'Người đưa đò thầm lặng' ở trường THCS Thụy Phương

Thầy giáo Bạch Đàm Long (trường THCS Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo. Chừng ấy năm có biết bao nhiêu câu chuyện xúc động về tấm lòng nhân ái của thầy Long với học trò. Kim chỉ nam của thầy Long khi làm giáo viên là dạy học sinh trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Giúp học sinh biết ứng dụng kiến thức vào đời sống

Chúng tôi đến lớp 8A5, trường THCS Thụy Phương - nơi thầy Long chủ nhiệm - đúng giờ sinh hoạt cuối tuần. Không khí lớp học trở nên sôi nổi khi các em giới thiệu máy “Thu phát và khuyếch đại âm thanh” vừa được các em sáng chế.

Em Đỗ Minh Thúy, học sinh lớp 8A5 giới thiệu: “Chiếc máy này có chức năng khuyếch đại âm thanh, được ứng dụng trong lúc các thầy cô giảng bài, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc buổi văn nghệ của nhà trường”.

Thầy Long cùng học sinh lớp 8A5, trường THCS Thụy Phương giới thiệu chiếc máy "Thu phát và khếch đại âm thanh". Ảnh: Lê Vân

Thầy Long cùng học sinh lớp 8A5, trường THCS Thụy Phương giới thiệu chiếc máy "Thu phát và khếch đại âm thanh". Ảnh: Lê Vân

Đây là một trong số nhiều sản phẩm mà học sinh của thầy Long làm ra.

Trước đó, thầy Long là người đã có nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Năm 2015, sáng kiến “Máy chiếu vật thể đa năng” được sử dụng như một camera di động hỗ trợ hiệu quả công tác giảng dạy, chữa bài, kết nối trực tuyến giữa các lớp học trong nhà trường, sản phẩm đã được đưa vào áp dụng ở nhiều trường học trên địa bàn quận và một số tỉnh, thành như Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Năm 2018, sáng kiến sản phẩm “Kính hiển vi điện tử kết nối máy tính” của thầy Long giúp hỗ trợ các nhân viên y tế khám mắt cho các em học sinh.

Là giáo viên dạy Toán, thầy Bạch Đàm Long nhận thấy những ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết để hỗ trợ việc giảng dạy, cũng như hướng dẫn học sinh ứng dụng kiến thức làm ra sản phẩm có ích trong đời sống.

"Khoảng năm 1996 - 1997, giáo dục phổ thông có những yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Việc có máy tính, kết nối internet là rất mới mẻ. Tôi cảm thấy kiến thức sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nôi chưa đủ, nên thi vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để học văn bằng 2 về Toán và Tin học ứng dụng. Nhờ những thế mạnh đào tạo của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, cộng thêm những kiến thức trong cuộc sống, tôi đã trở thành một giáo viên có thể vừa dạy Toán, vừa dạy Tin, vừa dạy công nghệ…”, thầy Bạch Đàm Long chia sẻ.

Với sự nỗ lực của thầy Long và các thầy cô giáo trong trường, phong trào tự làm đồ dùng dạy - học phát triển rất mạnh mẽ ở trường THCS Thụy Phương. Học sinh trong trường tự sửa chữa được những ổ cắm điện, quạt hỏng, làm vệ sinh miếng lưới lọc điều hòa, máy tính lỗi win có thể cài lại win…

Thầy Bạch Đàm Long kể: “Thực ra cơ sở vật chất nhà trường con thiếu, các thầy cô tự khắc phục. Những gì một mình thầy làm không hết thì gọi học sinh vào làm cùng. Khi kiến thức được áp dụng trong thực tế, học sinh càng ham thích hơn. Được thầy khuyến khích, các con lại càng thích học, bớt đi chơi. Trong vòng năm bảy năm trở lại đây, tôi có duy trì một câu lạc bộ kỹ thuật viên của nhà trường, các con sửa chữa những thiết bị như máy tính bị lỗi wins, các con có thể cài lại wins; Các ổ cắm, phích cắm hay những miếng lưới lọc điều hòa, khoảng tầm 2 - 3 tháng các con sẽ tháo ra và đem đi cọ rửa… Tự các con có thể làm được dưới sự giám sát của các giáo viên. Những bộ loa các con tự chế để nghe nhạc”.

Thầy Long là một giáo viên dạy Toán Tin, trong quá trình dạy học, thầy yêu thích môn công nghệ với lý do là ứng dụng trong cuộc sống hàng này.

"Thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến các em học sinh là: “Các con học xong, ra xã hội phải trở thành một người có ích”. Những học trò quay lại với tôi có những em trở thành kỹ sư, bác sĩ nhưng có những em là lao động phổ thông. Nhưng học trò luôn tự hào những đồng tiền kiếm ra được bằng chính sức lao động của mình. Có những em xách đến tặng tôi túi trái cây, hay một chậu hoa nói rằng “Đây là công sức làm vườn của em””.

