vợ nhà phê bình mất. Sau nhiều năm sống một mình, lận đận trong chuyện tình cảm riêng, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã tìm được hạnh phúc với người học trò chênh lệch tuổi quá nhiều. Hai người sống cùng nhau, không con cái, cho đến khi ông qua đời ở tuổi 84.

Mặc dù là một danh họa, cũng như phần lớn danh họa Việt Nam lúc bấy giờ, trong bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh, những sáng tạo cá nhân phải "nhường chỗ" cho những vấn đề chung của toàn xã hội.

Chân dung họa sĩ Trần Văn Cẩn, tranh của họa sĩ Huy Oánh.

Chân dung họa sĩ Trần Văn Cẩn, tranh của họa sĩ Huy Oánh.

Cả đời họa sĩ Trần Văn Cẩn chỉ có 1 triển lãm cá nhân, đúng dịp sinh nhật ông tròn 70 tuổi (13/8/1980). Trong gần 200 tác phẩm trưng bày, gồm các chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước; 100 bức ký họa màu nước đã được Bảo tàng Mỹ thuật sưu tập. Một số lượng lớn các tác phẩm khác của ông, sau khi ông mất, đã được ủy quyền cho bà Trần Thị Hồng - người bạn đời của ông trông nom.

Để bảo quản số tranh và có nơi trưng bày tác phẩm, bà Hồng đã bán một số bức, mua một ngôi nhà trên phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội). Ngoài ý định tổ chức triển lãm thêm cho họa sĩ Trần Văn Cẩn, bà Hồng còn có mong muốn in thành sách các tác phẩm hội họa của cố họa sĩ, chuyển giao các tác phẩm cho cơ quan Nhà nước, tuy nhiên cả 2 dự định sau đều không thực hiện được.

Năm 2017 bà Hồng mất, một Đại tá về hưu cùng nhóm học sinh khóa đầu tiên sinh hệ sơ trung Trường Mỹ thuật có nhiều kỷ niệm với họa sĩ Trần Văn Cẩn đã đứng ra phối hợp với cơ quan chức năng làm công tác kiểm kê, niêm phong bảo vệ các bức tranh. Số tranh sau đó đã trở thành bộ sưu tập của một nhà sưu tầm tư nhân trong nước.

Toàn bộ tiền thu được từ việc bán tranh, căn cứ vào luật pháp, thuộc về 8 người e cùng cha khác mẹ của bà Hồng ở Đồng Tháp - những người mà thậm chí, lúc còn sống ông Cẩn và họ chưa từng gặp mặt. Họ cũng từ chối đề nghị của các học trò họa sĩ là trích một phần số tiền để lập thành một quỹ mang tên danh họa, nhằm tôn vinh ông cũng như khuyến khích những tài năng nghệ thuật.

2. Điều hối tiếc của họa sĩ Trần Văn Cẩn không phải ở chỗ ông đã di chúc giao lại toàn bộ tác phẩm cho người bạn đời, bởi ông hoàn toàn tự nguyện. Nỗi bận tâm của họa sĩ cũng không phải ở chỗ ông sẽ không biết tương lai những đứa con tinh thần mình sáng tạo ra có số phận ra sao khi bà Hồng mất đi. Hai người không có con với nhau, liệu ai là người sẽ tiếp tục trông nom những bức vẽ. Ông không nghĩ xa đến thế.

Điều hối tiếc của họa sĩ không phải là ông không để lại nhiều tác phẩm. Hơn 1.000 bức tranh, không ít tác phẩm đặc sắc, ấn tượng, từng đoạt các giải thưởng. Điều này không phải họa sĩ nào cũng có thể làm được.

Điều hối tiếc của ông cũng không phải có tài mà không tạo được danh tiếng. Đương thời ông là người có đủ cả tài, cả danh. Là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật nhiều năm liền, từng giữ các chức vụ: Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.

Về mặt tình cảm, dù lận đận trong quãng đời tuổi trẻ, tuổi trung niên, nhưng cuối cùng ông cũng đến được bến đỗ với bà Trần Thị Hồng. Có thể nói, đó là quãng đời hạnh phúc của cả hai người.

3. Những năm tháng cuối đời, họa sĩ Trần Văn Cẩn bị ốm, đi lại khó khăn, ông thường nằm một chỗ, ngắm những bức tranh của mình treo xung quanh tường. Thỉnh thoảng họa sĩ Huy Oánh đến thăm thầy, cùng uống bia, trò chuyện. Rất nhiều chuyện lộn xộn, khi gom lại, họa sĩ Huy Oánh tổng kết thành 1 ý lớn ông muốn nói: Rằng ông có tất cả mọi thứ nhưng lại không có gì.

"Có tất cả mọi thứ" ở đây được hiểu trong tương quan đời sống lúc bấy giờ. Trong khi về kinh tế mọi người sống quá khó khăn, thì ông, tuy không phải người giàu có, thừa thãi nhưng về vật chất ông tương đối đầy đủ. Họa sĩ lại là người có tài năng, danh tiếng, chức vụ không nhỏ trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông có một gia đình với người bạn đời vừa nhan sắc vừa hết mực thương yêu, chăm sóc mình.

Tại sao "có tất cả mọi thứ nhưng lại không có gì"? "Không có gì" là không có gì? Câu trả lời có lẽ chỉ mình họa sĩ Huy Oánh giải đáp được.

4. Với họa sĩ Trần Văn Cẩn, họa sĩ Huy Oánh không chỉ là học trò gần gũi, là đồng nghiệp, mà cao hơn, cả hai người đều thực sự trăn trở, suy tư về nghệ thuật. Trong cuộc trò chuyện, họa sĩ Huy Oánh đã có những lý giải để giải mã sâu hơn niềm nuối tiếc cuối đời của danh họa Trần Văn Cẩn. Lý do đầu tiên, có lẽ xuất phát từ bản chất của người nghệ sĩ, họ là những người lãng mạn. Họa sĩ Trần Văn Cẩn, trong con mắt học trò là một người "đặc biệt lãng mạn".

