Người định xây thiên đường ở cõi tục

Giữa cái trần trụi, ham muốn bản năng, lại nhìn ra sự hướng thiện, hướng mỹ, hướng chân.

Theo một nghiên cứu viên Đại học Harvard, con người ngoài đời của Nguyễn Phúc Lộc Thành có nhiều điểm thú vị và thậm chí hơi buồn cười.

“Thưa các quý vị.

Tôi thực sự rất vinh hạnh, vì là kẻ ngoại đạo, vô danh, mà lại được nói vài lời trước những cây đa, cây đề của văn đàn Việt Nam.

Ở đây có những anh chị, chú bác mà tôi chỉ dám biết đến con chữ, lời văn của họ, chứ chưa từng dám mơ có dịp được gặp mặt ngoài đời thế này.

Được anh Thành động viên, tôi xin các bác, các chú, các anh các chị ở đây được mạn phép chia sẻ một vài cảm nhận thông thường, của một người đọc thông thường, xem các tác phẩm của Nguyễn Phúc Lộc Thành đã tác động đến “người thường” như thế nào.

Còn việc bình luận tác phẩm của anh Thành dưới góc độ nghệ thuật và khoa học, thì tôi xin được rửa tai, dựa cột để nghe.

Thực ra mối duyên của tôi với văn của Nguyễn Phúc Lộc Thành bắt đầu từ lâu lắm rồi: cách đây tròn 20 năm, những năm 90s khi tôi chỉ mới là một cậu học sinh 13 tuổi.

Một lần tôi vô tình bắt gặp trích đoạn chương 1 của tiểu thuyết “Cõi Nhân Gian” tại một Tạp chí Văn nghệ - Văn hóa. Khi đó, tôi lập tức bị ám ảnh bởi cảm giác rất u uất, trầm buồn của đoạn trích 20 trang đó.

3 tập "Giấc mơ sông Thương", "Chiều", "Chân quê" được tác giả "mix' làm một thành "Giấc mơ sông Thương"

Và vì thế tôi đã lùng tìm tiểu thuyết cho bằng được. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi cầm quyển sách đó trên tay, đọc từ trang đầu đến trang cuối, thả mình vào cõi văn của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Điều tôi không hình dung ra lúc đấy là khoảnh khắc cầm quyển sách đó là cái duyên có phần được định sẵn.

Sau này thời gian trôi đi, 20 năm với nhiều biến động, tôi không còn giữ lại được quyển sách đó nữa. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Mà thời xưa thì không có phương tiện mạng xã hội để tìm kiếm. Những gì tôi biết chỉ là vài bài báo đăng tin nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã là Chủ tịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Hưng.

Thế rồi sau này khi trưởng thành hơn, tôi có may mắn được đi học tập và nghiên cứu tại thành phố Boston, Mỹ. Vào một ngày hè năm 2017, tôi bất ngờ bắt gặp lại quyển sách của thời xưa ở xứ này.

Cuốn “Cõi Nhân gian” hóa ra được người Mỹ trang trọng lưu giữ ở trường Harvard từ rất lâu rồi. Như quý vị đã biết, trường đại học Harvard là một trong những ngôi trường tốt nhất thế giới.

Harvard Yenching là viện nghiên cứu về Đông Á, nơi lưu giữ văn hóa, văn học, lịch sử các nước. Sách in năm 1994 đến giờ đã cũ, giấy bìa đã mủn.

Nhưng họa tiết bìa cách đây 20 năm tôi vẫn nhận ra. Tôi đọc lại nó, thấy mình như trở lại cậu bé của ngày xưa. Mới thấy 20 năm qua mình đến nay đã lớn, đã già. Lần đọc thứ hai này nhìn lại như một kiếp khác.

Ngẫm lại mới thấy rất nhiều cách hành xử và quyết định lớn trong đời mình bị ảnh hưởng bởi Cõi Nhân gian.

Ảnh hưởng đến cách viết văn của chính mình (ở đây xin thổ lộ là Nguyễn Phúc Lộc Thành và Nguyễn Huy Thiệp là giọng văn ảnh hưởng nhất đến tôi)… cho đến ảnh hưởng đến cách mà tôi học đối nhân xử thế, học sống với đời.

Và cả những điều được và mất, những tự hào và thua thiệt của bản thân cũng chính là từ cách hành xử của mình theo quyển sách đó mà ra.

Cái duyên định mệnh đó đã thôi thúc tôi tìm lại anh cho bằng được. Tôi tìm thấy anh trên mạng xã hội facebook. Lúc đầu tôi rất ngờ ngợ. Bởi anh không lấy tên là “Nguyễn Phúc Lộc Thành”, mà đơn giản là “Nguyễn Phúc Thành”.

Nhưng bất ngờ hơn bởi vì trong tiềm thức của tôi: Nguyễn Phúc Lộc Thành mà tôi quen với con chữ, giọng văn là một nhà văn, chứ không phải một nhà thơ. Đó cũng là giai đoạn anh bắt đầu chia sẻ một vài bài thơ trong tuyển tập Giấc mơ Sông Thương để bạn bè trên mạng của anh cùng bình phẩm. Và những dòng thơ của anh khiến tôi thực sự sửng sốt.

Nếu như Cõi Nhân Gian là câu chuyện ở thành phố thì Giấc mơ Sông Thương là về thiên nhiên, con người ở làng quê Việt Nam.

Nếu như Cõi Nhân Gian kể chuyện bằng hội thoại, thông qua tâm tư sâu thẳm của mỗi nhân vật, gần như không có văn tả thì Giấc mơ Sông Thương là những bức tranh thiên nhiên vô cùng đặc biệt được thổi vào đó tâm sự của con người.

Nếu như Cõi Nhân Gian đại diện cho một xã hội những năm 90s, và còn nguyên những giá trị cho đến tận bây giờ; thì dường như Giấc mơ Sông Thương khơi lại đời sống của người Việt Nam ta, trải dài ngàn đời nay.

Những câu thơ trong đó vượt thời gian, bóng dáng của ca dao, tục ngữ ông cha ta trong đó.

Đọc truyện và đọc thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành như thế, chẳng ai nghĩ nổi đó là cùng một tác giả viết. Điều kỳ lạ là anh viết không nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện đều xuất thần thoát tục như thế.

Những bất ngờ đó khiến tôi mạnh dạn liên hệ với anh.

Để nói với anh rằng xin cảm ơn anh về Cõi Nhân gian đã giúp tôi hình thành nên con người như bây giờ.

Và cũng để nói với anh rằng thơ anh cũng như văn của anh. Ngẫm kỹ lại, có thể thấy một điểm rất chung: đó là viết về cuộc đời, về cõi tục, mà lại thấy được sự thoát tục.

Giữa cái trần trụi, ham muốn bản năng, lại nhìn ra sự hướng thiện, hướng mỹ, hướng chân.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/nguoi-dinh-xay-thien-duong-o-coi-tuc-3366065/