Người đưa khổ qua rừng thành đặc sản địa phương

Đầu năm 2019, sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (Công ty Hiệp Vân, KP.Cẩm Tân, phường Xuân Tân, TP.Long Khánh) được chọn là một trong 12 sản phẩm tiêu biểu để xây dựng mô hình điểm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, giai đoạn 2019-2020.

Anh Nguyễn Văn Hiệp bên máy sấy khổ qua rừng. Ảnh: T.Mộc

Anh Nguyễn Văn Hiệp bên máy sấy khổ qua rừng. Ảnh: T.Mộc

Đây là thành quả của quá trình tự mày mò, nghiên cứu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ nhân của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân, người đưa vị đắng của khổ qua rừng thành vị ngọt của đặc sản địa phương.

* Cơ duyên với khổ qua rừng

Lớn lên từ vùng đất Long Khánh, từ nhỏ đã làm quen với nương rẫy nên khổ qua rừng là một trong những loại cây quen thuộc với anh Hiệp, đây cũng là món ăn khá phổ biến không chỉ của gia đình anh mà còn của hầu hết người dân trong vùng.

Tuy nhiên, món ăn chính của mọi người từ khổ qua rừng chỉ là đọt và trái, còn các thành phần khác của cây không được ai quan tâm. Tìm hiểu công dụng của khổ qua rừng qua thông tin sách, báo và internet, anh Hiệp thấy đây là loại thực vật có khá nhiều dược tính tốt cho sức khỏe với công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Loại cây này đặc biệt rất hữu ích đối với người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp... Từ đây, ý tưởng cho ra đời những sản phẩm từ khổ qua rừng bắt đầu nhen nhóm.

Nông dân thu hoạch khổ qua rừng cung cấp cho Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân. Ảnh: T.Mộc

Sau nhiều lần thử nghiệm, cùng sự chung tay của các thành viên trong gia đình, món ăn đầu tiên từ khổ qua rừng ra đời là món trái khổ qua rừng muối chua. Để đánh giá chất lượng sản phẩm, anh Hiệp mang khổ qua rừng muối chua mời người thân, bạn bè dùng thử và đã nhận được phản hồi tốt, vị đắng của trái khổ qua dịu lại cùng với vị chua ngọt và độ giòn của trái đã tạo nên hương vị khổ qua rừng muối chua lạ miệng, dễ ăn.

Từ thành công ban đầu, những sản phẩm nối tiếp theo đó là khổ qua rừng xá xíu, khổ qua rừng nhồi thịt, nhồi cá thác lác, đọt khổ qua rừng sạch dùng để nấu canh và nhúng lẩu... đã được các quán ăn, nhà hàng tại Long Khánh và một số tỉnh, thành trong cả nước đón nhận tích cực. Ngoài ra, Cơ sở Hiệp Vân còn sở hữu những sản phẩm như: trà túi lọc, viên nang tinh chất khổ qua rừng, bột và cao từ khổ qua rừng.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình, đầu năm 2018, vợ chồng anh Hiệp thành lập công ty để thuận tiện hơn trong việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng được chọn là sản phẩm tiêu biểu xây dựng mô hình điểm trong chương trình OCOP của tỉnh. “Để làm ra sản phẩm trà túi lọc, tôi mất 6 tháng với nhiều thử nghiệm. Để sản phẩm được chấp nhận trên thị trường, tôi phải tuân thủ tất cả các quy trình kiểm tra từ cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, sản phẩm của công ty tôi đang được thị trường đón nhận rất tích cực, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, thậm chí, một số người từ nước ngoài về thăm quê sau khi thưởng thức đã trở thành khách hàng thân thiết của tôi và giới thiệu thêm bạn bè ở nước ngoài cùng sử dụng, tôi hy vọng sản phẩm của mình sẽ vươn xa hơn trong tương lai” - anh Hiệp chia sẻ.

* Phát triển vùng nguyên liệu sạch

Để bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất, anh Hiệp tự tìm giống khổ qua rừng riêng, sau đó rong ruổi khắp nơi, đi tìm nông dân để thuyết phục họ trồng khổ qua rừng cung cấp nguyên liệu cho công ty.

Đến nay, anh Hiệp đã xây dựng được mạng lưới trồng và cung cấp khổ qua rừng cho công ty của mình với diện tích khoảng 20 hécta ở TP.Long Khánh (10 hécta) và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Ông Nguyễn Hoàng Mai (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc), một hộ dân cung cấp khổ qua rừng cho anh Hiệp chia sẻ, từ ngày cung cấp khổ qua rừng cho anh Hiệp, gia đình ông có thu nhập ổn định. Trước khi gặp được anh Hiệp, mỗi lần hái khổ qua rừng xong, ông Mai phải mang đi chợ tự bán với giá không ổn định, chợ ế, ông lại sắm máy sấy khổ qua để bán khổ qua khô với giá rất rẻ.

Các sản phẩm từ khổ qua rừng của Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh). Ảnh: T.Mộc

Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay ông Mai không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì đã có Công ty Hiệp Vân ký hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm. “Tôi đang dự định mở rộng diện tích trồng khổ qua rừng, cung cấp cho Công ty Hiệp Vân. Từ ngày làm ăn với công ty, kinh tế của gia đình tôi khá hơn nhờ thu nhập ổn định” - ông Mai chia sẻ.

Còn ông Vy Văn Minh (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) thì cho hay, nhờ có giống và sự hỗ trợ của anh Hiệp, 3 sào khổ qua rừng của gia đình ông đã cho thu hoạch được khoảng 30 triệu đồng/tháng. “Anh Hiệp hướng dẫn cách trồng cây và chăm sóc, lại cung cấp giống nên không phải lo về đầu ra. Ban đầu nghĩ trồng khổ qua rừng chỉ là thu nhập phụ nhưng nay nó lại trở thành nguồn thu nhập chính. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích để tiếp tục trồng khổ qua rừng khi Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân yêu cầu” - ông Minh cho biết thêm.

Đồng Nai hiện có 173 sản phẩm dự kiến lựa chọn để hoàn thiện, nâng cấp trong chương trình OCOP giai đoạn 2019 -2025, trải đều các địa phương trong tỉnh. Hiện tại đã có 12 sản phẩm được chọn xây dựng mô hình điểm giai đoạn 2019-2020.

Mục tiêu xây dựng chương trình OCOP là nhằm góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Chương trình OCOP phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của người dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, góp phần thực hiện nội dung thứ 3 của chương trình xây dựng nông thôn mới là “Tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng và căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/201910/nguoi-dua-kho-qua-rung-thanh-dac-san-dia-phuong-2968569/