Ông lãng mạn cả trong nghệ thuật lẫn đời sống. Ông cũng là "một người rất hiền hậu, nhân từ. Ông yêu học trò, ít nói, sống thầm kín, nội tâm".

Năm 1968, trong đợt sinh viên đi thực tế làm bài tốt nghiệp, họa sĩ Huy Oánh cùng thầy của mình đã có hơn 1 tháng hành trình đạp xe đạp đi vẽ. Hai thầy trò xuất phát từ Hà Nội, đến Hoằng Trường (Thanh Hóa) thì dừng lại vẽ. Nhiều ký họa về ngư dân Thanh Hóa của cả hai người đã được ghi dấu ở đây.

Thay vì đi đường quốc lộ 1, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã đề xuất ngay ý kiến: "Thôi ta đi thật sớm và đi theo mép biển". Ông thích thưởng ngoạn không khí buổi sớm ở biển, đồng thời muốn đảm bảo di chuyển an toàn trong điều kiện chiến tranh.

Lý do quan trọng thứ hai, là do tâm lý chung của người nghệ sĩ, nhất là những họa sĩ, thường không bằng lòng với những gì mình đã làm ra. Vẽ xong một bức tranh, thấy chán, lại muốn vẽ bức khác, hi vọng sẽ hay hơn. Cứ như vậy. Và "cái khó của người làm nghệ thuật là phải khai phá con người mình, để tìm ra bản thể của mình, một bản thể đặc sắc, riêng biệt, không ai có. Nhưng không phải nghệ thuật của người nào cũng làm được tận cùng điều đó", họa sĩ Huy Oánh cho biết.

Cho nên những "dằn vặt, lận đận, gian khổ" nảy sinh luôn đi kèm với "niềm hứng thú cùng đòi hỏi nỗ lực". Mọi sáng tạo tránh việc lặp đi lặp lại cái cũ đã có, cũng là để người ta "là mình nhất". Muốn như vậy, không cách nào khác, họa sĩ Huy Oánh nhấn mạnh: "Anh phải lao động như một khổ sai, phải đào sâu nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc, trí tuệ, tư duy, phát triển mạch liên tục của nghề nghiệp mới có thể mong đến gần với đích. Nghệ thuật thực sự đòi hỏi một tình yêu tuyệt đối, sự chuyên tâm và dấn thân quyết liệt đến cùng mới có thể trả về những quả ngọt cho người sáng tạo.

Nhưng quả ngọt cũng không có tận cùng. Anh tưởng anh đã đến được nơi mình muốn đến, nhưng khi anh cảm giác gần chạm tới thì cái đích lại lùi xa. Hết lần này đến lần khác. Và mỗi lần anh đi xa hơn, trên con đường nghệ thuật, thì chính anh lại đến gần hơn bản thể của mình".

5. Hơn 40 năm liền giữ các trọng trách trong lĩnh vực nghệ thuật, những đóng góp của họa sĩ Trần Văn Cẩn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên theo họa sĩ Huy Oánh thì không phải mọi việc lúc nào cũng như ý của danh họa. Vì đảm nhiệm nhiều trọng trách, ông đã không tránh khỏi việc phân tâm, do vậy đã có lúc gián đoạn mạch sáng tạo của mình.

Chính vì sự phân tâm, có những tác phẩm sáng tác ở giai đoạn sau này đã giảm đi sức lan tỏa, và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nghệ thuật. Nếu như họa sĩ tập trung vào nghề nghiệp, không mất thì giờ làm những việc ngoài nghệ thuật thì bằng tài năng và những gì đã có, ông có thể khai thác được những vấn đề hay hơn, ở bề sâu hơn, ở tầm cao hơn, nhưng ông đã không làm điều đó.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn có khả năng làm điều này không, cho dù có chuyên tâm hơn nữa - trong một thời đại mà mọi lĩnh vực, không ngoại trừ nghệ thuật, cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm của lãnh đạo thời bấy giờ? Họa sĩ Huy Oánh cho rằng: "Không thể nói không ảnh hưởng. Nhưng họa sĩ Trần Văn Cẩn là một người hào hoa và có tài năng. Ông muốn tìm ra 1 hướng đi mới chưa ai đi, và có khả năng làm việc đó. Nếu nói để tạo ra trường phái riêng thì không thể nói được, nhưng rõ ràng, ông có thể làm được những cái ở tầm cao hơn.

Cuối đời kiểm kê lại, thì mới thấy rằng, ông lãng phí thời gian quá. Và khi nhận ra được điều đó thì đã muộn. Đấy là cái đau trước khi chết, là điều họa sĩ Trần Văn Cẩn day dứt. Ông ấy đi chắc cũng không thanh thản. Mặc dù khi ông chết đi thì tranh của ông bán được cả trăm tỉ, tài danh có thể coi là thành đạt. Nhưng những chức tước, hoặc tiền bạc rồi nó cũng đi qua, cũng phù du; nếu như "tham", thì cuối cùng anh và nghệ thuật của anh cũng chẳng đi đến đâu cả. "Có tất cả mọi thứ nhưng lại không có gì" là tổng kết về cuộc đời nghệ thuật của chính họa sĩ. Ông không vừa lòng với những gì ông đã làm ra, không chấp nhận những thành đạt mình đã có không phải để danh tiếng cao hơn, mà vì muốn vươn tới nghệ thuật cao hơn".

Hải An

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nguoi-di-theo-mep-bien-564202/