Thầy Long được công nhận người tốt, việc tốt của quận Bắc Từ Liêm năm 2020. Đồng thời, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt năm 2020.

Dạy học sinh trở thành người có ích

Nhắc đến thầy Long, học sinh không chỉ ấn tượng bởi những giá trị về bài giảng trong đời sống mà còn là tấm lòng nhân ái của thầy.

Thầy Long hiện đỡ đầu 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn là: Nguyễn Hữu Chính; Nguyễn Hải Triều và Nguyễn Hoàng Phi Long lớp 9A4 trường THCS Thụy Phương. Thầy tài trợ học phí hoàn toàn và thêm tiền mặt cho em Nguyễn Hải Triều để hỗ trợ mẹ điều trị bệnh nan y.

Tuần 2 buổi, thầy Long dạy kèm miễn phí cho đối tượng học sinh trung bình và yếu thi vào 10 nên 100% học sinh lớp chủ nhiệm đỗ cấp 3 công lập, trong đó 42/44 em đỗ nguyện vọng 1. Có học sinh đạt 9,75 toán, trở thành Thủ khoa môn Toán của trường.

Hơn 30 năm trong nghề giáo, thầy Long có nhiều câu chuyện xúc động về tình thầy trò, về hoàn cảnh gia đình các em. Thầy Long chia sẻ: “Khi làm giáo viên, tôi không chỉ dạy kiến thức mà còn để ý đến hoàn cảnh các em. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cùng trò chuyện, giúp các em, cùng gia đình vượt qua khó khăn để các em được đến trường”.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, thầy Long ấn tượng về một học sinh học lớp 7 phải nghỉ học để theo chân bố mẹ đi phụ đánh cá.

Thầy Long nhớ lại: “Khi tôi đến gặp bố mẹ học sinh này thì được bố em tiếp rượu. Sau buổi nói chuyện cởi mở, chân thành, gia đình đồng ý để con đi học trở lại. Vì làm nghề chài lưới, họ làm cho con cái bàn học bằng chõng nhưng mặt bàn bị nhấp nhô. Tôi kiếm một miếng gỗ dán phẳng đem tới. Bố mẹ em ấy rất xúc động và cố gắng để con đi học tốt nghiệp cấp II. Tôi cảm thấy khi có sự thông cảm, đồng thuận giữa giáo viên với gia đình thì phụ huynh thì rất dễ chia sẻ. Cũng chính từ đó, tôi bắt đầu chia sẻ với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân mình không đủ khả năng thì cũng có các tổ chức, xã hội khác”.

Thầy Long cho rằng, những học sinh vẫn gọi là “cá biệt” hay nghịch thì không phải là những học sinh xấu hoàn toàn. “Mỗi em có những năng lực đặc biệt riêng. "Thay vì mắng, tôi tổ chức các lớp dạy võ thuật để lôi kéo các con tham gia. Khi các con theo mình rồi thì rất dễ để đưa các con trở lại con đường học tập”, thầy Long cho biết.

Trong rất nhiều câu chuyện của mình, thầy Long xúc động nhớ về câu chuyện về một học sinh gặp lại mình cách đây 5 năm, nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

"Nhớ ra đó là một học trò nghèo, không có tiền may đồng phục, tôi đã dẫn em này đi may một bộ đồng phục. Nhưng 20 năm sau gặp lại, được biết em ấy thành đạt, lại duy trì một tổ chức thiện nguyện thường xuyên giúp đỡ những học sinh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Câu nói của em ấy dành cho tôi là: “20 năm trước thầy giúp em, bây giờ em có điều kiện em muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”, tôi cảm thấy rất xúc động. Bởi mình cho đi một nhưng nhận được giá trị lan tỏa rất nhiều”, thầy Long kể.

Tạm biệt thầy Long, tạm biệt lớp học sôi nổi trong giờ sinh hoạt cuối tuần, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động về hình ảnh người thầy đôn hậu, thân thiện, những ứng dụng của học sinh cấp II trong đời sống và những câu chuyện đầy ý nghĩa về học sinh trưởng thành trở lại gặp thầy. Học sinh của thầy Long hoặc thành đạt hoặc không nhưng khi trở về với thầy, họ đều mang những giá trị lao động tự thân để tặng thầy. Đó có lẽ là món quà tri ân đẹp nhất mà thầy Long mong đợi.

Video lớp học của thầy Bạch Đàm Long tại trường THCS Thụy Phương:

Phạm Thương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/nguoi-dua-do-tham-lang-o-truong-thcs-thuy-phuong-20210425085354643.htm